Thực trạng và giải pháp thoát nước đô thị tại Thanh Hoá

Thực trạng và giải pháp thoát nước đô thị tại Thanh Hoá

Những khó khăn, vướng mắc trong việc đầu tư hệ thống tiêu thoát nước đô thị trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá trong thời gian qua chủ yếu là do công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư gặp nhiều khó khăn.

Môi trường nước ở các đô thị bị ảnh hưởng bởi sự phát triển của các công trình hạ tầng kỹ thuật nói chung, thoát nước và xử lý nước thải nói riêng chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa. Thời gian qua, việc phát triển hệ thống thoát nước khá chậm, ước tính chỉ có khoảng 15% nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn. Trong bối cảnh này, Chính phủ Việt Nam đang ưu tiên, quan tâm và nỗ lực tiến hành các hoạt động nhằm cải thiện điều kiện thu gom và xử lý nước thải, nâng cao năng lực quản lý vận hành hệ thống thoát nước.

Theo Quyết định số 589/QĐ-TTg, mục tiêu định hướng phát triển thoát nước của Việt Nam được điều chỉnh, trong đó đến năm 2025, tỷ lệ phạm vi phục vụ của hệ thống thoát nước đô thị trên 80%, tỷ lệ nước thải tại các đô thị được thu gom và xử lý 20 – 50%, tỷ lệ nước thải các làng nghề được thu gom và xử lý trên 80%, riêng tỷ lệ nước thải bệnh viện và nước thải các khu đô thị được xử lý 100%. Đến năm 2050, cả 4 chỉ số này đều phải đạt 100%.

Trong khi đó, hệ thống thoát nước các khu dân cư thuộc các đô thị lớn, các lưu vực sông chủ yếu là hệ thống thoát nước chung. Tỷ lệ đấu nối, thu gom nước thải của hệ thống thoát nước bao phủ trung bình là 64%. Tỷ lệ đường ống trên đầu người còn thấp so với các đô thị trên thế giới, trung bình khoảng dưới 0,5 m/người so với thế giới là 2 m/người. Riêng tỷ lệ thu gom xử lý nước thải mới chỉ đạt khoảng 15% với 71 nhà máy xử lý nước thải tập trung trên cả nước đã đi vào vận hành có tổng công suất thiết kế khoảng 1,38 triệu m3/ngày.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ. ITN

Theo báo cáo của Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hoá, nhiều huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh có các quy hoạch đô thị một thời gian dài chưa kịp điều chỉnh, dẫn đến quy hoạch chưa đáp ứng trong việc phát triển kinh tế – xã hội trong giai đoạn hiện nay (như các huyện Vĩnh Lộc, Hoằng Hóa, Thường Xuân, Triệu Sơn, TP Thanh Hóa, thị xã Bỉm Sơn…).

Đồng thời, quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất các huyện chưa chú trọng phân bổ chỉ tiêu cho các công trình, dự án hạ tầng kỹ thuật thoát nước mưa, thu gom và xử lý nước thải, dẫn đến chưa đủ cơ sở để triển khai đầu tư dự án hạ tầng kỹ thuật thoát nước mưa, thu gom và xử lý nước thải trên địa bàn.

Nguồn vốn ngân sách còn nhiều khó khăn (ngân sách tỉnh, huyện) để triển khai đầu tư xây dựng dự án tiêu thoát nước mưa và thu gom, xử lý nước thải theo quy hoạch. Mặt khác đối với nguồn vốn vay và hỗ trợ ưu đãi từ các nguồn ODA, WB, AFD, việc tiếp cận ngày càng khó khăn, vì các nước phát triển cho vay (Đức, Nhật Bản, Đan Mạch…) dần cắt giảm vốn vay ưu đãi đối với một số nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Việc tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch, lộ trình đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, mở rộng hệ thống công trình thu gom riêng nước mưa và công trình thu gom, xử lý nước thải trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025, cho thấy, trên cơ sở số liệu, đề xuất của UBND các huyện, thị xã, thành phố, hiện nay trên địa bàn tỉnh phần lớn các địa phương còn khó khăn về bố trí vốn ngân sách để có thể dự kiến đề xuất dự án bảo đảm mục tiêu theo Quyết định số 589/QĐ-TTg ngày 6-4-2016 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1296/QĐ-BXD ngày 30-11-2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

Trong khi đó, kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 tỉnh Thanh Hóa đã được HĐND tỉnh phê duyệt chưa có các công trình, dự án này. Vì vậy, hiện nay các sở, ngành có liên quan của tỉnh đang rất khó khăn trong việc lập dự thảo kế hoạch, lộ trình đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, mở rộng hệ thống công trình thu gom riêng nước mưa và công trình thu gom, xử lý nước thải trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025 để trình UBND tỉnh.

Cũng theo lãnh đạo Sở Xây dựng Thanh Hoá, để khắc phục những khó khăn, vướng mắc, Sở Xây dựng đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh trong việc đầu tư, khai thác, quản lý các công trình tiêu thoát nước đô thị. Đó là, để tham mưu báo cáo UBND tỉnh ban hành kế hoạch, lộ trình đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, mở rộng hệ thống công trình thu gom riêng nước mưa và công trình thu gom, xử lý nước thải trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là kế hoạch thoát nước), bảo đảm các mục tiêu theo Quyết định số 589/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1296/QĐ-BXD của Bộ trưởng Bộ Xây dựng; Sở Xây dựng đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính chủ trì, phối hợp nghiên cứu bố trí vốn ngân sách tỉnh (vốn chi cho sự nghiệp môi trường, vốn chi cho phát triển hạ tầng…) cho các công trình, dự án hệ thống thoát nước mưa, hệ thống thu gom và xử lý nước thải trên địa bàn tỉnh theo dự thảo kế hoạch thoát nước do Sở Xây dựng đề xuất.

Đồng thời, cần thiết tham mưu điều chỉnh kế hoạch vốn công trung hạn 2021-2025 tỉnh Thanh Hóa theo quy định của Luật Đầu tư công, vì các công trình, dự án là cấp thiết để xử lý ô nhiễm môi trường và chống ngập úng đô thị.

Sở Xây dựng đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố, khẩn trương tổ chức lập, điều chỉnh quy hoạch đô thị theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Công văn số 215-CV/TU ngày 31-5-2021, chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công văn số 9723/UBND-CN ngày 7-7-2021, trong đó, có nội dung khẩn trương rà soát, tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch xây dựng khu chức năng, quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn… trên địa bàn quản lý. Trong quá trình lập, trình thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện, tập trung rà soát, kịp thời bố trí chỉ tiêu sử dụng đất, đưa các công trình, dự án hạ tầng kỹ thuật thoát nước mưa, thu gom và xử lý nước thải (theo quy hoạch đô thị) vào quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, làm cơ sở để triển khai dự án theo quy định của Luật Đất đai.

Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, để triển khai thực hiện các công trình, dự án hạ tầng kỹ thuật thoát nước mưa, thu gom và xử lý nước thải trên địa bàn bảo đảm tiến độ dự án và giải ngân vốn theo quy định. Tổ chức triển khai đầu tư phát triển hệ thống thoát nước mưa, hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn quản lý theo quy định hiện hành.

Đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, mở rộng hệ thống công trình thu gom, thoát nước thải riêng biệt với hệ thống thoát nước mưa trên địa bàn quản lý bảo đảm đạt mục tiêu, chỉ tiêu của các nghị quyết, chương trình, kế hoạch của các cơ quan có thẩm quyền ban hành và quy định pháp luật hiện hành. Tổ chức quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì, sử dụng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải, quản lý bùn thải do mình làm chủ sở hữu và do các tổ chức kinh tế đầu tư xây dựng hoàn thành bàn giao cho Nhà nước theo các quy định của pháp luật hiện hành.

Tổ chức lựa chọn (đặt hàng hoặc đấu thầu), ký hợp đồng quản lý vận hành hệ thống thoát nước, xử lý nước thải với đơn vị thoát nước trên địa bàn được giao quản lý theo quy định. Giao nhiệm vụ hoặc phân cấp cho đơn vị chuyên ngành có đủ năng lực để thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, bảo trì công trình, nạo vét hệ thống thoát nước.

Trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt theo thẩm quyền được phân cấp đối với các quy hoạch xây dựng, đô thị, khu chức năng, quy hoạch chi tiết các dự án đầu tư xây dựng, các dự án hạ tầng kỹ thuật khu đô thị, khu chức năng, cụm công nghiệp, khu dân cư tập trung, điểm dân cư nông thôn phải xem xét, đánh giá các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật thoát nước mưa, chống ngập úng đô thị, nông thôn; hạ tầng kỹ thuật thu gom, thoát nước thải và xử lý nước thải bảo đảm theo quy chuẩn xây dựng Việt Nam và các quy định liên quan.

Trong quá trình tổ chức lập quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất phải bố trí quỹ đất cho trạm/nhà máy xử lý nước thải, trạm bơm nước mưa, nước thải; hệ thống thu gom nước mưa, nước thải bảo đảm thoát nước cho các phân vùng lưu vực tiêu thoát nước của khu vực theo quy chuẩn xây dựng Việt Nam và các quy định liên quan đã được ban hành.

Thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nội dung lập kế hoạch, lộ trình đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, mở rộng hệ thống công trình thu gom riêng nước mưa và công trình thu gom, xử lý nước thải trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025, quy định về quản lý hoạt động thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tham mưu, báo cáo UBND tỉnh bố trí vốn ngân sách tỉnh (vốn chi cho sự nghiệp môi trường, vốn chi cho phát triển hạ tầng…) vốn ngân sách Trung ương, vốn vay ưu đãi (từ các nguồn ODA, WB, AFD), vốn khác để đầu tư cho các công trình, dự án hệ thống thoát nước mưa, hệ thống thu gom và xử lý nước thải trên địa bàn tỉnh.

Sở Xây dựng tham mưu, giúp UBND tỉnh chỉ đạo công tác quản lý, đầu tư phát triển đối với hệ thống thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn tỉnh, gồm công tác lập quy hoạch, kế hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì, sử dụng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải; hướng dẫn, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền trong công tác quản lý đầu tư xây dựng, quản lý vận hành hệ thống thoát nước và xử lý nước thải, quản lý giá dịch vụ thoát nước trên địa bàn tỉnh.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích