Sống mòn bên mương nước hôi thối vì dự án cải tạo ‘rùa bò’ giữa Hà Nội
Mương Thuỵ Khuê (Hà Nội) đen kịt, bốc mùi hôi thối đã hơn 10 năm qua, người dân quanh vùng phải sống trong cảnh ô nhiễm, mòn mỏi chờ dự án cải tạo đẩy nhanh tiến độ.
Mương Thụy Khuê dài khoảng 3 km từ dốc La Pho đến cống Đõ. Đây là một nhánh của sông Tô Lịch và là đường thoát nước chính của hai quận Ba Đình và Tây Hồ từ lâu bị đen kịt, bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng tới cuộc sống các hộ dân quanh vùng.
Từ cuối năm 2012, Dự án Cải thiện môi trường xung quanh mương thoát nước Thụy Khuê do UBND quận Tây Hồ làm chủ đầu tư có tổng vốn đầu tư 400 tỷ đồng được khởi công, dự kiến hoàn thành sau 17 tháng thi công nhưng đến nay vẫn “bất động”.
Nước sinh hoạt của các hộ dân không qua xử lý xả thẳng xuống mương, bồn cầu, bọt khí nổi lềnh bềnh.
Anh Tiến ở ngõ 167 Thụy Khuê cũng như nhiều người dân khác nếu không đeo khẩu trang thì phải lấy tay bịt mũi tránh mùi hôi thối xộc vào người. “Nhà tôi chỉ cách mương khoảng 10m nên mỗi khi vào hè, nắng nóng mùi nước thải phía dưới lại bốc lên nồng nặc không thể chịu được”, anh Tiến nói.
Nhiều lần, người dân tại các con ngõ 123, 125, 127 và 167 phố Thụy Khuê (quận Tây Hồ) đã phản ánh về tiến độ ộ ì ạch của dự án lên các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có ngõ 123 Thụy Khuê có 5 công nhân và 1 máy xúc làm việc, tiến độ của dự án vẫn chưa được đẩy nhanh.
Lý giải cho việc dự án bị chậm là do còn 1 hộ dân trong ngách 123A/2 chưa chịu di dời.
Nhiều hộ gia đình trong phạm vi dự án cũng đang được tiến hành dỡ bỏ nhiều tháng nay.
Do tiến độ triển khai chậm, một số ngôi nhà đã phá trong ngõ 125 Thụy Khuê (quận Tây Hồ) trở thành bãi rác bất đắc dĩ, phía dưới là mương với dòng nước đen kịt.
Không chịu được cảnh môi trường ô nhiễm trầm trọng, một số hộ gia đình còn lo lắng về nguy cơ phát sinh bệnh tật do ruồi muỗi, chuột bọ hoành hành đã chuyển đi nơi khác chờ đến khi dự án hoàn thành mới quay trở lại.
Mấy ngày nay bùn đất, nước thải ngập lên lưng chừng cửa nhà ông Đạt (ngõ 123 Thụy Khuê) khiến ông không thể đi lại. “Lâu quá, chúng tôi phải sống trong cảnh này hơn 10 năm qua. Nắng cũng khổ, mưa cũng khổ. Mấy năm trước mưa to nước thải, bùn đất từ mương tràn vào nhà ngập qua bắp chân”, ông Đạt than thở.
Gia đình ông Tiến (ngõ 123 Thụy Khuê) có 3 thế hệ sinh sống tại căn nhà rộng khoảng 50m2 nhưng do môi trường bị ô nhiễm nên con cháu đã chuyển đi nơi khác, hiện chỉ còn 2 vợ chồng ông bám trụ tại đây. “Nắng thì bốc mùi hôi thối không ngửi nổi, chúng tôi phải đeo khẩu trang, đóng kín cửa nhà. Thậm chí nhiều người phải căng vải bạt để hạn chế bớt mùi. Ô nhiễm là thế nhưng họ cứ mỗi ngày chỉ làm một tý xíu nên mãi chưa xong”, ông Tiến phàn nàn.
Việc di chuyển, đi lại của người dân nằm trong phạm vi dự án cũng gặp nhiều khó khăn. Do tay lái yếu, nhiều phụ nữ và người già phải đi gửi xe nhờ phía ngoài và đi bộ vào.
Nguồn: Báo xây dựng