Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 13/7/2023

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 13/7/2023

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 13/7/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 13/7/2023 trên Môi trường và Đô thị.

Ngày mai Bắc Bộ chuyển mưa dông, kết thúc đợt nắng nóng dài nhất năm

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày hôm nay (13/7), ở khu vực Bắc Bộ, khu vực từ Đà Nẵng đến Phú Yên có nắng nóng với nhiệt độ lúc 13h phổ biến 35-36 độ, có nơi trên 36 độ; khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ lúc 13h phổ biến 36-38 độ, có nơi trên 38 độ như: Tĩnh Gia (Thanh Hóa) 38.1 độ, Đô Lương (Nghệ An) 38.7 độ, Hương Khê (Hà Tĩnh) 39.7 độ, Tuyên Hóa (Quảng Bình) 38.7 độ, Đông Hà (Quảng Trị) 39.0 độ,…; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 45-50%.

Ngày 14/7, khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 37-39 độ, có nơi trên 39 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 45-50%; khu vực từ Đà Nẵng đến Phú Yên có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ, có nơi trên 37 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 55-60%. Ngày 15/7, khu vực từ Nghệ An đến Phú Yên có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ, có nơi trên 37 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 55-65%.

Ngày 14/7, nắng nóng ở Bắc Bộ có xu hướng giảm dần, vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 55-60%. Ngày 15/7, nắng nóng diện rộng có khả năng kết thúc ở Bắc Bộ. Nắng nóng ở khu vực từ Nghệ An đến Phú Yên tiếp tục duy trì nhưng không gay gắt.

Do ảnh hưởng của nắng nóng và nắng nóng gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.

Hưng Khánh (Trấn Yên, Yên Bái): Nỗ lực thực hiện công tác bảo vệ môi trường xanh

UBND xã Hưng Khánh đã ban hành Kế hoạch số 01/KH-UBND, ngày 15/3/2022 về việc thu gom, vận chuyển, xử lý CTR, nước thải sinh hoạt và phân loại CTR tại nguồn giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn. Địa phương đã có dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt tập trung tại bãi chôn lấp rác thải xã Hưng Khánh. Tổ thu gom rác thải của xã thực hiện thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt về bãi rác xã Hưng Khánh để xử lý bằng phương pháp chôn lấp.

tm-img-alt
Công tác bảo vệ môi trường đã góp phần đưa xã Hưng Khánh đạt tiêu chí số 17 về môi trường và đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao năm 2022.

CTR công nghiệp thông thường phát sinh từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh như vỏ gỗ, vỏ măng… đã được thu gom, xử lý đạt tỷ lệ 98% khối lượng phát sinh. Nguồn chất thải trong quá trình xây dựng được tận dụng để san lấp mặt bằng tại chỗ hoặc làm nguyên liệu đốt, không có tình trạng đổ ra đường, sông, ngòi, ao, suối, các nguồn nước mặt khác; tỷ lệ thu gom, xử lý đạt 91% so với khối lượng phát sinh. 

Phụ phẩm nông nghiệp như rơm khô được thu gom, phơi khô làm thức ăn cho trâu, bò; dùng để lót chuồng hoặc rải trên đồi cây để giảm sự thoát hơi nước, hạn chế cỏ dại; thân cây ngô thu hoạch, băm nhỏ được ủ làm thức ăn cho động vật và được ủ làm phân bón cho cây. Do vậy không có tình trạng đốt phụ phẩm nông nghiệp ngoài trời gây ô nhiễm môi trường, nhờ đó tỷ lệ thu gom, xử lý đạt 90,1% so với khối lượng phát sinh.

Khối lượng CTR không nguy hại phát sinh trên địa bàn xã Hưng Khánh năm 2022 được thu gom, xử lý đạt tỷ lệ 91,4%. Đối với CTR nguy hại, tất cả lượng vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng phát sinh đều được người dân địa phương thu gom vào các bể chứa trên cánh đồng, không có tình trạng vứt bừa bãi ngoài môi trường. Đồng thời, toàn bộ khối lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh được thu gom, vận chuyển về Trung tâm Y tế huyện Trấn Yên để xử lý theo quy định. 

Ở địa phương không có cơ sở hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài nên không phát sinh chất thải nguy hại. Đối với các cơ sở thuộc lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh khác đều bố trí khu vực lưu giữ chất thải nguy hại tạm thời để lưu chứa chất thải nguy hại phát sinh theo quy định.

Đã có 1.676 hộ toàn xã thực hiện thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt bằng công trình phù hợp, đạt tỷ lệ 92%. Địa phương đã có 80,6% số hộ thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn đảm bảo theo quy định, gồm rác thải thực phẩm dùng làm thức ăn cho động vật hoặc ủ phân bón cho cây trồng; rác thải có thể tái sử dụng, tái chế được thu gom vào mô hình “Ngôi nhà xanh” do Hội Phụ nữ xã triển khai, sau đó bán phế liệu; rác thải sinh hoạt khác tự xử lý tại hộ gia đình hoặc tham gia mạng lưới thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải tập trung. 

Thu gom, vận chuyển, xử lý CTR, nước thải sinh hoạt và phân loại CTR tại nguồn đảm bảo các yêu cầu đã góp phần đưa xã Hưng Khánh đạt tiêu chí số 17 về môi trường và đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao năm 2022. 

Tỉnh Bắc Ninh khắc phục ô nhiễm nguồn nước sông Cầu

Cuối tháng 6 vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành khảo sát thực địa tại một số vị trí để tìm nguyên nhân gây ô nhiễm nước sông Cầu theo phản ánh của dư luận.

Kết quả khảo sát cho thấy nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường nước sông Cầu là do nước từ sông Ngũ Huyện Khê chảy vào (nước thải từ làng nghề Phong Khê và CCN Phú Lâm).

Ngoài ra, khối lượng bùn lắng lòng sông Ngũ Huyện Khê còn tồn đọng rất lớn cộng với lượng nước tồn đọng tại khu vực mương xung quanh CCN Phú Lâm, nhiều năm không được khơi thông, nạo vét. Khi có mưa, nước chảy mạnh làm bùn đen đáy sông hòa vào nước dẫn đến hiện tượng cuối nguồn nước đen hơn. Thực trạng trên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của người dân sinh sống ven sông, khiến nhân dân rất bức xúc.

Khắc phục ô nhiễm nguồn nước sông Cầu
Khuyến khích mô hình xử lý nước thải tuần hoàn từ các sơ cở sản xuất.

Theo ông Nguyễn Đình Phương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường: Đề giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường sông Cầu, trước hết phải giải quyết cơ bản tình trạng ô nhiễm sông Ngũ Huyện Khê.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh về việc tăng cường xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan cùng vào cuộc, thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, nhằm nhanh chóng khắc phục hiện trạng ô nhiễm trên.

Trong đó, nhấn mạnh vai trò của lực lượng công an tỉnh phối hợp với ngành chức năng, UBND huyện Tiên Du, thành phố Bắc Ninh thường xuyên trinh sát, phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất cố tình vi phạm, vi phạm nhiều lần và đề xuất xử lý thật nặng, nâng mức tiền phạt, đình chỉ hoạt động theo quy định của pháp luật, tạo sức răn đe mạnh đối với các cơ sở sản xuất giấy cố tình vi phạm.

Thành phố Bắc Ninh cũng đang khẩn trương triển khai kế hoạch cụ thể thực hiện Đề án tổng thể xử lý môi trường phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh giai đoạn 2022 – 2030; tiến hành lập, trình duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết chuyển đổi các cơ sở sản xuất trong khu dân cư, trong CCN; lập kế hoạch chi tiết, tổ chức thực hiện đối với việc dừng hoạt động và di dời các cơ sở sản xuất theo đúng lộ trình 31-12-2024 đối với các cơ sở trong khu dân cư và 31-12-2029 đối với toàn bộ các cơ sở sản xuất và tuyên truyền rộng rãi chủ trương chuyển đổi đó để người dân biết, chấp hành.

Thanh Hoá: Cần thanh tra công tác bảo vệ môi trường tại mỏ đá Công ty CP Phú Nam Sơn

Thời gian qua, sai phạm trong khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa liên tục được phát hiện. Chủ yếu là khai thác khi chưa đủ điều kiện, vượt khối lượng được cấp phép cũng như vi phạm công tác bảo vệ môi trường.

Trong những năm gần đây, cùng với tốc độ phát triển công nghiệp hóa, đô thị hóa thì nhu cầu về vật liệu xây dựng của cả nước nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng ngày một gia tăng về số lượng và đa dạng về chủng loại.

Theo quy hoạch phát triển – kinh tế xã hội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, vật liệu xây dựng sẽ là một trong 6 nhóm ngành công nghiệp chủ lực của cả nước với mức độ tăng trưởng của thị trường về sản phẩm này đạt mức trên 15%.

Những nguyên nhân trên đã góp phần thúc đẩy các hoạt động khai thác, chế biến vật liệu xây dựng phát triển mạnh, đặc biệt ở các địa bàn có nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.

Thanh Hóa được đánh giá là tỉnh có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng và phong phú. Việc khai thác tài nguyên khoáng sản trong những năm qua đã góp phần không nhỏ vào việc phát trển kinh tế – xã hội, song cũng là nguyên nhân tác động trực tiếp và hủy hoại môi trường.

Bởi lẽ, hoạt động quản lý, khai thác và chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã bộc lộ không ít những tồn tại và bất cập, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm môi trường trong quá trình khai thác, chế biến và vận chuyển khoáng sản. Trong khi việc phục hồi lại môi trường và hoàn nguyên ở các mỏ khai thác theo quy định hầu như cũng khó thực hiện.

Dưới đây là ghi nhận thực tiễn phản ánh của người dân thuộc thôn Tân Phúc, xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn về tình trạng ô nhiễm môi trường quanh khu vực khai thác, chế biến đá làm vật liệu xây dựng thông thường của Công ty cổ phần Phú Nam Sơn. PV Môi trường và đô thị Việt Nam đã về, kiểm chứng nguồn tin, từ đó xác nhận những thông tin người dân cung cấp là đúng thực tế.

Nghệ An: Hàng trăm người đang xuyên đêm dập lửa cháy rừng ở huyện Nam Đàn

Theo thông tin ban đầu, vụ cháy rừng trên thuộc khu vực núi Bàu, xã Tân Thượng Lộc, huyện Nam Đàn (Nghệ An) diễn ra từ lúc 10 giờ ngày 12/7. Khu vực xảy ra đám cháy nằm trên đồi núi cao, trước đây là khu vực rừng thông, keo tái sinh từng bị cháy.

Ngay sau khi phát hiện vụ cháy, ngay trong đêm chính quyền địa phương cùng hàng trăm cán bộ, chiến sĩ và người dân nỗ lực khống chế đám cháy rừng trong đêm, nhằm hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do vụ cháy gây ra.

tm-img-alt
Vụ cháy rừng nhìn từ trên cao. Ảnh: ITN

Lực lượng chữa cháy cùng người dân đã làm đường băng cản lửa, song do gió Tây Nam thổi mạnh, thời tiết nắng nóng khiến ngọn lửa bốc cao dữ dội, cột lửa cao nhiều mét đã cháy tràn qua lan sang các khu vực khác, uy hiếp đến an toàn cả khu vực dân cư.

Ghi nhận đến 0h45 sáng 13/7, vụ cháy rừng tại xã Thượng Tân Lộc vẫn chưa được khống chế. Hiện tại đang có ba khu vực cháy lớn. Một số đám cháy tuy được dập tắt nhưng sau đó cháy trở lại.

Trong khi đó, sau nhiều giờ bám trụ chữa cháy rừng, lực lượng tham gia công tác dập lửa có dấu hiệu xuống sức khi phải liên tục leo đồi và ảnh hưởng bởi sức nóng từ lửa. Hàng trăm người dân thức trắng cùng lực lượng chữa cháy.

Đám cháy rừng lan xuống, chỉ cách nhà thờ giáo xứ Vạn Lộc khoảng 20m. Lực lượng cứu hỏa đã điều 5 xe chữa cháy tới khu vực này, sẵn sàng ứng trực để bảo vệ công trình nhà thờ.

Nghị viện châu Âu thông qua dự luật nhằm khôi phục đa dạng sinh thái

Ngày 12/7, với 336 phiếu thuận, 300 phiếu chống và 12 phiếu trắng, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua dự luật Phục hồi Thiên nhiên (NRA) nhằm khôi phục đa dạng sinh thái.

Theo kế hoạch, các nghị sĩ và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ thương lượng văn bản luật cuối cùng nhằm đạt một thỏa thuận trước cuộc bầu cử EP vào năm 2024.

NRA là chủ đề gây tranh cãi và chia rẽ sâu sắc giữa các nước EU và các nghị sĩ. Đảng Nhân dân châu Âu (EPP), nhóm đảng lớn nhất trong EP, dẫn đầu một chiến dịch nhằm hủy bỏ dự luật này bất chấp việc Ủy ban châu Âu (EC), do bà Ursula von der Leyen (thành viên của EPP) làm chủ tịch, là cơ quan đưa ra đề xuất luật trên.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

EPP nêu lý do là dự luật sẽ ảnh hưởng đến người nông dân và gây mất an ninh lương thực. Tuy nhiên, các nghị sĩ khác đã ngăn chặn ý định này vì lo ngại nếu NRA không được thông qua sẽ là một dấu hiệu cho thấy châu Âu đang thụt lùi trong việc thực hiện các mục tiêu xanh của mình.

NRA có mục đích phục hồi các hệ sinh thái đang bị xuống cấp bằng cách tăng các vùng trồng rừng, môi trường sống dưới nước và tăng sự kết nối giữa các dòng sông. Đặc biệt dự luật này tìm cách tăng số lượng đàn ong, chim và bướm, nhất là trên đất trồng trọt, đồng thời khôi phục các vùng đầm lầy, bãi than bùn đã cạn khô.

Đây sẽ là một trong những phần lớn nhất trong mục tiêu của EU đưa ra các đạo luật xanh, đòi hỏi các nước thành viên áp dụng các biện pháp nhằm phục hồi thiên nhiên trên 1/5 diện tích đất đai và biển của mình vào năm 2030.

T.Anh (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích