Nha Trang: Biến rác nhựa thành nhiên liệu
Nha Trang: Biến rác nhựa thành nhiên liệu
Nhiều người dân và du khách không khỏi thích thú với những chiếc ghế được thay mới có gắn mẫu giấy nhỏ ‘bê tông từ rác nhựa’ tại công viên đường Trần Phú (TP Nha Trang)
Cùng nhóm bạn ngồi nghỉ ngơi tại chiếc ghế “bê tông rác thải”, chị Nguyễn Thúy Quỳnh (du khách TP.HCM) bất ngờ khi biết nguyên liệu làm nên chiếc ghế này.
“Tôi không nghĩ rằng rác thải lại làm nên chiếc ghế đẹp như thế này, rất chắc chắn. Tôi nghĩ rằng sản phẩm này nên nhân rộng ở các điểm công cộng, trường học và công sở. Vì bản thân tôi cũng là một người ưa thích dùng các sản phẩm handmade hoặc tái chế”, chị Quỳnh chia sẻ.
“Cha đẻ” của những sản phẩm lạ này là ông Nguyễn Văn Xuân (63 tuổi), giám đốc Công ty cổ phần Năng lượng Resa. Căn xưởng tại xã Vĩnh Thạnh (TP Nha Trang) là nơi được ông Xuân sử dụng để nghiên cứu, thử nghiệm và chế tạo. Là kỹ sư điện, ông sử dụng các kiến thức vật lý và sự tự học của mình để chế tạo các sản phẩm từ rác thải. Từ chiếc bàn, lọ hoa, viên gạch lát nền đến những bức tượng nghệ thuật đều có chung nguyên liệu sản xuất là… rác thải.
Tại đây, bạn có thể tận mục sở thị những chiếc bàn tưởng làm bằng đá granite nhưng thực chất là từ rác màu sắc, những chiếc ghế từ bê tông rác nhựa có thể chịu sức nặng khoảng 300kg và thân thiện với môi trường.
Ông Xuân cho hay những sản phẩm này được làm bằng phương pháp “nhốt nhựa vào bê tông”, có độ bền và đẹp không khác gì vật liệu tự nhiên, mà giá thành chỉ bằng 2/3. Quan trọng hơn là nếu phát triển mạnh, sản xuất hàng loạt sẽ góp phần làm giảm việc khai thác tài nguyên tự nhiên.
“Phương pháp này không gây ô nhiễm, do rác thải nhựa được xử lý nguội. Sau khi nghiền nhựa thành những hạt nhỏ thì chúng tôi đưa vào một chất phụ gia để chúng kết dính với xi măng. Bê tông rác nhựa có thể làm hàng nội ngoại thất, làm vật liệu xây dựng, làm đường giao thông tải trọng thấp, thậm chí làm kênh mương nội đồng…” – ông Xuân nói.
Ngoài các sản phẩm bê tông từ rác nhựa, ông Xuân còn điều chế dầu diesel bằng phương pháp nhiệt phân rác. Loại dầu này đã xong quy trình thử nghiệm và cho chạy thử các loại máy nổ, động cơ tốc độ thấp.
Theo ông Xuân, sản phẩm tái chế đang gặp khó về đầu ra vì người dân chưa quen dùng và ý thức về môi trường chưa cao. Bên cạnh đó, sản phẩm tái chế chưa có tiêu chuẩn nhất định nên khó tham gia chuỗi cung ứng cho những dự án. Nhà nước cũng chưa có những chính sách khuyến khích cụ thể khi sử dụng sản phẩm tái chế.
“Tôi hy vọng một ngày không xa người dân sẽ thay đổi thói quen dùng các sản phẩm tái chế để góp phần bảo vệ môi trường. Để thực hiện mục tiêu này, những sản phẩm từ rác thải nhựa mà tôi tạo ra với mục đích tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho mọi người là chính, sau đó mới tính đến vấn đề kinh doanh và lợi nhuận. Hiện đã có một vài công ty nước ngoài liên hệ và đặt mua các sản phẩm này” – ông Xuân thông tin.
Trăn trở với những vấn đề về môi trường, ông Xuân còn tham dự các buổi nói chuyện với đoàn viên, thanh niên TP Nha Trang về tái chế rác thải nhựa, thậm chí mang theo cả hệ thống máy móc đến để các bạn trẻ cùng quan sát quy trình “biến” rác thải thành vật liệu xây dựng. Ông cũng liên kết với các resort, khách sạn ở Khánh Hòa cùng tham gia dọn sạch bờ biển, thu rác thải nhựa để tái chế.
“Sắp đến tôi sẽ cho ra nhiều sản phẩm mới có tính ứng dụng cao từ rác thải, tạo thêm sinh kế cho người lao động bằng việc thu mua rác họ nhặt được để làm nguyên liệu. Đồng thời tôi sẽ nhân rộng mô hình sản xuất này ra các chi nhánh hoặc thành lập hợp tác xã” – ông Xuân cho hay.
Ông cũng cho biết thêm, sẽ cung cấp thiết bị, công nghệ và hướng dẫn quy trình, còn người làm sẽ đảm nhận khâu sản xuất theo một quy chuẩn nhất định, sau đó ông sẽ nhận lại hàng, bao tiêu thụ và xuất bán.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị