Bắc Ninh đẩy mạnh thực hiện Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc
Truy xuất nguồn gốc (TXNG) sản phẩm đang là vấn đề được người tiêu dùng và toàn xã hội quan tâm, từng bước trở thành công cụ đắc lực góp phần quản lý chất lượng sản phẩm hiệu quả, bảo vệ người tiêu dùng.
Với mục tiêu xây dựng Hệ thống quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hoá của tỉnh Bắc Ninh bảo đảm công khai, minh bạch các thông tin truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, hàng hóa của tỉnh đặc biệt là các sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các sản phẩm, hàng hóa mang chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận của địa phương; đồng thời hỗ trợ, khuyến khích tổ chức, cá nhân chủ động áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm, hàng hóa trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao vị thế các tổ chức, cá nhân của tỉnh trên thị trường trong nước và quốc tế; ngày 22/7/2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 487/KH-UBND về việc thực hiện “Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Bắc Ninh đẩy mạnh thực hiện Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc. Ảnh minh họa
Kế hoạch đặt ra mục tiêu, năm 2021, xây dựng và phê duyệt ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 100/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh; hoàn thiện “Hệ thống thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc và kết nối cung cầu hàng hóa tỉnh Bắc Ninh”; thiết lập cơ sở dữ liệu theo phân cấp quản lý, mô hình cơ sở dữ liệu bảo đảm tính đa dạng các chủng loại hàng hóa được đưa vào hệ thống đăng ký và truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ kết nối cung cầu, thương mại điện tử; tổ chức các hội nghị, hội thảo, tuyên truyền, phổ biến và đào tạo hướng dẫn áp dụng về truy xuất nguồn gốc với sự tham gia của các ngành, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn…
Mục tiêu đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, giải pháp kỹ thuật cần thiết cho việc hoàn thiện và vận hành “Hệ thống thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc, kết nối cung cầu hàng hóa tỉnh Bắc Ninh” bảo đảm khả năng sẵn sàng tương tác, trao đổi, kết nối dữ liệu truy xuất với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia. Phê duyệt danh mục sản phẩm, nhóm sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chủ lực trọng điểm, các sản phẩm thuộc chương trình OCOP cần ưu tiên triển khai quản lý hoạt động truy xuất nguồn gốc tại địa phương giai đoạn 2022-2025.
Liên tục lựa chọn ít nhất 30 sản phẩm nông nghiệp, làng nghề của tỉnh đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ. Các sản phẩm thuộc chương trình OCOP và các sản phẩm có nhu cầu sử dụng truy xuất nguồn gốc tham gia vào Hệ thống thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc, kết nối cung cầu hàng hóa tỉnh Bắc Ninh và tiến hành hỗ trợ ban đầu về hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Đồng thời nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất,… ở địa phương tham gia vào hoạt động sử dụng mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa. Lựa chọn triển khai từ 1 đến 2 mô hình điểm về truy xuất nguồn gốc trong danh mục sản phẩm trọng điểm ưu tiên của tỉnh, để từ đó rút kinh nghiệm và nhân rộng trong toàn tỉnh.
Theo đó, Kế hoạch triển khai các nhiệm vụ trọng tâm đó là tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân về các hoạt động truy xuất nguồn gốc; xây dựng và phát triển hạ tầng kỹ thuật cần thiết cho hệ thống truy xuất nguồn gốc của tỉnh; xây dựng danh mục sản phẩm, nhóm sản phẩm trọng điểm ưu tiên triển khai truy xuất nguồn gốc tại địa phương; tăng cường năng lực quản lý nhà nước về truy xuất nguồn gốc; xây dựng chính sách khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường hợp tác quốc tế về truy xuất nguồn gốc.
Bên cạnh đó, Sở còn phối hợp với nhà cung cấp giải pháp kỹ thuật hoàn thiện được Cổng thông tin điện tử TXNG, kết nối cung cầu sản phẩm và hình thành cơ sở dữ liệu về sản phẩm, doanh nghiệp, cung cầu hàng hóa trên địa bàn tỉnh.
Mô đun của Cổng được thiết kế đơn giản, dễ sử dụng, hình ảnh sản phẩm gắn với mã quét QR chứa thông tin cụ thể: tên sản phẩm, doanh nghiệp cung cấp, địa chỉ, số điện thoại, ngày sản xuất… cho phép mua sắm trực tuyến. Theo đó 13 cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thành phố được thiết lập tài khoản và hướng dẫn về quản lý, sử dụng Cổng thông tin này.
Đến nay, các đơn vị cập nhật, đăng tải thông tin thực hiện TXNG lên Cổng cho 95 sản phẩm OCOP của 75 doanh nghiệp, HTX và các hộ sản xuất kinh doanh.
Một số sản phẩm tiêu biểu được giới thiệu như trứng gà, vịt; tảo, đông trùng hạ thảo; tỏi đen một nhánh; Mắm tép chưng thịt , Nem, Dưa lưới… Nhiều nội dung gắn với TXNG được thực hiện bài bản đối với nhóm 11 sản phẩm nông nghiệp, làng nghề thuộc Đề án xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm thuộc Chương trình OCOP của tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Ngoài ra, Sở Khoa học và Công nghệ cũng ban hành sổ tay hướng dẫn TXNG sản phẩm, hàng hóa Bắc Ninh; tuyên truyền, quảng bá để từng bước thay đổi, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về nội dung này.
Qua đánh giá, Đề án triển khai áp dụng và quản lý hệ thống TXNG tại địa phương tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kết nối Cổng thông tin TXNG sản phẩm, hàng hóa của tỉnh; giúp nâng cao ý thức trong việc chấp hành pháp luật và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; nâng cao năng lực cạnh tranh bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa trên thị trường.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa của TXNG, thói quen làm việc chưa tuân thủ quy trình, ngại ghi chép. Một số doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp nhiều khó khăn trong việc nghiên cứu, xây dựng, triển khai hệ thống TXNG cho từng sản phẩm, nhóm sản phẩm cụ thể. Đối với các hộ cá thể, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ vì không có đăng ký sản xuất kinh doanh nên không thể cấp mã số, mã vạch, tem TXNG theo quy định.
Theo ông Nguyễn Văn Đông, Trưởng phòng Quản lý Chuyên ngành (Sở Khoa học và Công nghệ), giai đoạn đến năm 2025, Sở khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ để đi đúng lộ trình Đề án về TXNG; duy trì có hiệu quả “Hệ thống thông tin điện tử TXNG và kết nối cung cầu hàng hóa tỉnh Bắc Ninh” cho các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu điển hình thuộc lĩnh vực nông lâm sản, thực phẩm.
Thực hiện mở rộng các chức năng trên hệ thống quản lý thông tin TXNG của địa phương, mở rộng các chức năng thương mại điện tử, kết nối cung cầu sản phẩm. Hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, tổ chức, cá nhân đăng ký sử dụng mã số, mã vạch, mã QR-Code trong TXNG sản phẩm, hàng hóa và kết nối đồng bộ với Cổng thông tin điện tử TXNG, kết nối cung cầu hàng hóa trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Mục tiêu lựa chọn triển khai 1 đến 2 mô hình điểm để áp dụng và quản lý hệ thống TXNG trong danh mục sản phẩm trọng điểm ưu tiên của tỉnh. Hình thành chuỗi một số cửa hàng điểm giới thiệu quảng bá, kết nối từ trang trại, nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng. Đưa 100% sản phẩm nông nghiệp, làng nghề được bảo hộ sở hữu trí tuệ và các sản phẩm thuộc chương trình OCOP của tỉnh có mã số, mã vạch kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm quốc gia. Để từ việc chuẩn hóa áp dụng TXNG, công tác quản lý nhà nước về hàng hóa, sản phẩm ngày càng chặt chẽ, tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng và mở ra cơ hội lớn hơn cho hàng hóa tới thị trường quốc tế.
Thông tư số 25/2019/TT-BYT quy định việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế mới ban hành. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 16/10/2019. Theo đó, Thông tư này quy định nguyên tắc, trường hợp truy xuất nguồn gốc và trách nhiệm thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với thực phẩm, các vi chất bổ sung vào thực phẩm, phụ gia, hương liệu, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Thông tư áp dụng đối với tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thực phẩm; các cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có hoạt động liên quan đến bảo đảm an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế tại Việt Nam. Theo quy định tại Thông tư này, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm được thực hiện theo nguyên tắc một bước trước – một bước sau, bảo đảm theo dõi và nhận diện được công đoạn sản xuất trước và công đoạn sản xuất sau trong cơ sở sản xuất; cơ sở sản xuất, kinh doanh trước và cơ sở sản xuất, kinh doanh sau đã sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm. Việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm được thực hiện theo lô sản xuất đối với sản phẩm thực phẩm cần truy xuất. Khi thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn, cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm sử dụng thông tin được trích xuất từ hệ thống dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm do cơ sở thiết lập theo quy định tại các Điều 4 và Điều 5 của Thông tư này và các nguồn thông tin khác có liên quan. Việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm được thực hiện theo lô sản xuất đối với sản phẩm thực phẩm cần truy xuất. Liên quan đến việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, Thông tư quy định các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm phải: Lập hệ thống dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm, lưu giữ đầy đủ thông tin về lô sản phẩm, nguồn gốc, xuất xứ, an toàn sản phẩm, nguyên liệu, quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản và kinh doanh. Lưu trữ và duy trì hệ thống dữ liệu thông tin này tối thiểu là 12 tháng kể từ ngày hết hạn sử dụng của lô sản phẩm, 24 tháng kể từ ngày sản xuất lô sản phẩm đối với dụng cụ, vật liệu chứa đựng, tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm và sản phẩm thực phẩm không yêu cầu bắt buộc ghi hạn sử dụng. Truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo quy định và báo cáo bằng văn bản kết quả thực hiện về cơ quan có thẩm quyền tối đa 05 ngày làm việc kể từ khi tự phát hiện hoặc nhận được thông tin cảnh báo của tổ chức, cá nhân hoặc yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Phân tích, xác định nguyên nhân gây mất an toàn đối với lô sản phẩm phải truy xuất. Trường hợp sản phẩm không đảm bảo an toàn phải thu hồi và xử lý. Áp dụng hệ thống dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo mã nhận diện khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Sở Y tế, cơ quan có thẩm quyền về an toàn thực phẩm các tỉnh, thành có trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn triển khai, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Thông tư này tại địa phương theo thẩm quyền phân cấp quản lý. |
An Dương