Phát hiện 2 loài thực vật mới tại Lai Châu

Phát hiện 2 loài thực vật mới tại Lai Châu

Các nhà khoa học thuộc Bảo tàng Thiên nhiên (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) đã phát hiện và công bố 2 loài thực vật mới thuộc vùng núi Pu Tả Lèng, tỉnh Lai Châu.

Trong khi thực hiện đề tài “Nghiên cứu, đánh giá hiện trạng thực vật bậc cao có mạch vùng núi Pu Tả Lèng, tỉnh Lai Châu, đề xuất các biện pháp bảo tồn nguồn gen thực vật quí hiếm”, các nhà khoa học thuộc Bảo tàng Thiên nhiên (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) đã phát hiện và công bố 2 loài thực vật mới.

2 loài mới được phát hiện và công bố đó là Isotrema putalengense Luu, Q.B.Nguyen & H.C.Nguyen (họ Phòng kỷ – Aristolochiaceae) và Arisaema vietnamense Luu, Q. B. Nguyen, H. C. Nguyen & T. Q. T. Nguyen (họ Ráy – Araceae).

Lá và hoa của loài Isotrema putalengense Luu, Q.B.Nguyen & H.C.Nguyen
Lá và hoa của loài Isotrema putalengense Luu, Q.B.Nguyen & H.C.Nguyen. Ảnh: VAST.

Nhóm nghiên cứu đã điều tra, thu thập và xác định thành công 379 loài và thứ thuộc 115 họ, 257 chi của 3 ngành thực vật có mạch. Ngành Dương xỉ (Pteridophytes) có 17 loài, trong 16 chi, thuộc 13 họ; ngành Thông (Pinophyta) có 3 loài, thuộc 2 chi, 2 họ; ngành thực vật Hạt kín (Angiospermae) có tỷ lệ các taxon cao nhất với 359 loài, thuộc 239 chi, 100 họ.

Đề tài xác định 33 loài thực vật đặc hữu, chiếm 8,7% tổng số loài thực vật đã thu thập ở vùng núi cao Pu Tả Lèng.

Theo đánh giá của các nhà khoa học, 353/379 loài thực vật có mạch ở vùng núi cao Pu Tả Lèng có giá trị sử dụng. Nhóm cây có giá trị làm thuốc chiếm số lượng nhiều nhất với 189 loài; trong đó có 17 loài thực vật quý hiếm đang bị đe dọa ở các mức độ khác nhau, có tên trong Sách Đỏ Việt Nam (2007), Danh lục Đỏ Việt Nam (2007) và trong Nghị định 84/2021 của Chính phủ.

Các kết quả nghiên cứu được nhóm nghiên cứu công bố trong bài báo Isotremaputalengense, a new species of Aristolochiaceae from northern Vietnam and two new combinations in Isotrema trên PhytoKeys, và bài báo risaema vietnamense (Section Nepenthoidea, Araceae): A New Species from Vietnam trên Tạp chí Sinh học (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam).

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích