Lạng Sơn: Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi 22 điểm di tích quốc gia Khu di tích Chi Lăng
(Xây dựng) – UBND tỉnh Lạng Sơn vừa ký Quyết định số 1051/QĐ-UBND về việc phê duyệt nhiệm vụ và dự toán chi phí lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị 22 điểm di tích quốc gia Khu di tích Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn.
Đền Chi Lăng, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn. |
Theo Quyết định số 1051/QĐ-UBND, phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch gồm có diện tích khoảng 2.428,83ha. Phạm vi lập quy hoạch có diện tích khoảng 49,664ha gồm: cụm 08 di tích lịch sử cấp quốc gia tại thị trấn Chi Lăng; Cầu Quan Âm, Thành Lũy Kai Kinh, Lũng Ngần, Chợ Quận Công, Chùa Nái, Núi Bàn cờ, Núi Tay Ngai, Lân Ba Tài; cụm 08 di tích lịch sử cấp quốc gia tại xã Chi Lăng: Hòn đá mổ lợn, Lò gạch cổ, Đình làng Trung, Quảng trường Đồng Đĩnh, Làng Đồn, Quán Thanh, Vực ải gốc Lý, Xóm gốc gạo; cụm 05 di tích lịch sử cấp quốc gia tại thị trấn Đồng Mỏ: Núi Hòn Ngọc, Chùa Hang, Bến Tuần, Thành phủ Tràng Khánh, Làng Lìu; cụm di tích lịch sử cấp quốc gia tại xã Mai Sao: Đền Hổ Lai.
Ranh giới lập quy hoạch gồm: phía Bắc giáp xã Nhân Lý, huyện Chi Lăng; phía Nam giáp xã Hòa Lạc và xã Yên Sơn, huyện Hữu Lũng; phía Đông giáp xã Quan Sơn, huyện Chi Lăng và xã Tân Sơn, xã Cấm Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang; phía Tây giáp xã Thượng Cường, xã Hòa Bình và xã Y Tịch, huyện Chi Lăng.
Mục tiêu lập quy hoạch là nhằm xác định phạm vi và biện pháp bảo quản, tu bổ, phục hồi các yếu tố gốc của di tích trong một khu vực xác định, định hướng tổ chức không gian các hạng mục công trình xây dựng mới, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật và tạo lập môi trường cảnh quan thích hợp trong khu vực di tích; giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, uống nước nhớ nguồn cho các thế hệ người Việt Nam; quy hoạch với hai bộ phận cấu thành là cảnh quan sinh thái và các địa điểm lịch sử. Phát huy giá trị khu di tích Chi Lăng để khu di tích trở thành điểm du lịch lịch sử – văn hóa hấp dẫn. Kết nối 22 điểm di tích cấp quốc gia với 24 điểm di tích quốc gia đặc biệt trong hệ thống 46 điểm di tích để trở thành mạng/chuỗi 3 điểm liên hoàn giúp hình dung rõ bức tranh toàn cảnh về trận địa tại Chi Lăng. Đồng thời kết nối với các di tích, điểm du lịch khác của tỉnh Lạng Sơn, tạo thành chuỗi sản phẩm sáng tạo của loại hình dịch vụ văn hóa, các sản phẩm du lịch hấp dẫn cũng như các mô hình du lịch phù hợp phong phú, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Từ đó, làm căn cứ pháp lý cho công tác quản lý và triển khai các dự án thành phần về đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, bảo quản, tu bổ phục hồi di tích theo quy hoạch được phê duyệt. Xây dựng quy định và giải pháp quản lý, kiểm soát không gian quy hoạch kiến trúc cảnh quan khu vực di tích.
Về định hướng phân khu chức năng, tổ chức không gian, tỉnh Lạng Sơn đề xuất điều chỉnh ranh giới các khu vực bảo vệ di tích (khu vực bảo vệ I và II) và khu vực đệm (nếu có) phù hợp với thực tế quản lý và phát huy giá trị di tích; xác định phân vùng chức năng, khu vực cần giải tỏa các vi phạm lấn chiếm di tích và phương án tái định cư (nếu có); vùng cảnh quan thiên nhiên cần được bảo vệ (đồi núi, hang động, sông ngòi); khu vực hạn chế, kiểm soát phát triển và cho phép xây dựng mới.
Định hướng bảo tồn, tôn tạo không gian kiến trúc cảnh quan trong khu vực quy hoạch; xác định danh mục các hạng mục di tích cần được bảo quản, tu bổ, phục hồi và mức độ bảo quản, tu bổ, phục hồi đối với từng hạng mục di tích; nguyên tắc và giải pháp cơ bản đối với việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; biện pháp quản lý và bảo vệ đối với di vật, đồ vật, đồ thờ… tại các điểm di tích; các công trình phụ trợ cần thiết xây dựng mới nhằm phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích.
Nguồn: Báo xây dựng