Truyền lửa văn hóa đọc thời công nghệ số
Văn hoá đọc có thể được hiểu là thái độ của mỗi người với tri thức sách vở nói chung. Trước sự phát triển của cuộc sống, con người nguyên thủy nhận thức rõ tầm quan trọng của tri thức. Họ tìm cách lưu giữ những thông tin mình đã nhận thức được để lại cho các thế hệ sau. Và sách đã ra đời. Có thể nói từ khi có sách thì nền văn minh của loài người mới được xác thực.
Để văn hóa đọc thực sự trở thành kênh tri thức quan trọng (Ảnh chụp khi chưa xảy ra dịch Covid-19) |
Nhưng ngày nay, không khó để chúng ta chứng kiến một bộ phận giới trẻ đang mải mê với smartphone, với những gì hiện đại mà công nghệ 4.0 mang lại. Thay vì đọc sách, họ thích “lướt” điện thoại hơn. Một cuốn sách/một năm là số liệu thống kê về thói quen đọc sách của người Việt. Theo số liệu của Cục Xuất bản trong 3 năm gần đây, bình quân mỗi năm nước ta xuất bản chưa tới 400 triệu bản sách, trong đó có tới 300 triệu là sách giáo khoa, giáo trình, tham khảo,..Với tổng dân số 90 triệu người, việc chỉ đọc khoảng 1 cuốn sách/1 năm là một thực tế đáng lo ngại. (Đây là số liệu không tính việc đọc sách giáo khoa và giáo trình, và nếu tính, con số chỉ là 4 cuốn/một người/một năm). Một minh họa rõ ràng khác là tại những trạm chờ xe buýt, sân bay, hay trên những chuyến tàu,.. nếu như gắn liền với người phương Tây thường là một cuốn sách hay một quyển tạp chí, thì người châu Á lại là smartphone. Và không có gì đáng ngạc nhiên khi trong tổng số 61 quốc gia có người đọc sách nhiều nhất lại không có Việt Nam.
Nguyên nhân dẫn đến sự hờ hững với việc đọc này đầu tiên không thể không nhắc đến sự phát triển của công nghệ số. Công nghệ 4.0 phát triển, kéo theo những thứ mang tính giải trí thu hút giới trẻ hiện nay như game, mạng xã hội, youtube,.. Chính việc tiếp cận và có phần lạm dụng những nguồn giải trí này đã khiến cho văn hoá đọc của giới trẻ trở nên đi xuống, việc đọc sách trở lên lơ là và lười biếng.
Không muốn đọc sách khiến cho việc học tập cũng trở nên khó khăn, tri thức hết sức hạn chế, hiểu biết hạn hẹp. Một hậu quả dễ thấy nhất là giới trẻ ngày nay có năng lực đọc rất kém, viết sai chính tả nhiều, không phân biệt được lỗi phát âm và diễn đạt vụng về, thô lỗ.
Không đọc sách làm cho tâm hồn khô héo, thiếu cảm xúc và những rung động chân thành. Giới trẻ ngày càng trở nên cộc cằn, ứng xử thiếu lịch sự, thường vô lễ với thầy cô và người lớn. Việc ít đọc sách khiến giới trẻ không biết cảm thông, chia sẻ hay yêu thương; không biết tự kiềm chế bản thân làm nảy sinh ngày càng nhiều các vụ bạo lực xảy ra trong học đường.
Vậy bài toán đưa ra là làm thế nào để giới trẻ có hứng thú với việc đọc sách?
Trước tiên, chính bởi đang sống trong thời đại công nghệ số, rất nhiều những hình thức khác của đọc sách được ra đời, trong đó phải kể đến sách nói (audio book) – là dạng sách âm thanh, tức là nội dung sách được truyền tải thông qua giọng đọc của con người. Những năm trở lại đây, sách nói đã trở thành một xu hướng mới với nhiều thể loại phong phú, đa dạng mang đến cho khán thính giả những trải nghiệm trọn vẹn nhất. Sách nói không chỉ khiến cho con người không phải mất đi phần trăm thị lực nào mà còn giúp cho chúng ta cảm giác thời gian luôn hữu ích khi đang di chuyển hoặc tay chân mải làm việc gì. Với nhiều loại khác nhau từ phổ biến kiến thức đến sách tâm lý, tiểu thuyết,.. nên sách nói có thể phổ biến tới mọi đối tượng thuộc các giai tầng xã hội khác nhau, tuổi tác khác nhau. Ngoài ra, nó còn được định dạng trong các thiết bị lưu trữ từ cổ điển như băng cassette, CD, VCD, DVD, USB đến lưu trên smartphone, iPad, hoạt động trên các ứng dụng công nghệ,..
Và trước những tác động của công nghệ số, sách điện tử (Kindle) cũng ra đời. Kindle có kích cỡ không lớn, chỉ bằng quyển sách dày vừa phải, mang theo người rất thuận tiện, nhưng có thể lưu trữ được hàng trăm, hàng nghìn cuốn sách, tạp chí, tờ báo theo sở thích của từng người. Thậm chí là cả một thư viện cơ động được thu nhỏ vào trong “sách điện tử Kindle”. Đây là bước ngoặt rất lớn và có thể nói là một cuộc đại cách mạng mang tên “Văn hóa đọc điện tử”…
Đọc sách không chỉ giúp cho chúng ta trau dồi thêm kiến thức, vốn hiểu biết mà còn giúp nuôi dưỡng tâm hồn mỗi con người, giúp họ có một đời sống tinh thần và trí tuệ đẹp đẽ, ý nghĩa và hạnh phúc hơn. Như nhà văn nổi tiếng Marxim Gorky: “Sách là điều kỳ diệu nhất trong mọi điều kỳ diệu mà con người tạo ra, nó là hiện thân của tất cả tri thức của đời sống thế giới, tất cả lịch sử phát triển của trí tuệ thế giới, tất cả lao động và kinh nghiệm của các dân tộc trên Trái đất. Sách là vũ khí mạnh mẽ nhất để tiếp tục phát triển sức mạnh trí tuệ của loài người.”./.
Nguồn: Báo lao động thủ đô