Thanh Hóa: Chủ đầu tư chỉ đạo đào bỏ đất không đảm bảo yêu cầu ra khỏi công trình
(Xây dựng) – Chủ đầu tư đã chỉ đạo nhà thầu đào bỏ toàn bộ phần đất trộn thí nghiệm và thi công thử không đảm bảo yêu cầu ra khỏi công trình tại huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa), sau khi Báo điện tử Xây dựng phản ánh.
Nhà thầu tiến hành đào bỏ lớp đất thí nghiệm và thi công thử ra khỏi công trình (ảnh cắt từ video do chủ đầu tư cung cấp). |
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ngày 6/7 đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa (Chủ đầu tư) cho biết: Hiện nay, nhà thầu đã đào bỏ toàn bộ lớp đất thí nghiệm và thi công thử trước đó không đảm bảo yêu cầu ra khỏi công trình.
“Chúng tôi đã đào bỏ toàn bộ đất không đảm bảo yêu cầu trong quá trình thí nghiệm và thi công thử ra khỏi công trình, hiện tại phần đất đào bỏ đi đang tập kết gần công trình, chúng tôi đang xem xét lại tỷ lệ phối trộn một lần nữa xem thế nào, nếu có thể chúng tôi vẫn tiến hành thí nghiệm và thi công thử thêm 1 lần nữa xem sao” – đại diện Ban quản lý dự án cho biết thêm.
Theo ghi nhận của phóng viên, chiều cùng ngày một lớp đất dày khoảng 20-30cm đoạn đường dẫn lên cầu đã được bóc đi, để lại một đoạn nền đường lõm có chiều dài khoảng 50m.
Trước đó, Báo điện tử Xây dựng có bài viết phản ánh về việc nhà thầu thi công Gói thầu số 06: Thi công xây dựng công trình + Bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng, Tiểu dự án 1 – cầu vượt sông Mã và đường 2 đầu cầu từ Km5+250-Km7+250, thuộc Dự án đường nối Quốc lộ 1 với Quốc lộ 45 đoạn từ xã Hoằng Xuân, huyện Hoằng Hóa đến xã Thiệu Long, huyện Thiệu Hóa (Km5+250 – Km14+603). Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa làm chủ đầu tư, đơn vị trúng thầu là Công ty Cổ phần 479 Hoà Bình và Công ty Cổ phần Xây dựng cầu Thanh Hóa, với giá trị hơn 502 tỷ đồng, Viện Khoa học và Công nghệ giao thông vận tải là đơn vị tư vấn giám sát.
Hiện tại, nhà thầu đã bóc toàn bộ lớp đất thí nghiệm và thi công thử không đảm bảo yêu cầu ra khỏi công trình. |
Sử dụng đất đổ đi phối trộn với đất núi để đắp nền đường, qua tìm hiểu từ phía chủ đầu tư cho biết: Đó là phương pháp thí nghiệm và thi công thử đang được chủ đầu tư và nhà thầu tiến hành nhằm giảm chi phí, tiết kiệm ngân sách cho Nhà nước và giải bài toán khan hiếm đất đắp nền đường. Việc thí nghiệm và thi công thử không đảm bảo nên chủ đầu tư đã yêu cầu nhà thầu đào bỏ đi, nhưng do trời mưa nên nhà thầu chưa thể đào bỏ đi được.
Được biết, hiện nay nhằm tháo gỡ khó khăn cho vật liệu xây dựng đất, cát đang bị khan hiếm, UBND tỉnh Thanh Hóa đã đưa ra đấu giá nhiều mỏ đất, cát và đã có kết quả trúng đấu giá. Hiện các đơn vị đang hoàn tất thủ tục để đưa vào khai thác nhằm đáp ứng nguồn cung vật liệu xây dựng đất, cát cho các công trình trên địa bàn tỉnh.
Nguồn: Báo xây dựng