Gia công thừa làm giảm năng suất lao động, lợi nhuận doanh nghiệp
Doanh nghiệp cần có giải pháp tương ứng để giảm thiểu các lãng phí gia công thừa trong quá trình sản xuất. Ảnh minh họa.
Giảm năng suất lao động
Cụ thể, gia công thừa không chỉ gây nên việc sử dụng lao động và thiết bị kém hiệu quả mà còn làm gián đoạn luồng sản xuất thông thoáng dẫn đến những ách tắc và đình trệ trong quy trình. Mặt khác, gia công thừa có thể ảnh hưởng đến sự thỏa mãn của khách hàng, uy tín của doanh nghiệp thông qua việc khiếu nại của khách hàng về chất lượng không phù hợp, thời gian giao hàng chậm…
Với việc giải quyết các vấn đề không phù hợp trong quá trình sản xuất, doanh nghiệp phải mất thêm nhiều khoản chi phí như: chi phí xử lý sai lỗi, chi phí nguyên vật liệu, chi phí nhân công của công đoạn trước đó, chi phí năng lượng tạo ra sản phẩm, chi phí nhân công để khắc phục sai lỗi. Gia công thừa trong quá trình sản xuất cũng làm giảm năng suất lao động, giảm lợi nhuận của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Về nguyên nhân gây ra lãng phí gia công thừa, giới chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chính là do quá trình không được làm đúng ngay từ đầu và không thực hiện đúng các quy định đã đặt ra. Công đoạn sau không kiểm tra sản phẩm của công đoạn trước. Người lao động trực tiếp sản xuất, cung cấp dịch vụ thiếu kiểm soát quá trình sản xuất, không kiểm tra giám sát sản phẩm xem có đạt yêu cầu hay chưa. Bên cạnh đó, người quản lý thiếu sự kiểm tra, giám sát hoặc do chính cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý đơn hàng triển khai thông tin tài liệu không đúng. Máy móc, thiết bị không được bảo dưỡng, bảo trì định kỳ dẫn đến trong quá trình sản xuất, máy móc thiết bị bị hỏng hóc, hư hỏng làm ảnh hưởng đến quá trình tạo ra sản phẩm; từ đó gây ra lãng phí do phải giải quyết các sản phẩm không phù hợp này.
Cần có giải pháp tương ứng
Công nhân xử lý cắt bỏ đi hàng thừa do thiếu phương pháp đo khối lượng.
Tùy theo nguyên nhân phát sinh sai lỗi mà doanh nghiệp sẽ có giải pháp tương ứng để giảm thiểu lãng phí gia công thừa trong quá trình sản xuất. Trước tiên, doanh nghiệp cần luôn luôn đặt ra câu hỏi “mục đích của quá trình này là gì?”; “nhiệm vụ của công đoạn này là gì?”. Chính mục đích của công đoạn sẽ giúp xác định hoạt động nào là “cần thiết”, hoạt động nào là “không cần thiết”.
Hơn nữa, doanh nghiệp cũng có thể thực hiện hoạt động nhóm kiểm soát chất lượng QCC (nhóm QCC). Đầu tư vào con người, đặc biệt là nhóm cải tiến chất lượng trong doanh nghiệp, có thể xác định các loại lãng phí trong quá trình và cải tiến liên tục.
Soạn thảo, ban hành và đưa vào áp dụng các hướng dẫn công việc, chuẩn hóa các thao tác cho tất cả công đoạn, khu vực. Ưu tiên thực hiện trước cho các công đoạn phát sinh nhiều vấn đề không phù hợp. Tùy theo đặc thù của mỗi doanh nghiệp mà các hướng dẫn, quy định này có thể thể hiện bằng lời, bằng hình ảnh hay video. Tuy nhiên, dù sử dụng phương pháp nào thì sau khi ban hành các quy định này, doanh nghiệp cần lưu ý đến phương pháp đào tạo, huấn luyện và giám sát việc thực hiện các quy định, hướng dẫn này.
Xây dựng cẩm nang chất lượng, trong đó nêu các vấn đề mà doanh nghiệp thường gặp hoặc có thể gặp phải, tương ứng đó là các hành động khắc phục, phòng ngừa tương ứng để cán bộ có thể tham khảo và chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với các tình huống này khi xảy ra. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể áp dụng phương pháp quản lý trực quan trong quá trình sản xuất: Hệ thống quản lý trực quan sẽ giúp người lao động nắm được đầy đủ thông tin về quy trình, tiến độ sản xuất kinh doanh cũng như các thông tin liên quan đến việc xử lý, tiến hành một công việc nào đó.
Thanh Tùng