Vợ chồng “Chúa đảo” nhặt rác giữa biển mây
“Phù phép” thôn nghèo thành điểm du lịch
Chở chúng tôi đi vòng quanh Hòn Ó, Hòn Quạ trên chiếc cano cao tốc, chị Long vui vẻ kể về cái duyên gắn bó của vợ chồng chị tại đây.
Chị Đào Thị Long hiện là nữ thuyền trưởng chở khách du lịch duy nhất tại Khánh Hòa. (Ảnh: Hương Thảo) |
Vào năm 2016, trong chuyến du lịch và ghé thăm người dân tại thôn Điệp Sơn, vợ chồng chị bị thu hút bởi vẻ đẹp hoang sơ mà thiên nhiên ban tặng cho Điệp Sơn, tuy nhiên vẻ đẹp ấy đang bị chìm lẫn trong rác thải từ các cửa sông dạt vào vây quanh các hòn đảo.
Hơn thế nữa, khi tận mắt nhìn thấy cuộc sống của người dân trong thôn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, đôi vợ chồng quyết định liên hệ chính quyền địa phương xin thuê đất để làm khu du lịch.
“Lúc đó, trưởng thôn Điệp Sơn nói với tôi, có hơn 90 hộ dân sinh sống trong thôn đa số là hộ nghèo, cận nghèo và bày tỏ mong muốn chúng tôi đầu tư làm du lịch giúp bà con cải thiện cuộc sống. Ba ngày sau cuộc gặp gỡ, chúng tôi trở lại liên hệ chính quyền địa phương xin thuê đất và trực tiếp cắm mốc đánh dấu khai hoang mở hóa”, chị Long chia sẻ.
Theo chị Long, thôn Điệp Sơn gồm 7 hòn đảo, trong đó có 3 hòn đảo là Hòn Ó, Hòn Quạ, Hòn Bịp nằm gần nhau giữa vùng biển thuộc vịnh Vân Phong. Đặc biệt, tại đây có con đường giữa biển, dài khoảng 700m, nối liền 3 hòn đảo với nhau. Vợ chồng chị đã quyết định bán khách sạn kinh doanh của gia đình để dồn tiền thuê đất đầu tư trên đảo Hòn Ó, Hòn Quạ.
Những ngày đầu, vợ chồng chị rất vất vả trên hành trình thực hiện khu du lịch. Khó khăn không chỉ đến từ điều kiện địa lý mà còn ở những ý kiến trái chiều của nhiều người cho rằng họ đang có cuộc sống ổn định nơi thành phố lại từ bỏ chọn đến nơi đảo xa.
Anh Trịnh Minh Đại Anh (áo xanh) là người dạy chị Long lái cano để không chỉ chở khách du lịch mà còn chở miễn phí bà con trong thôn khi gặp khó khăn. (Ảnh: Hương Thảo) |
Sau nhiều năm gây dựng, khu du lịch của vợ chồng chị Long đã có mặt trên bản đồ du lịch Việt Nam và trở thành điểm đến hấp dẫn tại Khánh Hòa. Người dân và du khách thường gọi họ là vợ chồng “Chúa đảo”. Và, trên miền thủy đạo đó, cảnh vật, cuộc sống con người đã được hồi sinh.
Nhặt rác để… sống khác
Gần 10 năm nay, hình ảnh vợ chồng “Chúa đảo” tay cầm bì, tay cầm kẹp cần mẫn, cặm cụi dọn rác trên biển đã trở thành biểu tượng đẹp trong lòng người dân và khách du lịch.
“Những ngày đầu ra đảo, điều chúng tôi trăn trở đó chính là rác, quá nhiều rác. Chúng tôi phải thuê hàng chục nhân công cùng làm sạch rác. Theo thời gian, công việc này đã trở thành thói quen khó bỏ. Nhặt rác giữa biển mây mênh mông, thỉnh thoảng đón những cơn gió mát từ biển thổi tới, cũng là một điều thú vị”, chị Long cười nói.
Vợ chồng “Chúa đảo” cùng người dân làm thay đổi cuộc sống tại Điệp Sơn. (Ảnh: Đại Anh) |
Chuyện nhặt rác ấy đã có hiệu ứng lan tỏa tích cực, nhiều du khách đến tham quan cũng hồ hởi tham gia để giúp đảo xanh hơn, đẹp hơn. Du khách trước chuyến đi đều được khuyến cáo không đem vật dụng bằng nhựa ra đảo. Các công trình, cảnh quan phục vụ du khách đều được làm từ những nguyên liệu thân thiện với môi trường.
Người dân trên đảo cũng nhiệt tình ủng hộ việc làm ấy. Có lẽ nhìn thấy những người xa lạ đến làm sạch môi trường sống cho mình cũng đủ để người dân thêm quyết tâm bảo vệ, giữ sạch môi trường biển quê hương hơn.
Ông Nguyễn Ngọc Mẫn – Trưởng thôn Điệp Sơn cho rằng công sức và tâm huyết của vợ chồng “Chúa đảo” đã góp phần giúp cuộc sống của người dân có thêm thu nhập ổn định. Ngoài ra, người dân cũng đang dần thay đổi về nhận thức bảo vệ môi trường: “Ngày trước, bà con trong thôn mưu sinh bằng việc bẫy mực, mò tôm, bắt ốc… Từ khi du lịch trên đảo phát triển, bà con được tham gia hoạt động đón, phục vụ khách du lịch. Có nguời còn phụ rửa chén tại nhà hàng, người tham gia đội nhân công nhặt rác… đều được vợ chồng chị Long trả lương đều đặn. Nhờ có thu nhập, ai cũng phấn khởi”.
Nhìn thấy Điệp Sơn sạch sẽ, trong lành, du khách trong và ngoài nước khi đặt chân đến đây đều bày tỏ tình cảm quý mến và cảm phục suy nghĩ, hành động của vợ chồng “Chúa đảo”.
Nơi ấm áp tình người
Đưa chúng tôi dạo quanh trong làng, vợ chồng chị Long cho biết, trẻ em ở đây vẫn còn nhiều thiệt thòi. Đối với chúng, câu chuyện Tết Trung thu được cầm lồng đèn, tay ôm cái bánh và xem múa lân là điều quá xa xỉ.
Với mong muốn mang Tết Trung thu đầm ấm, trọn vẹn niềm vui đến với chúng, từ năm 2019, vợ chồng chị đã tự bỏ tiền túi tổ chức Trung thu cho trẻ em trên đảo.
Nhớ kỉ niệm đầu tiên tổ chức Tết Trung thu, vì kinh phí hạn hẹp, chị Long được một người bạn thân thiết cho mượn thẻ tín dụng để mua sắm quần áo, bánh kẹo, lồng đèn giấy… tại siêu thị. Không chỉ thế, vợ chồng chị còn kêu gọi các đoàn lân sư rồng ra đảo biểu diễn cho các cháu xem.
Niềm vui ánh lên trên gương mặt của các em khi được xem múa lân. (Ảnh: Đại Anh) |
“Chưa đến giờ tổ chức mà lũ trẻ đã háo hức mặc áo cờ đỏ sao vàng đứng xếp hàng chờ đợi. Sắc đỏ rực rỡ một góc trời như tô điểm thêm vẻ sinh động trên đảo. Nhìn những nụ cười hồn nhiên, ngây thơ ấy, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì hoạt động này trong các năm tới để tuổi thơ của chúng có thêm kỉ niệm ngọt ngào”, chị Long bày tỏ.
Đưa chúng tôi trở lại đất liền, vợ chồng “Chúa đảo” bảo rằng, chỉ mong muốn chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho thuê đất lâu dài để họ tiếp tục được gắn bó, cống hiến cho hệ thống đảo xinh đẹp này.
Nguồn: Báo lao động thủ đô