Quỹ đất khu công nghiệp nghìn ha ven Hà Nội chờ ‘đại bàng’

Việt Nam đang trở thành cứ điểm cho các “đại bàng” đổ bộ. Bất động sản công nghiệp được đánh giá có nhiều dư địa và cơ hội phát triển.

Trong số danh mục các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2023-2025, định hướng đến 2030 của Hải Phòng có 16 dự án phát triển khu công nghiệp (KCN) và 22 cụm công nghiệp.

Trong đó, huyện Tiên Lãng có 3 dự án KCN sử dụng diện tích đất lớn nhất. Đó là, KCN Tiên Lãng 2 quy mô 500-550 ha, KCN sân bay Tiên Lãng có quy mô khoảng 450-550 ha và dự án KCN Tiên Lãng 1 quy mô 407 ha.

Tại huyện Vĩnh Bảo có 3 dự án KCN gồm KCN Vinh Quang (340-350 ha), KCN An Hoà (200 ha), KCN Giang Biên II (350 ha).

Quỹ đất khu công nghiệp nghìn ha ven Hà Nội chờ 'đại bàng'
Bất động sản công nghiệp được đánh giá có nhiều dư địa và cơ hội phát triển. (Ảnh: KTVN)

Huyện Cát Hải có KCN phía Bắc đảo Cát Hải, quy mô 180–200 ha và quận Hải An có KCN Nam Tràng Cát với diện tích 202 ha.

Huyện Thuỷ Nguyên có KCN Thuỷ Nguyên 310-320 ha, KCN Tam Hưng – Ngũ Lão diện tích 150-170 ha.

Tại huyện An Dương có KCN Nomura 2 diện tích 240-245 ha, KCN An Hưng – Đại Bản diện tích 250–255 ha.

Huyện An Lão có KCN Tràng Duệ (giai đoạn 3) quy mô 400 ha, KCN Cầu Cựu 100–110 ha; huyện Kiến Thụy có KCN Ngũ Phúc 250 ha, KCN Tân Trào 200 ha.

Vĩnh Phúc dự kiến trong giai đoạn 2021-2030, tỉnh sẽ phát triển khoảng 23 KCN. Sau năm 2030 sẽ phát triển thêm 4 khu, nâng tổng số các khu công nghiệp của địa phương này lên con số 27. Tổng quỹ đất dự kiến khoảng 6.200-7.000 ha.

Hay tại Hưng Yên, theo báo cáo tổng hợp quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong hồ sơ dự thảo quy hoạch tỉnh để lấy ý kiến góp ý, địa phương này dự kiến đến năm 2030, có 29 KCN với diện tích 9.240 ha và 43 cụm công nghiệp, tổng diện tích 2.191 ha.

Dữ liệu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho thấy, tính đến hết quý I/2023, tỷ lệ lấp đầy các KCN cấp 1 trên cả nước tiếp tục xu hướng tăng, đạt mức trên 80%,

Một số khu công nghiệp tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Dương được lấp đầy gần như hoàn toàn.

Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam đánh giá, bất động sản công nghiệp có nhiều dư địa và cơ hội phát triển cả trong ngắn, trung và dài hạn. Việt Nam đã và đang không ngừng trở thành địa điểm thu hút đầu tư về công nghiệp sản xuất.

Số liệu mới nhất từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, từ đầu năm đến ngày 20/6, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 13,43 tỷ USD, bằng 95,7% so với cùng kỳ.

Trong đó, vốn đăng ký mới đạt hơn 6,49 tỷ USD, tăng 31,3% so với cùng kỳ; vốn điều chỉnh đạt 2,93 tỷ USD, giảm 57,1% so với cùng kỳ. Vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt hơn 4,01 tỷ USD, tăng 76,8% so với cùng kỳ.

“Tổng vốn đầu tư đăng ký tuy vẫn giảm so với cùng kỳ, song mức độ giảm đã thấp hơn so với các tháng trước”, Cục Đầu tư nước ngoài đánh giá.

Bà Phùng Thị Thanh Loan, Quản lý kinh doanh cấp cao của CBRE Việt Nam, cho hay, khu vực phía Bắc đang thu hút các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực công nghệ điện tử. Bà Loan dẫn chứng, hai giao dịch nổi bật nhất đều thuộc lĩnh vực ngành công nghiệp điện tử, nằm ở tỉnh Bắc Giang và Thái Bình với diện tích lần lượt là 50ha và 40ha.

“Xu hướng chuyển dịch sản xuất và chiến lược “Trung Quốc + 1” của nhiều công ty vẫn đang tiếp diễn khiến nhu cầu nhà xưởng tăng trong thời gian tới”, bà Loan đánh giá. Các ưu đãi thuế cho lĩnh vực công nghệ cao cũng là động lực thúc đẩy các công ty ngước ngoài gia nhập thị trường Việt Nam.

Theo lãnh đạo Hội Môi giới, sự sụt giảm của dòng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam, dù không nhiều nhưng vẫn tác động không nhỏ đến tốc độ tăng trưởng của bất động sản công nghiệp.

Do đó, để thu hút thêm dòng vốn FDI vào khu công nghiệp, Việt Nam cần có hệ thống chính sách rõ ràng và đủ mạnh để hỗ trợ các nhà đầu tư. Từ đó, thúc đẩy thị trường bất động sản công nghiệp phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích