Doanh nghiệp phải nâng chuẩn, minh bạch tài chính khi lên sàn chứng khoán

Sáng nay (19/7), Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB) và Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam tổ chức Toạ đàm “Giải pháp thúc đẩy các doanh nghiệp lên sàn chứng khoán” với sự tham dự của đại diện cơ quan quản lý, công ty chứng khoán, nhà đầu tư, cơ quan truyền thông…

hoi thao chung khoan 3
Toạ đàm “Giải pháp thúc đẩy các doanh nghiệp lên sàn chứng khoán”

Đánh giá về thị trường chứng khoán thời gian qua, ông Phan Quốc Huỳnh, Phó Chủ tịch thường trực của VASB chia sẻ, thị trường sụt giảm mạnh do cộng hưởng nhiều yếu tố khách quan và chủ quan khi trải qua giai đoạn khó khăn của đại dịch covid-19, suy thoái kinh tế, lạm phát, lãi suất tăng cao… Một số sự kiện pháp lý xảy ra gây ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của nhà đầu tư. Đó là một quá trình “thanh lọc” thị trường. Cùng với đó, các quy định niêm yết ngày càng chặt chẽ hơn cũng khiến cho số doanh nghiệp có thể thoả mãn điều kiện “lên sàn” ngày càng ít.

Hệ quả là, trong 6 tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp mới niêm yết, đăng ký giao dịch trên sàn là rất ít, chỉ “đếm trên đầu ngón tay”.

Số liệu báo cáo tổng hợp cho thấy, từ đầu năm 2023 đến nay, tại HOSE có duy nhất 1 mã cổ phiếu mới niêm yết là PVP của Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí Thái Bình Dương và dự kiến có thêm 2 mã đang chuẩn bị lên trong tháng 7-8 này là ADP của Sơn Á Đông và SIP của Đầu tư Sài Gòn VRG do chuyển từ UPCoM sang. Sàn HNX cũng chỉ ghi nhận 3 “tân binh” là DTG của Dược phẩm Tipharco, PPT của Petro Times và KSV của Tổng công ty Khoáng sản TKV lên sàn trong 6 tháng đầu năm, 3 mã đăng ký giao dịch trên UPCoM là GPC của Tập đoàn Green+, VMT của Giao nhận Vận tải miền Trung, VNZ của VNG. Ngược lại, có 22 doanh nghiệp bị chuyển từ sàn HNX xuống UPCoM do hoạt động kinh doanh sa sút, nhiều năm thua lỗ.

Dù trước đó, năm 2022 khả quan hơn khi thu hút khoảng 54 mã cổ phiếu mới được bổ sung trên cả 3 sàn giao dịch. Song số lượng cổ phiếu rút khỏi thị trường năm 2022 cũng cao hơn…

Trong khi đó, thị trường chứng khoán được xác định đóng vai trò là kênh vốn hữu hiệu, bổ sung nguồn vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế. Đồng thời, việc tham gia thị trường chứng khoán khi đưa cổ phiếu lên niêm yết và đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán tập trung đã mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như: huy động vốn, mở rộng quy mô hoạt động, nâng cao uy tín, thương hiệu…

phan-quoc-huynh20230719102349
Ông Phan Quốc Huỳnh, Phó Chủ tịch thường trực VASB.

“Do đó, rất cần các giải pháp cấp bách để thúc đẩy các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán. Bởi chứng khoán là kênh huy động vốn hiệu quả bên cạnh kênh tín dụng, trái phiếu, thậm chí có thể nói là kênh huy động vốn tuyệt vời”, ông Phan Quốc Huỳnh đánh giá.

Không chỉ số lượng doanh nghiệp lên sàn thưa vắng, mà thanh khoản thị trường chứng khoán năm 2022 và nửa đầu năm nay cũng ở mức thấp. Thanh khoản có thời điểm rơi xuống thấp chỉ 6.000-7.000 tỷ đồng/phiên, trung bình duy trì trên 10.000 tỷ đồng/phiên. Vài tháng gần đây, thanh khoản cải thiện tăng lên đáng kể lên quanh 20.000 tỷ đồng/phiên nhờ các nỗ lực của Chính phủ về điều hành chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ, giảm mạnh lãi suất, tháo gỡ khó khăn cho trái phiếu, thị trường bất động sản… Dòng tiền vào thị trường mạnh hơn, giúp chỉ số VN-Index hồi phục tích cực, từ mức đáy 890 điểm lên 1.175 điểm ở hiện tại. Dự báo lạc quan là VN-Index có thể trở lại mốc 1.300 điểm trong năm 2023.

Giai đoạn hiện tại, Chính phủ, Nhà nước cũng thực hiện các biện pháp hỗ trợ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sớm phục hồi, tái cấu trúc lại tài chính. Các cơ chế chính sách hiện có cũng đã đầy đủ, hành lang pháp lý rộng mở cho các doanh nghiệp lên sàn. Đây là điều rất tích cực, giúp cải thiện “sức khoẻ” doanh nghiệp, từ đó tạo điều kiện cho việc niêm yết trên sàn, tăng nguồn cung cổ phiếu chất lượng, minh bạch hơn.

Hoi thao chung khoan 4
Các cơ chế chính sách hiện có cũng đã đầy đủ, hành lang pháp lý rộng mở cho các doanh nghiệp lên sàn

Ông Võ Thanh Tuấn, Trưởng phòng Đăng ký Chứng khoán, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) cho biết, để lên sàn doanh nghiệp phải trải qua các quy trình, thủ tục hoàn thiện hồ sơ, việc đăng ký tại trung tâm chỉ là một khâu, còn chủ yếu là do nội tại của doanh nghiệp. Bởi từ thực tế xử lý hồ sơ, thấy nhiều doanh nghiệp, tổ chức phát hành chưa nắm được hết các quy định về niêm yết. Do đó, việc tìm hiểu đầy đủ từ luật, nghị định, thông tư về niêm yết là rất cần thiết đối với các doanh nghiệp, tổ chức niêm yết, cũng như nắm rõ các mốc thời gian về trình tự, thủ tục của công ty đại chúng, công ty niêm yết, niêm yết UPCoM, HNX…

Ông Bùi Đình Như, Công ty CP Quản trị và tái cấu trúc doanh nghiệp Việt Nam chỉ ra một thực tế là không ít doanh nghiệp còn chưa nhận thức được các tiêu chí, lộ trình của hoạt động niêm yết, yêu cầu bắt buộc phải minh bạch tài chính, kiểm toán báo cáo tài chính… Do đó, để thúc đẩy các doanh nghiệp lên sàn, việc phổ biến các kiến thức này cho doanh nghiệp là cần thiết. Cùng với đó là việc giúp doanh nghiệp nhận nhận thức được lợi ích, thách thức của việc lên sàn, nhằm kích thích nhu cầu niêm yết của doanh nghiệp.

Theo ông Như, một số tiêu chí, điều kiện niêm yết cơ bản như vốn điều lệ từ 30 tỷ đồng trở lên, có lãi 2 năm trước lên sàn, không có nợ thuế, vi phạm… song nhiều doanh nghiệp không thể đáp ứng được, hay ở trạng thái “chơi vơi” không thể trở thành công ty đại chúng. Có tình trạng doanh nghiệp còn làm sai lệch Báo cáo tài chính, hành vi né thuế, góp vốn tiền mặt nên bị loại trừ khi kiểm toán, dẫn tới không đủ điều kiện niêm yết. Việc tăng vốn quá nhanh, góp vốn ảo cũng là vấn đề nghiêm trọng, khiến đơn vị kiểm toán không đồng ý kiểm toán cho doanh nghiệp.

Trải qua 21 năm hình thành và phát triển, thị trường chứng khoán đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, ngày càng thu hút nhiều nguồn vốn trong và ngoài nước, đem lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp niêm yết. Do đó, ông Phan Quốc Huỳnh, Phó Chủ tịch thường trực VASB cho rằng, hiện nay chất lượng hàng hoá, hay các quy định về niêm yết ngày càng chặt chẽ hơn, minh bạch hơn. Việt Nam đang hướng đến việc nâng cao chất lượng hàng hoá trên sàn và hoàn thiện hành lang pháp lý theo chuẩn quốc tế. Do đó, để có thể lên sàn thành công, bản thân doanh nghiệp phải sạch sẽ, minh bạch, nâng chuẩn lên để đáp ứng các điều kiện niêm yết.

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích