Tích tụ ruộng đất: Bài toán cũ giá trị mới tại huyện Hưng Hà
Nông dân làm giàu từ tích tụ ruộng đất
Xác định phát triển nông nghiệp bền vững, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, nhiều mô hình tích tụ ruộng đất tại huyện Hưng Hà đã đem lại hiệu quả kinh tế cao từ cây trồng chủ lực, với ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất.
Trước đây, sản xuất nông nghiệp của xã Hồng Minh chủ yếu là những cây trồng truyền thống như lạc, đỗ, ngô… với quy mô nhỏ lẻ, phân tán. Năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế và hiệu quả sử dụng đất còn thấp, chưa tạo được bước đột phá theo hướng sản xuất hàng hóa để nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích. Năm 2021, Hợp tác xã (HTX) Thái Dương Xanh đã mạnh dạn thuê 50 mẫu đất của hàng chục hộ dân để đưa cây dược liệu vào phát triển, trong đó có hàng nghìn gốc hòe, cây đu đủ lấy hoa, cây nghệ lấy quả.
Ông Đào Xuân Liêm – Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Minh chia sẻ: Hồng Minh hiện có 160ha vùng đất bãi, thu hút 10 doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài xã tích tụ ruộng đất và đưa những loại cây trồng mà thị trường cần vào sản xuất, tạo việc làm cho gần 1.000 lao động tại địa phương. Hiện nay, chúng tôi khuyến khích các hộ chủ động thuê gom, tích tụ ruộng đất và nguồn vốn, mở rộng quy mô sản xuất; liên kết, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; mời gọi các doanh nghiệp lớn, có uy tín đầu tư vào địa bàn.
Ông Trần Văn Thản – Giám đốc HTX Thái Dương Xanh cho biết: Đây là mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, không chỉ mở ra hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn mà còn tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 40 lao động tại địa phương. Tôi đã đầu tư hàng tỷ đồng để thuê ruộng, mua giống, thuê công nhân, mua máy móc để thực hiện mô hình… Qua gần 3 năm canh tác, mỗi năm chúng tôi thu được 12 – 15 triệu đồng/sào với giá hòe khô đạt gần 200.000 đồng/1kg, hoa đu đủ đực giá từ 90.000 – 100.000 đồng/1kg.
Nắm bắt và phát huy lợi thế của đồng đất quê hương, khi đưa những giống cây trồng mới về với người dân, những năm gần đây xã Điệp Nông đã và đang phát huy hiệu quả tiềm năng của vùng đất chuyên canh rau màu. Những giống cây trồng mới, kỹ thuật canh tác mới đang dần hình thành nên một vùng sản xuất nông sản hàng hóa, tạo thương hiệu ít nơi nào có được.
Chị Lương Thị Nhài, thôn Việt Yên 5 (xã Điệp Nông) chia sẻ: Tích tụ ruộng đất để sản xuất bền vững theo chủ trương của xã, gia đình tôi đã mạnh dạn chuyển đổi 2 mẫu thuộc cánh đồng Mới, thành vùng chuyên trồng các loại rau giống và cây màu cung cấp cho thị trường. Hiện nay, cây rau giống của gia đình đã có thương hiệu xuất bán cho thương lái trong tỉnh và các tỉnh lân cận, tạo thu nhập ổn định cho gia đình.
Không chỉ người dân xã Điệp Nông thấy được hiệu quả của việc tích tụ ruộng đất. Anh Phạm Văn Hưng, quê ở xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương đã mạnh dạn thuê 10ha đất bãi của người dân xã Điệp Nông để đầu tư trồng cà rốt. Qua 5 năm triển khai, đến nay mô hình của anh mang lại thu nhập cao và tạo việc làm cho trên 30 lao động địa phương với thu nhập từ 4 – 5 triệu đồng/người/tháng.
Anh Hưng chia sẻ: Mỗi sào cà rốt tôi thu lãi 4 – 5 triệu đồng, so với trồng lúa thì cà rốt mang lại hiệu quả cao gấp 2 đến 3 lần. Tôi cũng mạnh dạn đầu tư máy làm đất, máy gieo hạt, hệ thống tưới nên giảm được chi phí ngày công, giống, phân bón, nguồn thu nhập cao và ổn định hơn. Đặc biệt, trồng đến đâu được thương lái đến tận ruộng thu mua đến đó.
Thâm canh trên quy mô diện tích lớn để tiêu thụ nông sản, những người nông dân với “tư duy mới” đã ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo hướng nông sản sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm, tìm kiếm thị trường cung cấp cho các siêu thị lớn và doanh nghiệp nông sản, tạo tiền đề sớm hiện thực hóa chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Thái Bình.
Thay đổi tư duy về sản xuất nông nghiệp
Hiện nay, huyện Hưng Hà đẩy mạnh phát triển 7 vùng chuyên canh sản xuất tập trung, hỗ trợ trên 17 tỷ đồng cho 5 vùng trồng, sản xuất gồm: dưa, bí (xã Duyên Hải và Dân Chủ); ngưu tất (xã Thống Nhất); cây ăn quả (xã Cộng Hòa); cà rốt, ngô ngọt, lạc (xã Điệp Nông). Đặc biệt, toàn huyện đã chuyển đổi được 152,7ha đất trồng lúa sang trồng các cây lâu năm và cây rau màu hàng năm; 850ha trồng cây ăn quả. Với lợi thế đất đai màu mỡ, các địa phương đã có nhiều cách làm hiệu quả, khai thác được tiềm năng sẵn có của đất để quy hoạch, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa.
Mô hình trồng thanh long vàng của gia đình ông Nguyễn Hồng Sơn, thôn Tịnh Xuyên là một ví dụ điển hình cho hành động “dám nghĩ dám làm” của người nông dân, bởi gia đình ông đã đầu tư khoảng 80 tỷ đồng cho 4ha.
Ông Sơn chia sẻ: Đi du lịch ở khá nhiều nơi tôi thấy, quả Thanh long vàng chưa xuất hiện nhiều ở đồng đất tỉnh Thái Bình. Mặt khác thổ nhưỡng phì nhiêu nơi đây rất phù hợp với giống cây thanh long nên tôi mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi mô hình sang giống cây mới. Gia đình tôi đã thành lập Công ty TNHH Sơn Sao Tây Bắc chuyên cung cấp Thanh long vàng cho các siêu thị trong tỉnh, ngoài tỉnh và xuất khẩu ra nước ngoài. Đến nay, trung bình mỗi năm tôi thu lãi trên dưới 8 tỷ đồng/1ha, sau khi đã trừ tất cả các chi phí.
Còn với chị Đoàn Thị Khuyên, thôn Vân Đài (xã Chí Hòa), tích tụ ruộng đất là tiền đề để chị thực hiện đam mê. Cầm trong tay tấm bằng thạc sĩ ngành nông nghiệp, chị dễ dàng tìm được công việc với mức lương đáng mơ ước nhưng chị lại chọn “bỏ phố về quê” để “làm giàu từ cây”. Sau 6 năm vất vả với bao khó khăn tìm giống cây thích hợp với đồng đất địa phương. Đến nay, hơn 1ha cây công trình của chị đã cho những thu nhập khả quan. Trong mùa dịch Covid-19 vừa qua, trừ hết tất cả các chi phí đã đầu tư, gia đình chị thu lãi hơn 1 tỷ đồng/năm.
Khởi nghiệp từ một cây trồng hoàn toàn mới với cách làm rất khác biệt trên vùng đất bãi, Chị Trần Thị Xuân (xã Tân Lễ) đã mở ra hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp ở địa phương. Khởi nghiệp mô hình trồng dưa lưới từ 430m² ruộng ban đầu. Đến nay, diện tích trồng dưa của chị Xuân tăng lên 7.000m² với 3 nhà lưới hiện đại, áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt công nghệ Israel. Đây là hệ thống tưới nước tự động, phân bón được hòa sẵn trong nước giúp giảm chi phí nhân công. Trung bình mỗi năm chị Xuân thu về gần 40 tấn quả với giá bán khoảng 35.000 đồng/1kg. Sau khi trừ chi phí, chị thu lợi nhuận trên 500 triệu đồng.
Chị Xuân tâm sự: Năm 2016, tôi bắt đầu khởi nghiệp trồng dưa lưới công nghệ cao, lúc đó ở miền Bắc có rất ít mô hình được triển khai. Tôi thấy đây là cơ hội lớn nên đã quyết định đầu tư. Vụ dưa đầu tiên thất bại nhưng cũng từ thất bại đó đã giúp tôi có kinh nghiệm sản xuất ở những vụ sau. Đầu tư nông nghiệp công nghệ cao chi phí ban đầu rất lớn nhưng mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.
Ông Phạm Văn Bình – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hưng Hà cho biết: Để việc chuyển đổi đem lại hiệu quả cao, chúng tôi đang tích cực cùng các địa phương tiến hành rà soát lại quỹ đất, quy hoạch các vùng, tiểu vùng sản xuất, hướng đến sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, cánh đồng lớn, vùng sản xuất nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu. Hỗ trợ các đơn vị, địa phương xây dựng các mô hình sản xuất điểm, gắn với chuyển giao kỹ thuật cho nông dân và tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất; tăng cường đầu tư thâm canh, luân canh; vận động nông dân chuyển đổi các vùng trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao theo hướng sản xuất hàng hóa như dưa lê, dưa hấu, cà chua, thanh long, rau màu…
Thực tế đã chứng minh đổi mới tư duy, mạnh dạn chuyển đổi, tích tụ ruộng đất là hướng đi đúng, trúng, để nông dân bắt kịp sản xuất nông nghiệp thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Từ những cơ chế, chính sách kích cầu của tỉnh Thái Bình, nhiều địa phương đã triển khai áp dụng, tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp tích cực tích tụ ruộng đất sản xuất tập trung quy mô lớn.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu