Xây dựng mô hình sản xuất lúa chất lượng theo chuỗi giá trị hàng hóa tại Thanh Hóa

1111111111111111111
Các hộ nông dân tham gia mô hình được Nhà nước hỗ trợ 50% giống lúa J02, được tham gia tập huấn kỹ thuật, cấp bao bì đóng gói để thuận tiện cho bao tiêu

Lúa gạo là ngành sản xuất truyền thống và quan trọng của Việt Nam, tạo ra sinh kế cho hàng chục triệu nông dân trên cả nước. Những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu lớn trong sản xuất lúa gạo, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và hiện vẫn giữ vững vị trí là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới với kim ngạch xuất khẩu không ngừng tăng cao.

Mục tiêu của dự án Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất lúa chất lượng theo chuỗi giá trị hàng hóa tại một số tỉnh Bắc Trung Bộ” năm 2023 là đưa giống lúa J02 vào thực tế sản xuất; áp gói kỹ thuật cơ giới hóa đồng bộ khép kín bao gồm: cơ giới hóa khâu làm đất, mạ khay máy cấy, phun thuốc bằng máy bay, cơ giới hóa khâu thu hoạch, tạo thành chuỗi liên kết trong sản xuất phục vụ nội tiêu và xuất khẩu.

Tại Thanh Hóa, dự án được triển khai tại 4 huyện, gồm xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa), xã Trường Xuân (Thọ Xuân), xã Vĩnh Yên (Vĩnh Lộc) và xã Định Tiến (Yên Định) với quy mô 80 ha và 262 hộ tham gia.

Các hộ tham gia mô hình được Nhà nước hỗ trợ 50% giống lúa J02, được tham gia tập huấn kỹ thuật, cấp bao bì đóng gói để thuận tiện cho bao tiêu. Các điểm được lựa chọn là những địa phương có điều kiện đất đai, đồng ruộng phù hợp, thuận lợi tưới tiêu…

Qua 5 tháng triển khai, dự án đã thực hiện xây dựng được 80 ha lúa J02 (20 ha/điểm). Đánh giá cho thấy giống J02 rất phù hợp với đồng đất địa phương, có khả năng chống chịu với điều kiện ngoại cảnh và sâu bệnh. Mặt khác, thông qua mô hình đã hình thành được liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm đầu ra giúp nông dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, tạo chuỗi sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao hơn.

Tại các điểm thực hiện mô hình, lúa J02 được đánh giá đạt hiệu quả kinh tế rõ rệt, năng suất trung bình đạt trên 65 tạ/ha, hiệu quả kinh tế tăng 25 – 30%, lãi tăng hơn so với ngoài mô hình trên 8 triệu đồng/ha. Toàn bộ sản phẩm đã tổ chức thu mua. Mô hình đã giúp nông dân chuyển đổi tư duy từ sản xuất lúa truyền thống manh mún, sang sản xuất tập trung quy mô lớn, thâm canh cùng một loại giống, ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học – kỹ thuật và công nghệ.

Ghi nhận tại vụ xuân năm 2023 trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc, toàn huyện gieo cấy hơn 4.790 ha lúa. Trong đó, có 20 ha tại xã Vĩnh Yên thuộc mô hình “Sản xuất lúa chất lượng J02 theo chuỗi giá trị hàng hóa tại một số tỉnh Bắc Trung Bộ”. Đây là mô hình được thực hiện hoàn toàn bằng cơ giới hóa (từ khi cấy, bơm thuốc trừ sâu đến khi gặt).

Đến nay, mô hình đang chuẩn bị cho thu hoạch, dự kiến năng suất trung bình ước đạt 80 đến 85 tạ/1ha. Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông huyện, (giống lúa j02 có nhiều đặc điểm nông học tốt, đẻ nhánh khoẻ, cứng cây, chịu thâm canh, thích ứng rộng, chống chịu tốt các loại sâu bệnh như: Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, bệnh khô vằn… các hạt trên bông lúa mẩy, đều, tỷ lệ hạt chắc cao, thời gian sinh trưởng ngắn từ 90 đến 95 ngày, chất lượng hạt gạo trong, cơm trắng. 

Thông qua sản xuất cánh đồng mẫu, bước đầu nhiều vùng nông dân đã tiếp cận được quy trình kỹ thuật mới, thâm canh cao). Trong các vụ tiếp theo, huyện Vĩnh Lộc sẽ tiếp tục nghiên cứu, triển khai nhân rộng mô hình sản xuất lúa J02 chất lượng theo chuỗi giá trị hàng hóa, nhằm thay thế dần các giống lúa chất lượng thấp ở địa phương, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người nông dân.  

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích