Triển khai xây dựng mô hình chè hữu cơ trong khuôn khổ Chương trình năng suất chất lượng quốc gia

Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT) là đơn vị được Bộ khoa học và Công nghệ giao chủ trì nhiệm vụ “Nâng cao năng lực cho tổ chức chứng nhận trong nước để thực hiện chứng nhận nông sản xuất khẩu vào thị trường châu Âu” thuộc Chương trình quốc gia “Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa giai đoạn 2021-2030”.

Trong khuôn khổ nhiệm vụ, QUACERT triển khai khảo sát thực trạng các đơn vị sản xuất nông nghiêp có nhu cầu nhằm lựa chọn 05 đơn vị triển khai hướng dẫn áp dụng thành sản xuất nông nghiệp hữu cơ (NNHC) đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn NNHC EU (Regulation 2018/848). Nội dung hỗ trợ bao gồm: đào tạo về tiêu chuẩn NNHC cho 05 đơn vị được lựa chọn; hướng dẫn đơn vị xây dựng hệ thống quy trình thủ tục đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn và hướng dẫn đơn vị áp dụng hệ thống quy trình, thủ tục đã xây dựng vào thực tế sản xuất.

HTX chè Sùng Đô hội tụ những điều kiện thuận lợi để phát triển mô hình chè hữu cơ.

Một trong những mô hình điểm được nhiệm vụ lựa chọn là mô hình chè hữu cơ của HTX Chè Sùng Đô có địa chỉ tại Thôn Giàng Pằng, xã Sùng Đô, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Đây là vùng trồng chè Shantuyet cổ thụ mà HTX Chè Sùng Đô bao tiêu thu mua trong những năm gần đây.

Các nội dung tập huấn, hướng dẫn hợp tác xã triển khai sản xuất chè hữu cơ đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn NNHC EU được thực hiện bởi các chuyên gia tư vấn thuộc Công ty TNHH Tư vấn chứng nhận GEN GREEN.

HTX chè Sùng Đô thuộc Thôn Giàng Pằng – xã Sùng Đô nằm ở vị trí có độ cao 1.700m so với mực nước biển và trồng cây chè Shantuyet cổ thụ lâu đời hàng trăm năm. Là vùng trồng trọt nhiều năm trở lại đây không bị tác động bởi hóa chất và các loại phân bón tổng hợp, cây chè Shan tuyết cổ thụ sinh trưởng và phát triển tự nhiên, đến vụ người nông dân thu hoạch bằng tay để hái búp chè bán cho đơn vị thu mua.

Người nông dân tại thôn Giàng Pằng thu nhập chính từ việc hái búp chè shan tuyết cổ thụ. Tại đây, người nông dân chủ yếu tự cung tự cấp vì vậy đây có thể gọi là vùng thu hái tự nhiên. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để phát triển mô hình chè hữu cơ tại đây.

Hơn 10 năm trở lại đây, sản lượng búp chè Shantuyet cổ thụ tại thôn Giàng Pằng được thu mua ổn định, ngay cả những năm dịch bệnh Covid-19 búp chè vẫn được đơn vị thu mua bao tiêu sản lượng. Ban Giám đốc HTX Chè Sùng Đô đã có kế hoạch về sản xuất chè hữu cơ nhiều năm gần đây, vì vậy họ có kiến thức và sự hiểu biết về sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ nên thuận lợi trong quá trình triển khai về tiêu chuẩn hữu cơ. HTX Chè Sùng Đô có nhân sự tại thôn Giàng Pằng nên việc giám sát các hộ nông dân và triển khai quy trình thuận lợi.

Tuy vậy, quá trình triển khai, nhóm chuyên gia tư vấn cũng gặp những khó khăn nhất định. Giàng Pằng và Làng Mảnh là hai thôn có vị trí giao thông không thuận lợi, việc đi lại khó khăn nhất so với các đơn vị khác tại huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Vì vậy, hầu hết người dân tại thôn Giàng Pằng cũng là những người dân tham gia là thành viên sản xuất chè Shantuyet theo tiêu chuẩn hữu cơ EU không biết chữ. Quá trình làm việc với các hộ dân phải thông qua phiên dịch là trưởng thôn.

Nhận thức của các hộ nông dân còn hạn chế, vì vậy quá trình đào tạo về sản xuất chè hữu cơ theo tiêu chuẩn EU tại đây gặp nhiều khó khăn về việc truyền đạt kiến thức. Là một thôn hẻo lánh nên vấn đề về điện hạn chế nên không thể sử dụng các thiết bị là máy tính, máy chiếu… trong quá trình đào tạo. Đường lên thôn Giàng Pằng gặp nhiều khó khăn về giao thông nên việc vận chuyển sản phẩm chè gặp rất nhiều khó khăn.

 Thu Hà

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích