Cảnh báo: Hạt vi nhựa trong nước biển có thể làm thay đổi thành phần vi sinh vật trong nước

Trong nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Environmental Pollution vào tháng 6/2023, nhà vi trùng học Sasha Tetu tại Đại học Macquarie (Australia) và cộng sự phát hiện các hóa chất giải phóng từ những hạt vi nhựa trong nước biển có thể làm thay đổi thành phần của cộng đồng vi sinh vật trong nước.

Vi khuẩn (bao gồm cả những mầm bệnh có khả năng gây hại cho con người) có thể bám vào bề mặt vi nhựa tạo thành màng nhầy sinh học. Chúng sẽ theo dòng hải lưu di chuyển từ vùng biển này đến vùng biển khác.

Phơi nhiễm vi nhựa khiến vi khuẩn độc hại hơn. Ảnh minh họa

Tetu và cộng sự đã trộn các mẫu nước biển với nước rỉ rác có nguồn gốc từ nhựa polyvinyl chloride (PVC) trong phòng thí nghiệm. Họ tiến hành phân tích DNA của những vi khuẩn sống trong nước để xem xét sự biến đổi của chúng trong sáu ngày. PVC là một trong những loại nhựa phổ biến nhất và giống như nhiều loại nhựa khác, nó rò rỉ ra bên ngoài các chất phụ gia như kim loại, thuốc nhuộm và chất ổn định. Đây là những hợp chất người ta thêm vào nhựa để cải thiện chất lượng của nó.

Nhóm nghiên cứu không rõ lý do tại sao, nhưng các vi khuẩn phơi nhiễm hóa chất giải phóng từ nhựa ngày càng mang nhiều gene liên quan đến độc lực cao hơn và khả năng kháng thuốc kháng sinh. Các gene này giúp vi khuẩn ngăn chặn phản ứng miễn dịch của vật chủ.

Theo thống kê, hơn 430 triệu tấn nhựa được sản xuất mỗi năm trên toàn thế giới, một nửa trong số đó chỉ để sử dụng một lần và ít hơn 10% được tái chế. Ước tính có khoảng 19-23 triệu tấn nhựa bị thải ra các hồ, sông và biển hàng năm.

Các hạt nhựa có đường kính nhỏ khoảng 5 mm len lỏi vào thức ăn, nước và không khí. Người ta ước tính rằng mỗi người trên hành tinh này tiêu thụ hơn 50.000 hạt nhựa mỗi năm và còn nhiều hơn nữa nếu tính đến việc hít phải. Nhựa dùng một lần bị vứt bỏ hoặc đốt gây hại cho sức khỏe con người và đa dạng sinh học. Đồng thời gây ô nhiễm mọi hệ sinh thái từ đỉnh núi đến đáy đại dương.

Năm 2012, Công ước về Đa dạng Sinh học ở Montreal thông báo rằng tất cả 7 loài rùa biển, 45% các loài động vật có vú biển và 21% các loài chim biển đều bị ảnh hưởng do ăn hoặc bị vướng vào rác thải nhựa.

Trong một thập kỷ sau đó, số lượng và rủi ro của rác thải nhựa đối với động vật biển đã trở nên tồi tệ hơn, khi có hơn 700 loài động vật bị ảnh hưởng bởi nhựa.

Các nhà khoa học cho biết, có thể hàng trăm triệu con chim hoang dã đã tiêu thụ nhựa. Đến năm 2050, dự báo tất cả các loài chim biển trên thế giới sẽ ăn phải rác thải nhựa. Một số quần thể chim nhất định được cho là đang bị đe dọa do tiếp xúc với các hóa chất gây rối loạn nội tiết có trong nhựa. Các nghiên cứu về cá kết luận rằng nhựa có thể gây hại cho hệ thống sinh sản và gây áp lực cho gan.

An Dương (T/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích