Châu Âu và bước tiến khổng lồ nhằm phục hồi thiên nhiên
Châu Âu và bước tiến khổng lồ nhằm phục hồi thiên nhiên
EU vừa thông qua Luật Phục hồi thiên nhiên (Nature Restoration Law) nhằm giảm khí thải nông nghiệp và thúc đẩy đa dạng sinh học, sử dụng đất bền vững. Luật áp dụng các biện pháp phục hồi trên 20% diện tích đất và biển của EU vào năm 2030.
Bộ luật mang tính lịch sử
Nghị viện châu Âu – EP đã thông qua Luật Phục hồi thiên nhiên với 336 phiếu thuận, 300 phiếu chống và 13 phiếu trắng. Nhìn vào đấy, chúng ta có thể biết, luật này ra đời với mức độ căng thẳng như thế nào. Trước đó, nó cũng đã đẩy nhiều nhà khoa học vào nhiều tháng tranh luận căng thẳng.
Thậm chí, giới quan sát còn cho rằng, việc EP họp bỏ phiếu cho Luật Phục hồi thiên nhiên còn làm lu mờ tính chất quan trọng của cuộc gặp thượng đỉnh NATO tại Vilnius, Litva, mới đây.
Luật Phục hồi thiên nhiên sẽ đặt ra các mục tiêu ràng buộc về mặt pháp lý để khôi phục các hệ sinh thái bị suy thoái trên khắp lục địa châu Âu.
Được Ủy ban châu Âu – EC đề xuất vào tháng 6 /2022, Luật Phục hồi thiên nhiên sẽ yêu cầu các quốc gia thiết lập các biện pháp phục hồi cho 20% diện tích đất và biển của EU vào năm 2030 và tất cả các hệ sinh thái cần phục hồi vào năm 2050.
Luật cũng bao gồm các mục tiêu cho các loài và môi trường sống cụ thể, chẳng hạn như đảo ngược sự suy giảm của côn trùng thụ phấn vào năm 2030 và phục hồi thảm cỏ biển và các môi trường sống biển khác.
Dự thảo luật đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ các chính trị gia xanh, cánh tả và các tổ chức môi trường như WWF và BirdLife.
Nhiều DN, bao gồm cả Nestlé và Unilever, cũng đã lên tiếng ủng hộ, cho rằng “cơ hội thương mại của một nền kinh tế tích cực với thiên nhiên là rất lớn”.
Một số người đứng đầu các bảo tàng lịch sử tự nhiên cũng đã ủng hộ luật này và hàng trăm nhà nghiên cứu, bao gồm cả Claudet, đã ký một tuyên bố ủng hộ khác do nhà bảo tồn đại dương Enric Sala đưa ra, lập luận rằng lợi ích của việc phục hồi thiên nhiên vượt xa chi phí của nó.
Thiên nhiên châu Âu đang suy giảm đáng báo động, với hơn 80% môi trường sống trong tình trạng tồi tệ. Việc khôi phục vùng đất ngập nước, sông, rừng, đồng cỏ, hệ sinh thái biển và các loài mà chúng là vật chủ sẽ giúp ích: tăng đa dạng sinh học; làm sạch nước và không khí; thụ phấn cho cây trồng; hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C; ngăn ngừa thiên tai và giảm thiểu rủi ro đối với an ninh lương thực.
Tuy nhiên, những người khác đã tuyên bố rằng các biện pháp được đề xuất sẽ gây hại cho các ngành công nghiệp đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch toàn cầu và khủng hoảng năng lượng.
Copa-Cogeca và Europêche, hai tổ chức đại diện cho ngành nông nghiệp và thủy sản, gọi Luật Phục hồi thiên nhiên là “một đạo luật thiếu suy nghĩ, phi thực tế và không thể thực hiện được, gây nguy hiểm cho sinh kế của nông dân và ngư dân cũng như sản xuất lương thực ở EU”.
Đảng Nhân dân châu Âu (EPP), nhóm đảng lớn nhất trong EP, dẫn đầu một chiến dịch nhằm hủy bỏ dự luật này bất chấp việc Ủy ban châu Âu (EC), do bà Ursula von der Leyen (thành viên của EPP) làm chủ tịch, là cơ quan đưa ra đề xuất luật trên.
Nông nghiệp có lãi và giải pháp xanh có thể cùng tồn tại?
Một mục tiêu quan trọng của EU cùng với bộ luật vừa thông qua là phục hồi vùng đất than bùn lâu nay bị khai thác để sản xuất nộng nghiệp, chủ yếu với hình thức độc canh.
Luật Phục hồi thiên nhiên cho phép khôi phục 30% diện tích đất than bùn cũ hiện đang được khai thác cho nông nghiệp và chuyển một phần sang mục đích sử dụng khác vào cuối thập kỷ này, con số này sẽ tăng lên 70% vào năm 2050.
Trên toàn cầu, các vùng đất than bùn chiếm khoảng 3% diện tích đất của hành tinh, tuy nhiên, chúng hấp thụ lượng carbon dioxide gần gấp đôi so với tất cả các khu rừng trên trái đất cộng lại.
Nhưng khi các vùng đất than bùn ẩm ướt bị rút nước và sử dụng cho các mục đích khác, như nông nghiệp hoặc phân bón, chúng sẽ chuyển từ một bể chứa CO2 thành một nguồn khí nhà kính mạnh mẽ khác.
Trên khắp châu Âu, 7% lượng khí thải nhà kính của lục địa là kết quả của các vùng đất than bùn và đất ngập nước cạn kiệt. Đó là lượng CO2 gần bằng lượng khí thải do toàn bộ sản lượng công nghiệp của EU tạo ra.
Các vùng đất than bùn trước đây ở Scandinavia và các quốc gia vùng Baltic chủ yếu được sử dụng cho lâm nghiệp. Nhưng ở Hà Lan, Ba Lan và Đức, những khu vực rộng lớn của những khu vực thoát nước này hiện là đất nông nghiệp.
Các vùng đất than bùn trước đây chiếm khoảng 7% diện tích đất nông nghiệp của Đức và hiện tạo ra 37% tổng lượng khí thải nhà kính từ nông nghiệp.
Trong luật đề xuất của EU, việc làm ngập lại cho một nửa vùng đất than bùn trước đây trên khắp châu Âu đã được lên kế hoạch. Đối với nửa còn lại, các biện pháp kém hiệu quả hơn sẽ được sử dụng.
Thế nhưng , những kế hoạch, lợi ích và lập luận khoa học nói trên không được tất cả mọi người thừa nhận.
Trên Twitter, EPPGroup tuyên bố rằng: “Đối với bảo tồn và bảo vệ thiên nhiên cho các thế hệ tương lai là ưu tiên hàng đầu. Chúng tôi muốn bảo vệ hệ sinh thái và đa dạng sinh học tốt hơn, nhưng chúng tôi phải làm điều đó một cách khôn ngoan”.
Tập đoàn nông nghiệp châu Âu Copa-Cogeca đã cảnh báo về tác động kinh tế và xã hội của đề xuất xanh của EU. Làm ngập lại vùng đất than bùn có thể dẫn đến sự sụt giảm năng suất trên diện rộng của các vùng đất nông nghiệp rộng lớn và thậm chí gây nguy hiểm cho an ninh lương thực.
Tuy nhiên, những người ủng hộ luật đã chỉ ra rằng luật mới sẽ thực sự bảo đảm an ninh lương thực lâu dài của châu Âu. Những người ủng hộ luật đầy tham vọng này đã chỉ ra rằng nông nghiệp có lợi nhuận và việc phục hồi các vùng đất ngập nước không nhất thiết phải mâu thuẫn với nhau.
EC đã tính toán rằng mỗi đồng euro đầu tư vào việc khôi phục tài nguyên thiên nhiên sẽ mang lại ít nhất tám lần lợi nhuận kinh tế trong thời gian dài.
Và mặc dù đất được làm ẩm lại sẽ không thể hỗ trợ các loại cây độc canh như ngũ cốc hoặc ngô, nhưng nó có thể hỗ trợ sự phát triển của các loại cây trồng khác, theo một số tổ chức khoa học và tổ chức môi trường, bao gồm cả Trung tâm Greifswald Mire.
Đất được cải tạo cũng có thể được sử dụng để trồng gỗ, hoặc trồng cỏ và lau sậy để làm vật liệu cách nhiệt cho lĩnh vực xây dựng hoặc làm nguyên liệu thô cho các chất thay thế nhựa hữu cơ.
Và thay vì bò, những khu vực được hồi sinh một ngày nào đó có thể trở thành bãi chăn thả trâu nước.
Như vậy, canh tác nông nghiệp theo hướng mới vẫn có thể có lợi nhuận và bảo đảm được sự bền vững của thiên nhiên.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị