Cận cảnh nhà hát Hồ Gươm, có sân khấu hiện đại bậc nhất Đông Nam Á
Nhà hát Hồ Gươm do Bộ Công an và UBND thành phố Hà Nội đầu tư xây dựng tại phố Hàng Bài (Hà Nội) có 2 khán phòng lớn và sân khấu hiện đại bậc nhất Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á.
Nhà hát Hồ Gươm do Bộ Công an và UBND thành phố Hà Nội đầu tư xây dựng tại số 40-40A Hàng Bài (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Đây là vị trí đắc địa ở trung tâm thủ đô, cách hồ Hoàn Kiếm chỉ 3 phút đi bộ.
Nhà hát Hồ Gươm sẽ là địa điểm tổ chức các chương trình văn hóa, nghệ thuật, hội nghị, hội thảo, các sự kiện văn hóa, chính trị quy mô, đồng thời cũng là nơi đón các đoàn nghệ thuật, các nghệ sĩ lớn trên thế giới đến biểu diễn. Công trình được xây dựng và hoàn thành trong 22 tháng.
Nhà hát Hồ Gươm được xây dựng trên khu đất hơn 5.000m2 gồm 6 khu vực: Sảnh lớn và sảnh nhỏ phía trước phục vụ tiếp đón khách; Lõi giao thông đứng: tạo điều kiện di chuyển dễ dàng; Khán phòng lớn sức chứa 900 khách và khán phòng nhỏ sức chứa 500 khách; Khu vực hậu trường: sảnh diễn viên, sân khấu phụ, phòng tập, kho đạo cụ, khu văn phòng; Hầm để xe cho khách và nhân viên; Không gian đa năng, phòng nghỉ giải lao và sân vườn tầng 6.
Công trình là sự cộng hưởng và giao thoa của các yếu tố cổ điển, hiện đại, lịch sử.
Nhà hát lắp đặt 52 cột đá (mỗi cột cao 18m), được đưa về từ Tây Ban Nha. Cùng với đó, các chi tiết phù điêu tinh xảo trên tường, trần nhà như họa tiết trống đồng Đông Sơn, hoa văn chim hạc, nhạc cụ dân tộc hay các hình ảnh rùa vàng trao kiếm… tạo cho công trình mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam.
Sảnh chính của nhà hát Hồ Gươm được lấy ý tưởng của bầu trời đầy sao đêm.
Không gian khán phòng lớn có đường nét trang trí được cách điệu từ hình ảnh bông lúa – hình ảnh trong logo quen thuộc của lực lượng Công an Nhân dân Việt Nam
Nhà hát Hồ Gươm sẽ là nhà hát đầu tiên tại Việt Nam cung cấp các loại máy móc thiết bị rạp hát đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Hệ thống hội trường đa năng tạo nên địa điểm linh hoạt, có thể tổ chức các sự kiện khác nhau. Hệ thống cấu hình này hoàn toàn tự động và trong vài phút có thể cho phép thay đổi linh hoạt không gian phòng khác nhau, phù hợp cho nhiều mục tiêu khai thác.
Ánh sáng của nhà hát Hồ Gươm đáp ứng được đa dạng các loại hình nghệ thuật khác nhau, gồm hệ thống: Ánh sáng để chiếu vào sân khấu, ánh sáng để theo dõi các diễn viên, ánh sáng để tạo nên các khung cảnh nghệ thuật.
Khu vực biểu diễn nghệ thuật là “trái tim” của Nhà hát Hồ Gươm. Nơi đây có 2 khán phòng (sức chứa 500 và 900 chỗ), đáp ứng được mọi yêu cầu về mặt biểu diễn cho các loại hình nghệ thuật khác nhau, từ ba-lê đến nhạc kịch, từ giao hưởng phương Tây đến âm nhạc, sân khấu truyền thống của Việt Nam…
Nhà hát Hồ Gươm bố trí khu vực chiêu đãi dành riêng cho khách VIP trước hoặc sau buổi biểu diễn.
Công trình này đang hoàn thiện những khâu cuối cùng trước khi khánh thành và đưa vào sử dụng.
Với vị trí đắc địa, nơi đây cũng sẽ trở thành tâm điểm kết nối với các công trình văn hóa, di tích lịch sử, cảnh quan kiến trúc quanh hồ Hoàn Kiếm, nâng tầm điểm đến, góp phần quảng bá văn hóa du lịch, phát triển kinh tế xã hội của Hà Nội.
Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ, sau hơn 100 năm xây dựng Nhà Hát lớn, đến nay Hà Nội mới lại thấy có thêm một nhà hát vừa hiện đại vừa cổ điển, vừa ghi dấu ấn lịch sử Việt Nam, lại vừa kể được câu chuyện của hiện tại.
Nhà hát Hồ Gươm sẽ là yếu tố thúc đẩy đời sống âm nhạc, đời sống văn hóa của thành phố Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, điều trăn trở đặt ra là hiệu quả hoạt động của nó ra sao, hiệu quả của nó thế nào? Làm gì để nhà hát luôn luôn “đỏ đèn” và luôn phát huy được vai trò.
“Công trình này được xây dựng ngay trong không gian đậm văn hóa lịch sử, tạo nên sự hài hòa cho không gian quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm, kết nối chặt chẽ giữa quá khứ – hiện tại và tương lai. Chúng ta có quyền hi vọng rằng Nhà hát Hồ Gươm sẽ trở thành một di sản cho đời sau, giống như cách mà thành đường nghệ thuật Nhà hát Lớn đã ghi dấu ấn trong lòng Hà Nội”, Nhà sử học Dương Trung Quốc nói.
Nguồn: Báo xây dựng