Cư Jút (Đắk Nông): Bất thường sự việc đền bù 24 giếng khoan trong 1,7 ha đất

(Xây dựng) – Nhiều hộ dân sống tại Bon U2, U3 đứng trong đơn tố cáo chính quyền huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông về vụ việc bồi thường đền bù 28 giếng khoan trong gần 2 ha đất, gây bức xúc dư luận.

Cư Jút (Đắk Nông): Bất thường sự việc đền bù 24 giếng khoan trong 1,7 ha đất
Hàng chục giếng khoan, được lắp ống nhựa sơ sài trên 1,7 ha đất hộ bà Phạm Thị Mỳ.

Theo đó, dự án khu dân cư tập trung tổ dân phố 3, thị trấn Ea T’Ling, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông đang gây ồn ào dư luận bởi dự án đã vấp phải nhiều vướng mắc, do người dân “dính” đền bù trong dự án không đồng thuận. Người dân khiếu nại, khiếu kiện, tố cáo kéo dài để đòi quyền lợi khi dự án triển khai nhưng công tác đền bù giải phóng mặt bằng không thỏa đáng, không đúng với nguyện vọng chính đáng cho người dân bị thu hồi đất thực hiện dự án.

Trước đó Báo điện tử Xây dựng đã có những bài phản ánh liên quan đến dự án khu dân cư tổ dân phố 3, thị trấn Ea T’Ling. Mới đây nhất nhiều hộ dân bị thu hồi đất thực hiện dự án tiếp tục gửi đơn cầu cứu gửi đến Báo điện tử Xây dựng, đồng thời gửi đơn tố cáo chính quyền huyện Cư Jút đã tùy tiện lập phương án bồi thường gây thất thoát tiền ngân sách Nhà nước, gây bức xúc dư luận.

Cư Jút (Đắk Nông): Bất thường sự việc đền bù 24 giếng khoan trong 1,7 ha đất
Người dân cho rằng 2 giếng khoan cách nhau chưa đầy 3m của hộ ông Hà Minh Tuấn, là điều bất thường, bởi nếu giếng không có nước thì phải tìm vị trí xa hơn để khoan chứ không thể khoan cạnh nhau…

Cụ thể, trong đơn tố cáo gửi đến các cơ quan chức năng ông Nguyễn Văn Đức, Bon U2, thị trấn Ea T’ling (đứng ký đơn đại diện cho nhiều hộ dân) cho rằng, việc đền bù của chính quyền huyện Cư Jút là tùy tiện, trái pháp luật gây thất thoát tiền ngân sách Nhà nước. Để minh chứng, ông Đức nêu ra 2 trường hợp được đền bù như: Hộ ông Hà Minh Tuấn, tổ dân phố 5, thị trấn Ea T’ling, tài sản trên thửa đất 1.407m2 đất, chỉ trồng 18 bụi tre. Điều đáng nói, với diện tích và 18 bụi tre như trên hộ ông Tuấn có tới 4 giếng khoan, những giếng khoan này không có bơm, đều đóng suốt ống gang 168mm (có giếng sâu chưa được 13m) nhưng để nhận được đền bù với số tiền cao ngất. Cụ thể: Giếng khoan 1, sâu 58,5m, đường kính giếng 160mm, đóng ống chống gang 160mm, không có bơm được đền bù với giá gần 94 triệu đồng; Giếng khoan 2, sâu 12m, đường kính giếng 160mm, đóng ống chống gang 160mm, không có bơm, được đền bù 19,2 triệu đồng; Giếng khoan 3, sâu 61m, đường kính giếng 160mm, đóng ống chống gang 160mm, không có bơm được đền bù với giá gần 98 triệu đồng; Giếng khoan 4, sâu 59m, đường kính 168mm, đóng ống chống sắt 168mm, không có bơm được đền bù với giá gần 95 triệu đồng.

Cư Jút (Đắk Nông): Bất thường sự việc đền bù 24 giếng khoan trong 1,7 ha đất
Nhiều giếng khoan của hộ bà Phạm Thị Mỳ nằm sát nhau, không đặt bơm nhưng vẫn được đền bù với giá cao ngất ngưởng. (Có giếng đền bù trên 100 triệu đồng).

Hộ ông Hà Minh Tuấn, chỉ với 18 bụi tre, nhưng có tới 4 giếng khoan được đền bù với tổng số tiền 305 triệu đồng. Nhiều hộ dân đề nghị các cơ quan chức năng kiểm tra 4 cái giếng của hộ ông Hà Minh Tuấn, có đúng sử dụng ống chống gang, sắt từ trên xuống dưới hay không để làm rõ việc đền bù có đúng với quy định của pháp luật.

Không chỉ hộ ông Hà Minh Tuấn, mà hộ bà Phạm Thị Mỳ (tổ dân phố 11, thị trấn Ea T’ling) mới thật sự đáng để bàn luận. Thửa đất hơn 1,7 ha nhưng có tới 24 giếng khoan, các giếng này đều bồi thường với hệ số 1, tổng giá trị bồi thường gần 1,8 tỷ đồng. “Trong 24 giếng khoan, thì rất nhiều giếng khoan sau khi có Thông báo số 14 và 31 của UBND huyện Cư Jút. Thậm chí sau khi có Thông báo 31, hộ bà Mỳ vẫn cho 6 giàn khoan, ngày đêm khoan giếng nhưng chính quyền thị trấn Ea T’ling và huyện Cư Jút làm ngơ để họ tiếp tục khoan”, ông Đức nói.

Không chỉ ông Nguyễn Văn Đức bức xúc về vụ việc trên, mà nhiều người dân địa phương đều chứng kiến hộ bà Mỳ huy động nhiều dàn khoan để ngày đêm miệt mài khoan giếng “Con của bà Mỳ có 3 giàn khoan và gọi thêm 3 giàn khoan nữa để ngày đêm khoan giếng. Trên đất chỉ có trồng cây tiêu nhưng với diện tích 1,7 ha mà tới 24 giếng khoan thì lần đầu tiên tôi chứng kiến” người dân (xin dấu tên) ngao ngán.

Cư Jút (Đắk Nông): Bất thường sự việc đền bù 24 giếng khoan trong 1,7 ha đất
Theo người dân nhiều giếng khoan ra cho có, nhằm “rút ruột” tiền ngân sách Nhà nước chứ không sử dụng vào mục đích tưới tiêu.

Tại một diễn biến khác, theo ông Nguyễn Văn Đức, đất của ông tại thành phố Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) được giải tỏa đền bù, để xây dựng trường Cao đẳng Cộng Đồng, trên đất có 1 cái giếng phục vụ tưới trên 5.000m2 cà phê nhưng không được đền bù. “Quy hoạch trường Cao Đẳng Cộng Đồng có từ 2008, nhưng đến 2017 mới có thông báo thu hồi đất của tôi, dự án treo gần 10 năm. Nên năm 2016 tôi phải khoan giếng để tưới cà phê vì thuê nước tưới quá tốn kém. Điều đáng nói, trước khi có thông báo thu hồi đất, (năm 2017-PV) đáng lẽ phải được đền bù nhưng họ kết luận do khoan sau khi có thông báo quy hoạch năm 2008 nên không đền bù cho tôi. Trong khi đó 24 cái giếng của hộ bà Mỳ, nhiều cái sau khi có thông báo thu hồi đất vẫn được đền bù với giá cao. Tôi đề nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền điều tra, xử lý đúng pháp luật, để tránh thiệt hại tiền ngân sách Nhà nước”, ông Đức bức xúc.

Theo tìm hiểu của phóng viên, giá thị trường khoan giếng thì 1m có giá khoảng 150-170 nghìn đồng. Nếu giếng khoan sâu 100m thì có giá 17 triệu đồng. Lắp đặt bơm, hoàn thiện giếng giá chỉ chưa đến 30 triệu/1 giếng.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Nguyễn Anh Tú – Chủ tịch UBND huyện Cư Jút cho biết, vụ việc đền bù 24 giếng khoan trên diện tích 1,7 ha của hộ bà Phạm Thị Mỳ đang được Cơ quan Công an tỉnh Đắk Nông điều tra. “Vụ việc Công an tỉnh đang điều tra, tiếp nhận thông tin phản ánh từ báo chí tôi sẽ cho anh em kiểm tra lại theo đúng thẩm quyền”, ông Nguyễn Anh Tú thông tin.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích