Thanh Hóa: Thay đổi biện pháp thi công nạo vét lòng sông Lèn có đảm bảo quy định của pháp luật?

(Xây dựng) – Lấy lý do tiến độ, nhà thầu thi công nạo vét hạ lưu cống và âu sông Lèn đã thay đổi biện pháp thi công, khiến lượng nước thải lớn đã trực tiếp chảy trở lại dòng sông, gây ô nhiễm môi trường và có dấu hiệu gây thất thoát ngân sách Nhà nước…

Thanh Hóa: Thay đổi biện pháp thi công nạo vét lòng sông Lèn có đảm bảo quy định của pháp luật?
Nhà thầu đang thực hiện biện pháp nạo vét bằng thiết bị xói hút đổ trực tiếp vào các ao, đầm thuê tạm của người dân địa phương.

Theo nguồn tin riêng của phóng viên Báo điện tử Xây dựng nhận được, trong quá trình thi công dự án: Tiểu dự án hệ thống thủy lợi sông Lèn có dấu hiệu sai phạm, gây ảnh hưởng đến môi trường, thất thoát ngân sách Nhà nước.

Cụ thể, việc thi công nạo vét hạ lưu cống và âu sông Lèn nhà thầu thi công chưa thực hiện đúng với biện pháp thi công ban đầu được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, gây ảnh hưởng môi trường sinh thái và dễ gây thất thoát ngân sách Nhà nước. Theo đó, đối với phần việc nạo vét hạ lưu cống và âu sông Lèn biện pháp thi công ban đầu là nạo vét bằng gầu dây, chở bằng xà lan và ôtô đổ trực tiếp ra bãi thải. Tuy nhiên, nhà thầu lại sử dụng biện pháp nạo vét bằng thiết bị xói hút đổ trực tiếp vào các ao, đầm thuê tạm của người dân địa phương và sau đó trở ra bãi thải, nhưng trong quá trình hút lên các ao, đầm của người dân không có hố thu nước thải theo quy định, nên nước bùn chảy ngược lại sông gây ô nhiễm môi trường…

Thanh Hóa: Thay đổi biện pháp thi công nạo vét lòng sông Lèn có đảm bảo quy định của pháp luật?
Ghi nhận thực tế không có hố thu nước theo mặt bằng nạo vét lòng sông bằng xói hút.

Để xác minh thông tin trên, phóng viên đã về xã Nga Thủy, huyện Nga Sơn ghi nhận, theo đó nội dung phản ánh là có cơ sở. Cụ thể, nhà thầu sử dụng hai máy hút, hút trực tiếp cát, bùn lên các ao, đầm của hộ dân, nước thải được gom vào một ống lớn sau đó đổ trực tiếp ra sông Lèn.

Nội dung trên thuộc gói thầu số 16/XL-A: Xây dựng và cung ứng cấp thiết bị cho tiểu dự án Hệ thống thủy lợi sông Lèn (bao gồm công trình đầu mối sông Lèn, Càn, De và hạng mục hỗ trợ tưới tiêu huyện Hà Trung), nằm trong dự án: Nâng cấp hệ thống thủy lợi sông Lèn và sông Hoàng Mai nhằm nâng cao khả năng kiểm soát mặn, cải tạo môi trường sinh thái và ứng phó với biến đổi khí hậu (KEXIM1). Có tổng mức đầu tư của dự án khoảng 1.600 tỷ đồng, do Ban Quản lý Trung ương các dự án thủy lợi (CPO), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư. Đơn vị trúng thầu gói thầu số 16/XL-A: Xây dựng và cung ứng cấp thiết bị cho tiểu dự án Hệ thống thủy lợi sông Lèn là liên danh HDC Huyndai Development Company – Kumho Industrial Co., Ltd (viết tắt HDC – Kumho JV), nhà thầu phụ là Công ty Cổ phần Xây dựng Trung Nam 18 E&C (thực hiện công tác nạo vét lòng sông Lèn).

Thanh Hóa: Thay đổi biện pháp thi công nạo vét lòng sông Lèn có đảm bảo quy định của pháp luật?
Nước bùn đen chưa được lắng đang chảy ngược lại sông Lèn.

Được biết, đối với biện pháp thi công nạo vét bằng thiết bị xói hút đổ trực tiếp vào các ao, đầm chờ vật liệu khô ráo vận chuyển bằng xe ôtô đến bãi thải đã được chủ đầu tư, nhà thầu chính, nhà thầu phụ và tư vấn giám sát chấp thuận. Nội dung là sử dụng 2 thiết bị xói, hút đổ trực tiếp vào các ao đầm của người dân, nước bùn sẽ chảy vào hố thu nước, sau khi nước thải được lắng trong sẽ trở lại sông.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, đại diện Ban Quản lý Trung ương các dự án thủy lợi cho biết: Phương án thi công ban đầu là nạo vét bằng gầu dây, chở bằng xà lan và ôtô đổ trực tiếp ra các bãi thải, nhưng hiện nay, các bãi thải chưa được giải phóng mặt bằng xong và bàn giao, chỉ có bãi thải xã Nga Thuỷ, huyện Nga Sơn đã giải phóng được 5/7.4ha. Vì tiến độ nạo vét, nhà thầu có đề xuất cho nhà thầu thuê tạm diện tích ao, đầm của các hộ dân nằm ngay bờ sông phía ngoài đê (bằng kinh phí của nhà thầu) gần khu vực nạo vét để tạm chứa vật liệu thải, ngoài ra biện pháp nạo vét bằng gầu dây, chở bằng xà lan và ôtô đổ trực tiếp ra các bãi thải, nhà thầu đề xuất sử dụng thêm biện pháp nạo vét bằng thiết bị xói hút đổ trực tiệp vào các ao, đầm thuê tạm của người dân địa phương. Chờ vật liệu khô ráo và mặt bằng bãi thải được bàn giao đầy đủ và thi công hoàn thiện từng phần, sẽ vận chuyển bằng xe ôtô đến các bãi thải và đã được tư vấn và CPO chấp thuận.

Tuy nhiên, khi phóng viên cung cấp hình ảnh ghi nhận được trên ao, đầm của người dân nhà thầu hút bùn, cát lên không có hố thu nước, nên nước bùn đã chảy trực tiếp trở lại sông thì đại diện nhà thầu chính HDC – Kumho, ông Nguyễn Thừa Đường và ông Ngô Văn Trường, cán bộ kỹ thuật nhà thầu phụ cho rằng: Thực tế thi công có hố thu, nhưng trong quá trình thi công nó lắng, nó bị phủ đầy rồi, nhà thầu chưa kịp đào lại hố thu mới.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích