Vì biến đổi khí hậu, châu Âu sẽ nới lỏng quy định với cây trồng biến đổi gen
Vì biến đổi khí hậu, châu Âu sẽ nới lỏng quy định với cây trồng biến đổi gen
Vào tháng 7/2023, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ đề xuất cho phép nới lỏng các quy định đối với thực vật được chọn tạo thông qua kỹ thuật gen mới.
Với sự phát triển của khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, cây trồng biến đổi gen đã được biết đến lần đầu tiên từ năm 1982. Từ đó đến nay, diện tích cây trồng biến đổi gen trên toàn cầu tăng đáng kể. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng quan ngại những rủi ro mà cây trồng biến đổi gen có thể gây ra đối với sức khoẻ con người, động vật và hệ sinh thái. Nhiều quốc gia đã áp dụng các quy định nhằm siết chặt, kiểm soát cây trồng biến đổi gen.
Tuy nhiên tình trạng biến đổi khí hậu dường như đang làm thay đổi tư duy của các nhà làm chính sách. Biến đổi khí hậu đang làm ảnh hưởng tới sức chống chịu và năng suất của cây trồng trên toàn thế giới. Thực tế đã chứng minh các giống cây trồng được sản xuất bằng kỹ thuật chỉnh sửa gen có khả năng chống chịu tốt hơn với hạn hán, sâu bệnh… nên có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt trước những điều kiện bất lợi của khí hậu so với cây trồng thông thường.
Vào tháng 7/2023, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ đề xuất cho phép nới lỏng các quy định đối với thực vật được chọn tạo thông qua kỹ thuật gen mới. Một số ý kiến cho rằng, những kỹ thuật này là biến đổi gen kiểu mới, tuy nhiên trên thực tế, đây là sự kết hợp của các công cụ chỉnh sửa gen làm thay đổi cấu trúc di truyền của thực vật mà không cần sử dụng thêm các gen ngoại lai – điểm khác biệt với các sinh vật chuyển gen thông thường có chứa DNA từ các loài khác.
EC cho biết, các quy định hiện hành áp dụng cho sinh vật biến đổi gen, bao gồm việc cấp phép và ghi nhãn là “không phù hợp” để áp dụng cho các sản phẩm chỉnh sửa gen theo công nghệ mới.
Phát biểu tại cuộc họp của các bộ trưởng nông nghiệp các quốc gia thành viên EU vào tháng 09/2022, ông Luis Planas – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Tây Ban Nha ca ngợi các kỹ thuật này như một “công cụ tuyệt vời để tạo ra hạt giống cần ít nước và phân bón hơn, đồng thời có khả năng chống chịu với khí hậu tốt hơn”. Bản thân ông Luis Planas cũng đã tham gia câu lạc bộ những người ủng hộ chỉnh sửa gen.
Một số quốc gia chịu thiệt hại lớn về nông nghiệp do biến đổi khí hậu như Pháp, Ý, Đức hay Tây Ban Nha cũng ủng hộ việc thay đổi các quy tắc này. Trong đó, Pháp và Ý cũng có những bước tiến đáng kể trong khi chờ đợi bộ luật mới của EU.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị