Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) mở cuộc điều tra ChatGPT

Tờ Washington Post – nhật báo lớn nhất và có thể là một trong những tờ báo lâu đời nhất ở Washington, D.C, thủ đô Mỹ, đã trích dẫn một tài liệu cho biết tuần này, FTC đã gửi văn bản dài 20 trang, trong đó yêu cầu cung cấp các hồ sơ về cách OpenAI xử lý những rủi ro liên quan tới các mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) của công ty này. Hiện FTC đang điều tra xem liệu OpenAI có dính líu tới các hoạt động hoặc các hành vi lừa đảo gây tổn hại danh tiếng của người tiêu dùng hay không.

FTC và OpenAI chưa phản hồi về thông tin trên. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định động thái này cho thấy đây là hành động pháp lý mạnh nhất đối với OpenAI, công ty khởi nghiệp được “ông lớn công nghệ” Microsoft hậu thuẫn trong bối cảnh các sản phẩm AI tạo sinh của công ty “mê hoặc” người tiêu dùng và các doanh nghiệp, song đi kèm với đó là làm gia tăng các mối quan ngại về những rủi ro tiềm ẩn. Khi cuộc đua phát triển các dịch vụ AI đang tăng tốc như vũ bão, việc giám sát quy định đối với công nghệ này cũng được đẩy mạnh. Vào tháng 5 năm nay, hãng tin Reuters (Anh) đưa tin, các cơ quan quản lý toàn cầu đang hướng tới việc áp dụng các quy tắc hiện có, bao gồm mọi khía cạnh từ bản quyền và bảo mật dữ liệu cho tới 2 vấn đề then chốt là dữ liệu cấp cho các mô hình AI và nội dung mà các mô hình này tạo ra.

Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ đã tiến hành điều tra công ty OpenAI với cáo buộc vi phạm luật bảo vệ người tiêu dùng. Ảnh minh họa

Riêng tại Mỹ, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer đã kêu gọi “luật hóa toàn diện” để thúc đẩy và đảm bảo có các biện pháp bảo vệ liên quan AI, đồng thời cho biết sẽ tổ chức một loạt diễn đàn sau năm 2023. Trước đó, vào tháng 3 năm nay, OpenAI cũng gặp rắc rối pháp lý khi Cơ quan bảo vệ dữ liệu Italy (Garante) yêu cầu công ty này đình chỉ hoạt động của chatbox ChatGPT tại đây do nghi ngờ vi phạm các quy tắc về quyền riêng tư của Liên minh châu Âu (EU). ChatGPT đã được khôi phục hoạt động ở quốc gia Nam Âu này sau khi OpenAI nhất trí cài đặt các tính năng xác minh độ tuổi và cho phép người dùng châu Âu ngăn chặn việc khai thác thông tin cá nhân của họ để đào tạo mô hình AI.

OpenAI thành lập năm 2016, trong khi ChatGPT được tung ra cuối năm ngoái và nhanh chóng gây sốt nhờ khả năng trả lời các câu hỏi bằng ngôn ngữ tự nhiên. Tuy vậy, nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại về nguy cơ từ các mô hình ngôn ngữ lớn như ChatGPT. Đầu năm nay, Prabhakar Raghavan, đứng đầu mảng Google Search, cho rằng chatbot AI hiện có thể tạo ra cạm bẫy về thông tin với người dùng. Hiện tượng này gọi là “ảo giác” – thuật ngữ nói đến việc AI đưa ra câu trả lời thuyết phục nhưng không chính xác hoặc bịa đặt thông tin.

Khánh Mai (t/h) 

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích