Tập huấn đánh giá nguy cơ bệnh truyền nhiễm từ động vật hoang dã sang người & vật nuôi
Tập huấn đánh giá nguy cơ bệnh truyền nhiễm từ động vật hoang dã sang người & vật nuôi
Nhằm góp phần kiểm soát dịch bệnh từ động vật hoang dã (ĐVHD), nâng cao nhận thức an ninh y tế toàn cầu và tăng cường sử dụng phương pháp một sức khỏe trong công tác phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người.
Ngày 13/7/2023, tại Khách sạn Công đoàn Việt Nam, số 14, Trần Bình Trọng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Cơ quan thẩm quyền quản lý Cites VN Tổ chức tập huấn đánh giá nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm từ động vật hoang dã sang người và vật.
Thành phần tham dự lớp tập huấn có tổng số 51 đại biểu đến từ các Chi cục, gồm: Chi cục Kiểm lâm; Chi cục chăn nuôi và Thú y; Chi cục bảo vệ môi trường trên địa bàn 05 tỉnh, thành phố gồm: TP. Hà Nội; tỉnh Hòa Bình; Lạng Sơn; Bắc Giang và Quảng Ninh. Tới dự và chỉ đạo lớp tập huấn có ông: Vương Tiến Mạnh – PGĐ Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam. Ngoài ra, lớp tập huấn còn có sự tham gia của các ông Nguyễn Thế Cường – Điều phối viên tổ chức FAO tại Việt Nam; tiến sĩ Nguyễn Trường Sơn – Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật.
Tại lớp tập huấn, các học viên được các giảng viên giới thiệu tổng quan về dự án “Các thành phần phụ của an toàn tại châu Á vì môi trường toàn cầu” do tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) tại Việt Nam; bệnh lây truyền từ động vật hoang dã tại Việt Nam; giới thiệu về bảng câu hỏi khảo sát đánh giá nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm từ động vật hoang dã sang người và vật nuôi; cách sử dụng trang thiết bị phòng hộ và thiết bị điện tử phục vụ khảo sát.
Từ ngày 14/07 – 19/07, các đại biểu tham gia lớp tập huấn sẽ phối hợp với các Cơ quan CITES, Cục Kiểm lâm, Chi cục Kiểm lâm, Chi cục chăn nuôi và thú y, Chi cục bảo vệ môi trường, cán bộ FAO, tư vấn đi khảo sát thực tế tại một số cơ sở, địa điểm nuôi nhốt, buôn bán động vật hoang dã tại 05 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hòa Bình, Lạng Sơn, Bắc Giang, Quảng Ninh.
Kết thúc lớp tập huấn, các đại biểu được bồi dưỡng kiến thức tổng quát nâng cao hiểu biết về các nguy cơ lây lan dịch bệnh truyền nhiễm từ ĐVHD sang vật nuôi và con người. Áp dụng thực hành tốt theo chuỗi giá trị và sản xuất sản phẩm ĐVHD và sự tham gia của khu vực tư nhân trong kiểm soát dịch bệnh sử dụng phương pháp tiếp cận một sức khỏe để từ đó tăng cường mở rộng hợp tác khu vực và quốc tế về an ninh kinh tế toàn cầu trong công tác phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị