Ninh Bình: Nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh phục hồi và tăng tốc phát triển du lịch
(Xây dựng) – Thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, mới đây UBND tỉnh Ninh Bình đã có kế hoạch cụ thể thực hiện Nghị quyết này và đưa ra nhiều giải pháp trọng tâm để đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.
Quần thể danh thắng Tràng An được ví như “bảo tàng địa chất ngoài trời”. |
Cụ thể như: Đảm bảo môi trường du lịch thuận lợi, an ninh, an toàn để thu hút khách du lịch. Đẩy mạnh công tác giáo dục nâng cao ý thức cho cộng đồng dân cư trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường du lịch, qua đó nâng cao trách nhiệm của cá nhân, tổ chức kinh doanh du lịch trong việc xử lý vệ sinh môi trường, phòng chống các tệ nạn xã hội; kiểm tra, giám sát các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao, du lịch, lễ hội, ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội để hoạt động thu lợi bất chính, mê tín dị đoan gây ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Ninh Bình.
Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững: Tiếp tục triển khai đề án “Cơ cấu lại ngành Du lịch Ninh Bình đáp ứng yêu cầu phát triển thành nghành kinh tế mũi nhọn”; xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình hành động du lịch xanh, giai đoạn 2023 – 2025; nghiên cứu cơ chế, chính sách đột phá để huy động các nguồn lực, cơ cấu lại ngành Du lịch để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phục hồi, phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; tập trung liên kết phát triển sản phẩm, thị trường, kết nối tour, tuyến du lịch trong vùng và liên vùng.
Ngoài ra, tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm: Tăng cường thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng khu, điểm du lịch, hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch bằng nguồn vốn nhà nước và xã hội hoá. Tập trung đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, chất lượng cao; thu hút, khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược đầu tư hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án dịch vụ quy mô lớn…
Ninh Bình đưa ra nhiều giải pháp trọng tâm để đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, bền vững. |
Đồng thời, phát triển sản phẩm và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch: Phát triển, làm mới các loại hình, dịch vụ du lịch đa dạng, độc đáo trên cơ sở tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, gắn với phát huy giá trị di sản; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch, triển lãm du lịch quốc tế ở các thành phố lớn; tăng cường hợp tác, liên kết du lịch với các địa phương để thu hút đầu tư, khách du lịch.
Kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch; tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn… cho lực lượng lao động tại các doanh nghiệp kinh doanh du lịch; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong cấp phép đầu tư, kinh doanh dịch vụ du lịch, tạo điều kiện thuận lợi để người dân trực tiếp tham gia kinh doanh và hưởng lợi từ du lịch.
Cùng với đó, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực. Đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch. Tập trung, ưu tiên đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thực hiện chuyển đổi số du lịch để kết nối nhằm hỗ trợ và gia tăng trải nghiệm cho khách du lịch và phục vụ công tác quản lý; xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh để kết nối hạ tầng dịch vụ du lịch.
Nguồn: Báo xây dựng