Hà Nội cần bước đi, giải pháp mạnh mẽ và tư duy cạnh tranh quốc tế
TP. Hà Nội phải có bước đi, giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đột phá, tạo chuyển biến căn bản và kết quả cao hơn nữa không chỉ so với bình quân chung quốc gia mà phải so sánh với các địa phương khác đang dẫn đầu cả nước và tư duy cạnh tranh quốc tế trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 12, HĐND TP. Hà Nội khóa XVI – Ảnh: VGP/GH |
Hoạt động HĐND TP. Hà Nội nhiều tiêu biểu, điển hình
Sáng 3/7, phát biểu chỉ đạo tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 12, HĐND TP. Hà Nội khóa XVI, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao quyết tâm chính trị, nỗ lực phấn đấu của TP. Hà Nội, các cấp, các ngành, quân và dân Thủ đô đã đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn, tiếp tục phục hồi, tăng trưởng.
Kết quả 6 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng GRDP bình quân của Hà Nội đạt 5,97%, cao hơn 1,6 lần so với mức bình quân chung của cả nước. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 220.121 tỷ đồng, đạt 62,4% dự toán năm, tăng 22,9% so với cùng kỳ. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt gần 2,27 tỷ USD, vượt kết quả cả năm 2023…
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, trong những thành tựu chung đó, có sự nỗ lực quyết tâm lớn và đóng góp rất quan trọng của HĐND các cấp của Thành phố.
“Thời gian qua, đã có một làn gió tươi mới về kết quả hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố, trong đó, Thủ đô Hà Nội là một ví dụ tiêu biểu, điển hình”, Chủ tịch Quốc hội nhận định.
Nội dung “tiêu biểu, điển hình” được Chủ tịch Quốc hội nêu là hoạt động của HĐND Thành phố có nhiều đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng theo hướng ngày càng thực chất, chuyên nghiệp, hiệu quả.
Hoạt động giám sát được đổi mới theo hướng tăng cường giám sát chuyên đề đối với các vấn đề được dư luận quan tâm; tăng giải trình, làm rõ vấn đề phức tạp, bất cập; tăng cường giám sát của các ban, tổ đại biểu HĐND Thành phố, bảo đảm thực chất, định rõ kết quả, trách nhiệm, linh hoạt, hiệu lực, hiệu quả, ngày càng công khai, minh bạch hơn…
Các kỳ họp HĐND được tổ chức hợp lý, khoa học, bảo đảm kịp thời, thực chất và hiệu quả; tiếp tục có nhiều cải tiến như: Nội dung được chuẩn bị kỹ lưỡng “từ sớm, từ xa”; giảm thời gian đọc báo cáo, tăng thời gian chất vấn, thảo luận; công tác điều hành linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm, làm rõ những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, phát huy cao nhất tâm huyết, trí tuệ, kinh nghiệm của đại biểu.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội luôn quan tâm, duy trì mối quan hệ chặt chẽ với HĐND các tỉnh, thành phố nói chung và TP. Hà Nội nói riêng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo TP. Hà Nội và các đại biểu HĐND tại kỳ họp thứ 12 HĐND Thành phố – Ảnh: VGP/GH |
Không chủ quan và phải có bước đi, giải pháp mạnh mẽ
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã đề ra những phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong nửa cuối của nhiệm kỳ. Vì thế, TP. Hà Nội không thể chủ quan, thỏa mãn và cũng còn rất nhiều việc phải làm, phải có những bước đi, giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đột phá, tạo chuyển biến căn bản và kết quả cao hơn nữa không chỉ so với bình quân chung quốc gia, mà phải so sánh với các địa phương khác đang dẫn đầu cả nước và tư duy cạnh tranh quốc tế trong thời gian tới.
Quốc hội cũng đã quyết định bổ sung dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 (dự kiến cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 và thông qua tại kỳ họp thứ 7) nhằm tạo nền tảng, cơ sở pháp lý quan trọng để Hà Nội có bước phát triển mới, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, đáp ứng sự kỳ vọng của nhân dân.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm TP. Hà Nội cần thực hiện thời gian tới. Theo đó, cần tiếp tục bám sát quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa, tổ chức tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, của Đảng bộ Thành phố và Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị để cụ thể hóa, thể chế hóa thành chương trình, kế hoạch, đề án, nghị quyết của HĐND Thành phố trong từng lĩnh vực.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Hà Nội tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND để Thành phố thực sự là “điểm sáng”, “hình mẫu” trong tổ chức hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố cả nước.
Chú trọng nâng cao chất lượng và hiệu lực của HĐND và các cấp trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương, bảo đảm thực hiện kịp thời các quy định và quyết định của cơ quan Nhà nước cấp trên và của từng địa phương; giám sát việc thi hành pháp luật, giám sát hoạt động của các cơ quan Nhà nước, Thành phố và cấp dưới theo đúng quy định của pháp luật.
Để các Nghị quyết của HĐND Thành phố thông qua tại kỳ họp này sớm đi vào cuộc sống, được thực hiện nhất quán, kịp thời và phát huy hiệu lực, hiệu quả, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thường trực HĐND Thành phố phối hợp với UBND, các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu tổ chức hội nghị hoặc hình thức phù hợp nhằm quán triệt và triển khai các Nghị quyết được thông qua tại kỳ họp này và đưa nội dung này thành hoạt động định kỳ sau mỗi kỳ họp của HĐND.
Bên cạnh đó, cần sơ kết, tổng kết rút ra các bài học kinh nghiệm, phát huy kết quả, thành tích đạt được trong nửa nhiệm kỳ để nhân rộng và có giải pháp khắc phục hiệu quả các tồn tại, hạn chế; bám sát các yêu cầu thực tiễn xây dựng và phát triển Thủ đô; tăng cường hơn nữa công tác phối hợp, chia sẻ học tập kinh nghiệm với các cơ quan, tổ chức hữu quan của Thành phố, các cơ quan Trung ương và các địa phương… để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ.
Ngoài ra, tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc đã được chỉ rõ, tiếp tục hoàn thiện thể chế để kiến tạo phát triển Thủ đô, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công, kết cấu hạ tầng, kinh tế xã hội, nhất là các dự án trọng điểm, quan trọng của Thành phố như: Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội; xây dựng hệ thống đường giao thông và các tuyến đường sắt đô thị (Nhổn-Ga Hà Nội; Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo); Đề án về cải tạo xây dựng lại nhà chung cư; chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030…
Tiếp tục quan tâm, dành nguồn lực đầu tư và các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển hạ tầng, kinh tế xã hội khu vực nông thôn, vùng còn nhiều khó khăn, với mục tiêu phát triển Thủ đô đồng đều, toàn diện, bền vững.
Khẩn trương hoàn thành công tác quy hoạch theo quy định tại Luật Quy hoạch và Nghị quyết của Quốc hội; tập trung triển khai các quy hoạch đã được phê duyệt và vẫn còn có hiệu lực, nhất là sớm hiện thực hóa các quy hoạch các phân khu sông Hồng để thay đổi căn bản diện mạo Thủ đô, tạo động lực đột phá phát triển Thủ đô.
Kỳ họp thứ 12 HĐND TP. Hà Nội khai mạc sáng nay (3/7) – Ảnh: VGP/GH |
Tổ chức tốt việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính công chức, công vụ; kịp thời phát hiện, xử lý hoặc thay thế kịp thời các cán bộ công chức đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm, không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao, nhất là người đứng đầu đơn vị, cơ quan, tổ chức…
Trên cơ cở đó, tổ chức thật tốt việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do HĐND bầu, phê chuẩn theo Nghị quyết số 96/2023/QH15 vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5, bảo đảm việc lấy phiếu tín nhiệm duy nhất trong nhiệm kỳ nghiêm túc, không hình thức và đánh giá đúng về uy tín, kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ.
Đây cũng là một cơ sở quan trọng trong soát xét tổng thể phương hướng nhân sự đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2026-2031 và tiếp tục đổi mới công tác quy hoạch đại biểu chuyên trách nhằm xây dựng đội ngũ đại biểu kế cận thật sự coi trọng chất lượng với cơ cấu phù hợp.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Hà Nội tiếp tục thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội về “thí điểm mô hình chính quyền đô thị”; về “thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân hàng đặc thù đối với Thành phố Hà Nội”; “thí điểm bố trí chức danh đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố Hà Nội”…
Theo Chủ tịch Quốc hội, vừa qua, Hà Nội đã tổ chức sơ kết, đánh giá việc thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết của Quốc hội, việc thực hiện mô hình chính quyền các cấp như hiện nay của Hà Nội là hiệu quả và phù hợp thực tiễn.
Vì vậy, Hà Nội cần tập trung quyết liệt, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Trung ương để sớm hoàn thiện hồ sơ Luật Thủ đô (sửa đổi), trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 6 và thông qua tại kỳ họp thứ 7 theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Nguồn: Báo xây dựng