Hà Nam: Chủ động các phương án ứng phó bão số 1

Hà Nam: Chủ động các phương án ứng phó bão số 1

Sáng 17/7, Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về phòng chống cơn bão số 1 với các tỉnh, thành phố trong vùng ảnh hưởng.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, bão số 1 vào hồi 4 giờ ngày 17/7 đang cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), 340 km về hướng Đông Đông Nam, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 – 12, giật cấp 15. Bão số 1 đang tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ đi 15 – 20 km/h.

Dự báo đến 18/7, bão số 1 nằm trên vùng ven biển tỉnh Quảng Ninh – Hải Phòng, gió cấp 9 – 10, giật cấp 12… Hoàn lưu của bão sẽ gây nên đợt mưa lớn trên diện rộng khu vực miền Bắc.

Thực hiện công tác phòng chống bão số 1, các tỉnh, thành phố trong vùng ảnh hưởng thực hiện quyết liệt việc phòng chống. Theo đó, các tỉnh ven biển kêu gọi tàu, thuyền về nơi tránh trú, di dời người dân ở những vùng nguy hiểm vào nơi an toàn, chuẩn bị đầy đủ các phương án ứng phó với bão và mưa lớn hoàn lưu sau bão…

Theo dự báo do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 1, từ đêm 17/7 trên địa bàn tỉnh Hà Nam có mưa to đến rất to và dông. Trong mưa dông đề phòng lốc, sét và gió giật mạnh. Tổng lượng mưa cả đợt (từ đêm 17 đến 20/7) phổ biến từ 100 – 200 mm, có nơi trên 200 mm. Cụ thể, các huyện Bình Lục, Lý Nhân, thị xã Duy Tiên và thành phố Phủ Lý từ 100 – 200 mm; huyện Thanh Liêm, Kim Bảng 150 – 250 mm. Từ gần sáng ngày 18/7, gió bão mạnh dần lên cấp 4 – 5, giật cấp 6. Cấp rủi ro thiên tai do bão: cấp 3.

tm-img-alt
Ông Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu chỉ đạo công tác phòng chống bão số 1 trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại Hội nghị trực tuyến về phòng chống cơn bão số 1 với các tỉnh, thành phố trong vùng ảnh hưởng trong sáng nay, ông Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo, yêu cầu các cấp, ngành địa phương trong tỉnh chủ động triển khai ứng phó.

Cụ thể, các địa phương rà soát toàn bộ các hộ gia đình ven đê, tàu thuyền, bến sông để khi lũ lên tổ chức di dời, bảo vệ đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản; kiểm tra toàn bộ các tuyến đê, điểm xung yếu để có phương án xử lý khi có sự cố xảy ra. Công ty Khai thác công trình thủy lợi Hà Nam vận hành tiêu kiệt nước đệm trên hệ thống kênh mương, khơi thông dòng chảy, chú trọng đến việc đảm bảo tiêu nước cho các Khu công nghiệp không để ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp.

Nhiệm vụ cụ thể của các ngành chức năng: Đảm bảo cung cấp đủ điện cho trạm bơm tiêu úng hoạt động; giao thông, thông tin liên lạc được thống suốt phục vụ phòng chống thiên tai; có đầy đủ lực lượng y bác sỹ, cơ số thuốc, máy móc thiết bị đảm bảo sức khỏe người dân.

Đối với công an, quân sự trực 100% quân số đảm bảo đủ lực lượng ứng cứu khi có bão. Thành phố Phủ Lý triển khai các biện pháp kịp thời không để ngập úng trong nội đô.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích