Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 4/7/2023

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 4/7/2023

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 4/7/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 4/7/2023 trên Môi trường và Đô thị.

Bắc Bộ hứng mưa lớn từ chiều nay sau chuỗi ngày nắng nóng gay gắt

Những ngày qua, Bắc Bộ đối mặt với nắng nóng vô cùng gay gắt. Từ chiều 4/7 đến sáng 5/7, Bắc Bộ mưa rào và dông, cục bộ mưa vừa, mưa to, vùng núi Bắc Bộ có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 50-100 mm.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đêm qua và sáng sớm nay (4/7), vùng núi Bắc Bộ mưa rào và dông, cục bộ mưa to đến rất to. Lượng mưa tính từ 19h ngày 3/7 đến 3h ngày 4/7 có nơi trên 80 mm như: Chế Là (Hà Giang) 89.4 mm, Đông Lợi (Tuyên Quang) 98.4 mm, Yên Hân (Bắc Kạn) 89.2 mm, Điềm Mặc (Thái Nguyên) 130.8 mm…

tm-img-alt
Ảnh minh họa.

Từ chiều 4/7 đến sáng 5/7, Bắc Bộ mưa rào và dông, cục bộ mưa vừa, mưa to, vùng núi Bắc Bộ mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 50-100 mm, có nơi trên 150 mm.

Mưa dông kèm mưa lớn cục bộ ở vùng núi Bắc Bộ còn kéo dài đến hết 6/7, thời gian mưa tập trung vào tối và đêm.

Đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp; đề phòng mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Thời tiết từ đêm 5/7 đến ngày 13/7, cơ quan khí tượng cho biết, Bắc Bộ lúc chiều tối mưa rào và dông vài nơi, vùng núi đêm mưa rào và dông rải rác, cục bộ mưa vừa, mưa to, ngày nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt.

Trung Bộ chiều tối và đêm mưa rào và dông vài nơi, ngày nắng. Thanh Hóa đến Phú Yên ngày nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt.

Tây Nguyên và Nam Bộ duy trì hình thái thời tiết chiều và đêm mưa rào và dông rải rác, cục bộ mưa vừa, mưa to.

Cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất khu vực miền núi phía Bắc

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ đêm 3/7 đến sáng 5/7/2023, khu vực miền núi phía Bắc có mưa to, có nơi mưa rất to trên 250mm, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.

Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn và nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh miền núi phía Bắc khẩn trương theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền, nhân dân để chủ động phòng tránh.

tm-img-alt
Ảnh minh họa. TL

Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường đưa tin về diễn biến mưa lớn đến các cấp chính quyền và người dân để chủ động phòng tránh.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh miền núi phía Bắc tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Uỷ ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đối thoại với người dân về xây dựng nhà máy xử lý rác

Dự buổi tiếp xúc, đối thoại có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh, đại diện các sở, ngành của tỉnh, lãnh đạo huyện Đông Hưng và gần 200 người dân đại diện cho nhân dân xã Đông Á.

Hội nghị tiếp xúc, đối thoại được kết nối trên loa phát thanh từ trong hội trường ra toàn bộ khuôn viên Nhà văn hóa xã Đông Á và đã nhận được sự theo dõi của đông đảo người dân.

tm-img-alt
Đại diện nhân dân xã Đông Á dự buổi tiếp xúc, đối thoại. Ảnh: Báo Thái Bình

Tại buổi tiếp xúc, đối thoại, đại diện nhân dân 7 thôn của xã Đông Á cơ bản đồng thuận với chủ trương của tỉnh cần xây dựng nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao mới giải quyết triệt để rác thải nông thôn, bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, các ý kiến tập trung vào các nội dung liên quan đến thủ tục, quy trình triển khai dự án, khoảng cách từ dự án đến khu dân cư gần nhất, vấn đề về môi trường, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân…

Đại diện nhân dân xã Đông Á đề nghị tỉnh chỉ đạo tổ chức thanh tra liên ngành toàn diện các vấn đề kinh tế – xã hội đối với cán bộ xã Đông Á, nhất là về vấn đề liên quan đến nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao, nếu có vi phạm phải xử lý theo quy định.

Có ý kiến mong nhân dân xã Đông Á không tiếp tục đi tập trung đông người để đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành giải quyết ý kiến, kiến nghị của nhân dân, nhân dân có quyền theo dõi, giám sát việc giải quyết của tỉnh, của huyện; tỉnh có giải pháp ổn định tình hình địa phương để nhân dân yên tâm phát triển sản xuất, ổn định đời sống. 

Lãnh đạo các sở, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Thanh tra tỉnh đã giải đáp các ý kiến, kiến nghị của nhân dân thuộc thẩm quyền. Đồng thời, đề xuất một số giải pháp giải quyết các vướng mắc liên quan đến ý kiến, kiến nghị của nhân dân xã Đông Á trong thực hiện dự án nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao. 

Phát biểu kết luận buổi tiếp xúc, đối thoại, đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Chủ trương xây dựng nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao, tiên tiến, hiện đại của tỉnh là chủ trương đúng, phù hợp với xu thế hiện nay và phù hợp với điều kiện hiện tại của tỉnh bởi hiện nay tỉnh đang thực hiện xử lý rác thải bằng phương pháp chôn lấp và lò đốt quy mô nhỏ, công nghệ cũ, không hiệu quả.

Nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao sẽ khắc phục được những hạn chế hiện nay, tiết kiệm đất, xử lý triệt để rác thải, biến rác thành nguồn năng lượng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Vì vậy, tỉnh xác định đây là việc phải làm kiên quyết, kiên trì, quyết liệt, có sự đồng thuận của nhân dân trong triển khai thực hiện dự án.

Việc tỉnh lựa chọn xây dựng nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao tại xã Đông Á là dựa trên quy hoạch vùng của huyện Đông Hưng, quy hoạch điều chỉnh xây dựng nông thôn mới của xã Đông Á và có sự đồng thuận từ cơ sở lên đến cấp trên. Tỉnh chủ trương đầu tư kinh phí triển khai xây dựng đường vào nhà máy và giải phóng mặt bằng để thu hút nhà đầu tư.

Đến nay, tỉnh chưa chấp thuận cho bất kỳ nhà đầu tư nào vào nghiên cứu dự án; nếu triển khai xây dựng cũng chỉ xử lý rác thải cho huyện Đông Hưng và một số địa phương lân cận. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện đường vào nhà máy, nhân dân xã Đông Á có một số ý kiến liên quan đến quy trình, thủ tục thực hiện dự án, vấn đề về khoảng cách dự án đối với khu dân cư, vấn đề ô nhiễm nguồn nước, hướng gió… 

Đối với những ý kiến này, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Việc triển khai dự án là hoàn toàn đủ căn cứ và dự án đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về khoảng cách, về bảo vệ môi trường và các yếu tố liên quan khác. Dự án chỉ có thể được triển khai thực hiện trên cơ sở bảo đảm tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật và được sự đồng thuận của nhân dân. Đồng chí cũng giải đáp, làm rõ thêm một số vấn đề trong nội dung kiến nghị, tố cáo của nhân dân. 

Thừa Thiên-Huế đưa vào đấu giá khai thác 4 mỏ đất

Theo đó, có 4 khu vực mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh được đấu giá quyền khai thác khoáng sản trong đợt này.

Trong đó, có 2 mỏ đất làm vật liệu san lấp và 2 mỏ đất sét làm gạch ngói. Cả 2 mỏ này đều chưa có kết quả thăm dò khoáng sản nhưng đã có tài nguyên dự báo.

z4481724220260_e0b315af15fd431a769115f38bccbd60.jpg
Thừa Thiên – Huế đưa vào đấu giá khai thác 4 mỏ đất. Ảnh minh họa: Văn Dinh

Hai mỏ đất làm vật liệu san lấp chưa thăm dò khoáng sản gồm: Mỏ đất tại khu vực thôn Hiền Sỹ (xã Phong Sơn, huyện Phong Điền) với diện tích 19,18 ha, tài nguyên dự báo là 2.000.000 m3, giá khởi điểm 1.786.779.000 đồng; mỏ đất tại khu vực xã Lộc Bình (huyện Phú Lộc) với diện tích 7,34 ha, tài nguyên dự báo là 1.000.000 m3, giá khởi điểm 893.389.000 đồng.

Hai mỏ đất sét làm gạch ngói gồm: Mỏ tại khu vực 1 Mỏ đất sét 2 (xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy với diện tích 15,3ha, tài nguyên dự báo là 500.000m3, giá khởi điểm 3.453.975.000 đồng; Mỏ tại khu vực 2 Mỏ đất sét 2 (xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy) với diện tích 14,7 ha, tài nguyên dự báo là 400.000 m3, giá khởi điểm là 3.763.180.000 đồng.

Theo phương án phê duyệt thì 4 khu vực mỏ này chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

Sau khi trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản và được UBND tỉnh cấp phép hoạt động khoáng sản thì tổ chức, cá nhân trúng đấu giá có trách nhiệm thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản trên đất và hoàn thiện hồ sơ thuê đất theo quy định của pháp luật.

TP.HCM: Ra mắt Chi hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường NTTU

Tham dự buổi lễ có ông Đặng Văn Khoa – UV TW Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường TP.HCM (HANE); Ông Nguyễn Toàn Thắng – Phó Chủ tịch kiêm Chánh văn phòng Hội; Ông Huỳnh Tấn Đạt – Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban Môi trường và các thành viên trong Ban chấp hành Hội, các hội viên và doanh nghiệp.

Về phía Trường có GS.TSKH. Vũ Quang Mạnh, Trưởng khoa Kỹ thuật Thực phẩm và Môi trường (KTTPMT); TS. Võ Thị Diệu Hiền, Phó Trưởng khoa KTTPMT; TS. Nguyễn Thị Vân Linh, Phó Trưởng khoa; TS. Nguyễn Vũ Lân, Phó Trưởng phòng Quan hệ Quốc tế cùng các thầy cô Trưởng Bộ môn, giảng viên, nhân viên của Khoa và các em sinh viên từ 3 ngành của Khoa gồm Công nghệ thực phẩm, Công nghệ kỹ thuật Hóa học, Quản lý Tài nguyên và Môi trường.

Với tôn chỉ “Thực học – Thực hành – Thực danh – Thực nghiệp”, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (NTTU) luôn đề cao sự gắn kết chặt chẽ, xây dựng mối quan hệ bền vững với các doanh nghiệp/cơ quan, cùng nhau hướng đến nguồn nhân lực trẻ và có chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong nước, quốc tế và sẵn sàng hoạt động xã hội phục vụ cộng đồng; Tiếp tục huy động các nguồn lực cộng đồng cùng tham gia hoạt động xã hội, có ý thức, trách nhiệm cao với bảo vệ thiên nhiên và môi trường, đặc biệt là đối với các thế hệ sinh viên ở các các trường Cao đẳng, Đại học. Hai bên đã phối hợp thành lập Chi hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường – Khoa Kỹ thuật Thực phẩm và Môi trường, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành.

tm-img-alt
Trao Quyết định thành lập Chi hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường – Khoa Kỹ thuật Thực phẩm và Môi trường NTTU.

Hoạt động của Chi hội sẽ tạo môi trường cho các nhóm sinh viên, thanh niên tích cực tham gia hoạt động xã hội, có ý thức, trách nhiệm với thiên nhiên và môi trường; đồng thời phát huy năng lực và thế mạnh sẵn có của Khoa để từ đó góp phần nâng cao hiệu quả các hoạt động học tập, kinh nghiệp thực tế, kết nối giữa các đơn vị trong và ngoài trường.

Đây cũng là Chi hội thứ 3 của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường TP.HCM được thành lập tại các Trường đại học, Cao đẳng.

Cũng trong buổi Lễ, đại diện hai đơn vị đã ký ghi nhớ hợp tác nhằm phát huy năng lực và thế mạnh sẵn có của mỗi bên về cơ sở vật chất, con người, chuyên môn, tạo môi trường cho các nhóm sinh viên tham quan các doanh nghiệp, nhà máy, Khu công nghiệp để tìm hiểu về công nghệ xử lý nước thải, rác thải, tham gia hoạt động xã hội…, góp phần thay đổi tích cực, tác động đến hành vi và ý thức bảo vệ môi trường của sinh viên.

An Giang ra mắt mô hình “Phụ nữ tham gia quản lý rác thải sinh hoạt”

Ngày 4/7, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh An Giang phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Châu Thành triển khai và ra mắt mô hình ‘Phụ nữ tham gia quản lý rác thải sinh hoạt’, tại xã Tân Phú (huyện Châu Thành).

tm-img-alt

Ra mắt mô hình “Phụ nữ tham gia quản lý rác thải sinh hoạt”

Tại lễ ra mắt, các hội viên, phụ nữ đã được tuyên truyền về rác thải, tác hại của rác thải đối với môi trường và sức khỏe con người; biện pháp để giảm sử dụng túi ny-lon, các sản phẩm làm từ đồ nhựa, giảm lượng rác thải ra môi trường.

Mô hình “Phụ nữ tham gia quản lý rác thải sinh hoạt” tại xã Tân Phú được thành lập với 30 thành viên là hội viên, phụ nữ tham gia.

Các thành viên sẽ tích cực tuyên truyền vận động người thân, nhân dân nâng cao nhận thức và hành động, cùng chung tay thực hiện việc quản lý rác thải sinh hoạt, góp phần bảo vệ môi trường, đưa xã Tân Phú đạt tiêu chí môi trường trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới…

Sóc Trăng: Chủ động phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường

Hàng năm, ngoài việc phát động các phong trào bảo vệ môi trường (BVMT) để hưởng ứng các sự kiện như: Ngày Môi trường thế giới, Ngày Đại dương thế giới, Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn, tỉnh Sóc Trăng luôn chủ động phòng ngừa, kiểm soát chặt chẽ ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh.

Thời gian qua, nhằm đáp ứng được các yêu cầu trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực BVMT, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội, tỉnh Sóc Trăng đã phê duyệt chương trình quan trắc chất lượng môi trường giai đoạn 2021 – 2025; lập báo cáo chuyên đề về hiện trạng môi trường nước mặt, môi trường đô thị, các chợ và môi trường trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, vùng nuôi tôm thâm canh; quy hoạch các khu tập trung xử lý chất thải rắn tập trung trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Cùng với đó, tỉnh Sóc Trăng đã tập trung đầu tư xây dựng các mạng lưới quan trắc môi trường nước, không khí để thu thập và cung cấp thông tin, số liệu điều tra cơ bản về môi trường, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn phục vụ cho công tác bảo vệ, xử lý, khắc phục, dự báo, cảnh báo ô nhiễm môi trường, đáp ứng nhu cầu về phát triển kinh tế – xã hội, hướng đến mục tiêu phát triển xanh, bền vững của tỉnh.

a2.-quan-tam-kiem-tra-gaim-sat.jpg
Tỉnh Sóc Trăng luôn quan tâm kiểm tra, giám sát công tác BVMT tại các dự án trên địa bàn tỉnh.

Tính đến đầu năm 2023, tỉnh Sóc Trăng đã hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành 5 trạm quan trắc tự động về không khí và nước mặt. Thông qua kết quả quan trắc định kỳ hàng tuần, hàng tháng, tỉnh Sóc Trăng cũng đã kịp thời cung cấp diễn biến chất lượng các thành phần môi trường trên địa bàn, qua đó giúp các ngành và địa phương chủ động đề ra những biện pháp bảo vệ, khắc phục ô nhiễm môi trường.

Hiện nay, tỉnh Sóc Trăng đã đầu tư và đưa vào vận hành nhà máy xử lý rác thải tập trung với công suất 160 tấn/ngày để xử lý khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày của TP. Sóc Trăng và các huyện: Mỹ Tú, Mỹ Xuyên. Lượng rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày ở các huyện, thị xã còn lại được thu gom và xử lý tại 36 bãi xử lý rác tập trung, đảm bảo các yêu cầu theo quy định hiện hành.

Riêng đối với chất thải y tế, chất thải từ bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng phát sinh trên địa bàn tỉnh, các cơ quan, đơn vị chức năng của tỉnh Sóc Trăng đã tập trung công tác thu gom, vận chuyển và xử lý bằng các phương pháp lò đốt, hiếu khí và lọc sinh học; đồng thời, hợp đồng với các đơn vị có chức năng để thu gom, vận chuyển và xử lý đúng theo các quy định của pháp luật về BVMT.

Ông Phạm Văn Tùng – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Sóc Trăng cho biết: Cùng với việc tập trung xử lý rác thải sinh hoạt, chất thải y tế, bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, tỉnh Sóc Trăng còn quan tâm đến việc kiểm soát, xử lý lượng nước thải phát sinh tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị…

Đồng thời, Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng đã thường xuyên theo dõi, kiểm tra chặt chẽ các cơ sở sản xuất có nguồn xả thải lớn; đôn đốc, nhắc nhở các cơ sở sản xuất kinh doanh có lưu lượng xả thải từ 1.000m3/ngày đêm trở lên phải lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động, liên tục và truyền số liệu về Sở TN&MT theo quy định.

Theo Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng, tính đến tháng 5/2023, phần lớn các cơ sở có lưu lượng xả thải từ 1.000m3/ngày đêm trên địa bàn tỉnh đã đầu tư lắp đặt trạm quan trắc tự động liên tục về nước thải, khí thải, qua đó góp phần giúp công tác quản lý, giám sát chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn.

Để góp phần nâng cao hiệu quả trong việc phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường, Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định pháp luật về BVMT tại các dự án, các cơ sở kinh doanh dịch vụ… Thông qua công tác thanh, kiểm tra, Sở TN&MT cũng đã kịp thời nhắc nhở và xử lý nghiêm các trường hợp có hành vi vi phạm pháp luật về BVMT.

BTV

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích