Các biện pháp hữu hiệu làm giảm tình trạng mắt tăng độ ở người bị cận thị

Cận thị là một dạng lỗi khúc xạ ảnh hưởng đến cơ chế hội tụ của mắt. Do nhãn cầu bị dài ra, tia sáng sẽ hội tụ trước võng mạc thay vì ngay võng mạc. Và kết quả của điều này là những vật thể ở gần sẽ nhìn thấy rõ còn những vật ở xa thì lại mờ.

Theo đó, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng cận thị. Đáng chú ý, việc tiếp xúc quá nhiều với các đồ dùng công nghệ như máy tính, tivi, điện thoại… là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây cận thị. Đặc biệt là trong thời điểm dịch bệnh COVID-19, thời gian tiếp xúc với thiết bị công nghệ nhiều hơn, nhất là thời gian học trực tuyến kéo dài càng làm gia tăng cận thị ở trẻ.

BSCKI. Lê Thị Chính – Phó Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết, vấn đề chung của các gia đình hiện nay cho con đến khám mắt là thị lực của trẻ rất kém, do thời gian rảnh rỗi ở nhà quá nhiều, cũng không biết làm gì khác ngoài giải trí với các trò chơi trên mạng, xem tivi hoặc đọc sách,v.v…

Ngay cả khi không dùng các thiết bị di động thì việc ở trong không gian hẹp quá lâu với tầm nhìn ngắn cũng khiến thị lực không còn như trước. Trong khi ánh sáng tự nhiên và hoạt động thể chất bên ngoài đóng vai trò quan trọng đối với tình trạng sức khỏe của mắt. Đặc biệt là trẻ từ 7 – 9 tuổi và 12 – 14 tuổi, trong khoảng thời gian này, nếu trẻ ngủ quá ít hoặc không đủ thời gian để ngủ vì mải chơi sẽ dễ gây ra cận thị.

 Số lượng người bị cận thị gia tăng nhanh chóng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Ảnh minh hoạ

Cùng với cận thị, các bác sĩ cũng cho hay nhiều trường hợp “mỏi mắt kỹ thuật số” ở trẻ em. Các triệu chứng gồm mờ mắt, nhức đầu và mỏi mắt, mắt thiếu linh hoạt. Nhiều trẻ cũng bị chảy nước mắt, nóng rát, dụi mắt thường xuyên hơn, khô và cảm giác có dị vật trong mắt. Các triệu chứng thường giảm dần sau vài giờ, nhưng hiện y khoa chưa nghiên cứu rõ liệu có hậu quả lâu dài hơn hay không.

Theo dự đoán của các chuyên gia, đến năm 2025, tỷ lệ mắc cận thị trên toàn thế giới là 50% và sẽ trở thành gánh nặng nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng. Nhằm giảm thiểu tình trạng người bị cận thị ngày một tăng nhanh, các chuyên gia về sức khoẻ đã đưa ra một số giải pháp hữu hiệu.

Một là, sử dụng kính gọng là kính áp tròng. Khi ánh sáng đi vào mắt hội tụ tạo thành tiêu điểm nằm phía sau võng mạc (viễn thị võng mạc ngoại biên), điều này sẽ kích thích kéo dài trục nhãn cầu, trong khi nếu tiêu điểm này nằm phía trước võng mạc (cận thị võng mạc ngoại biên) sẽ làm chậm quá trình cận thị hóa. 

Kính cận thị thông thường và kính áp tròng tiêu chuẩn gây ra hiện tượng viễn thị võng mạc ngoại biên. Các loại kính đa tròng (PAL), kính đa tròng phi cầu ngoại biên, gồm nhiều vùng quang học khác nhau và kính áp tròng đa tiêu cự đang được thử nghiệm ở trẻ em từ 8 đến 12 tuổi để làm chậm quá trình cận thị hóa bằng cách tạo ra cận thị võng mạc ngoại biên và giảm độ mờ do viễn thị.

Mặc dù mọi người đã biết hạn chế sự dài ra của trục nhãn cầu sẽ hạn chế được sự tiến triển của cận thị, nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi cần phải trả lời: Độ kính cần đeo là bao nhiêu để đạt hiệu quả tối ưu? Thời gian sử dụng mỗi ngày là bao lâu và kéo dài điều trị trong bao nhiêu năm? Khả năng tái phát cận thị sau khi ngừng sử dụng kính là như thế nào?

Phương pháp định hình giác mạc (Ortho-K) sử dụng kính áp tròng cứng đeo qua đêm để làm phẳng bề mặt giác mạc khi ngủ, do đó không cần sử dụng kính gọng vào ban ngày. Sự thay đổi hình dạng của giác mạc cũng có thể làm chậm sự tiến triển của cận thị bằng cách giữ cho tiêu điểm ảnh hội tụ đúng tại hoàng điểm, đảm bảo được thị lực trung tâm rõ nét trong khi đó ở vùng chu biên tạo thành vùng cận thị ngoại vi.

Hai là, sử dụng thuốc atropine nhỏ mắt. Cơ chế tác dụng mặc dù chưa được biết rõ nhưng không liên quan đến sự điều tiết của mắt. Atropine liều thấp 0,01% đã được sử dụng ở trẻ em từ 5 đến 17 tuổi để làm giảm sự tiến triển của cận thị. Đối với Atropine liều thấp 0,01% được dung nạp tốt hơn so với atropin nồng độ cao hơn trong khi đó lại không có khác biệt đáng kể về hiệu quả và atropin liều thấp giảm tỷ lệ cận thị tái phát sau ngừng thuốc. 

Những trẻ đáp ứng kém với thuốc có thể được tăng liều từ từ. Tuy nhiên, người ta cho rằng, sự hiệu quả của atropin là khác nhau giữa các vùng địa lý, chủng tộc vì vậy cần có các nghiên cứu đánh giá theo từng khu vực địa lý khác nhau để đưa ra nồng độ và liều lượng thuốc lý tưởng cho từng khu vực. 

Cận thị tái phát xuất hiện sau ngưng thuốc có thể khắc phục bằng cách sử dụng liều thấp hơn, giảm liều dần khi đã ổn định và tiếp tục điều trị cho đến hơn 12 tuổi hoặc đến cuối tuổi vị thành niên.

Ba là, huấn luyện thị giác. Ở những bệnh nhân cận thị có thể thấy bất thường về khả năng điều tiết gây ra bởi tình trạng giảm chất lượng hình ảnh ở võng mạc ngoại vi và điều này cũng làm tăng tiến triển của cận thị. Khi mắt giảm khả năng điều tiết thì cận thị hóa có thể xảy ra. 

Ở bệnh nhân đeo kính đa tròng cần thời gian thích nghi với kính và gây ra sự điều tiết non độ của thể thủy tinh. Ngoài ra, kính đa tròng có thể làm giảm chất lượng hình ảnh vùng xung quanh hoàng điểm do bản thân thiết kế của kính và cũng có thể gây ra cận thị khi nhìn gần.

Huấn luyện thị giác nhằm cải thiện sự điều tiết của bệnh nhân, đóng vai trò quan trọng. Kính áp tròng mềm tùy chỉnh theo từng bệnh nhân đang được nghiên cứu để giúp giảm bớt quang sai cầu, cải thiện khả năng điều tiết và giảm điều tiết non độ. Nghiên cứu CAMS (The Cambridge Anti-Myopia Study) đã sử dụng các biện pháp huấn luyện thị giác và thay đổi quang sai cầu để cải thiện khả năng điều tiết ở trẻ.

Bốn là, thay đổi lối sống. Phương pháp thay đổi lối sống là việc mỗi người cận thị nên chủ động thực hiện để hạn chế sự tiến triển của quá trình cận thị. Hạn chế tiếp xúc với các thiết bị điện tử; dành thời gian nghỉ ngơi cho mắt; bổ sung các vitamin A, vitamin E và Omega 3 có trong thực phẩm hằng ngày. Ngoài ra, yếu tố môi trường bao gồm thời gian ở ngoài trời, thời gian nhìn gần kéo dài và cường độ cao, đô thị hóa… có liên quan đến sự tiến triển của cận thị. Như vậy cần phải có cách tiếp cận đa hướng, toàn diện để phòng ngừa cận thị mang lại hiệu quả. 

Diệu Hương (T/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích