Bảo vệ thương hiệu trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ
Hiện nay, tình trạng hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại đang ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp. Đây cũng là một trong những hình thức gian lận thương mại rất phổ biến tại Việt Nam. Vấn nạn này, ngoài ảnh trực tiếp tới nền kinh tế, quyền lợi của người tiêu dùng mà còn gây tác động tới giá trị thương hiệu của các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Trước thực trạng đó, sáng 30/6, Tạp chí Công Thương đã tổ chức tọa đàm với chủ đề: “Bảo vệ thương hiệu trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ”. Tọa đàm nhằm trao đổi về thực trạng và giải pháp giúp tăng cường bảo vệ thương hiệu trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ ngày càng diễn biến tinh vi, phức tạp.
Tham dự tọa đàm có sự tham gia của các khách mời: ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương); luật sư Nguyễn Tiến Lập, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam; bà Bùi Thị Thu Hiền, Đại diện Bộ phận Pháp lý, Công ty TNHH URC Việt Nam.
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Trần Hữu Linh cho biết: sau hai năm 2021 và 2022 dịch Covid đi qua, trong vòng một năm trở lại đây, cụ thể từ giữa 2022 khi dịch covid có dấu hiệu dừng hẳn, vấn đề liên quan đến hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bắt đầu sôi động trở lại,. Thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường lực lượng quản lý thị trường chúng tôi thấy rằng sự nhức nhối của hàng giả, hàng nhái xâm phạm quyền trí tuệ đang ngày càng phức tạp và tinh vi.
Sự tinh vi ấy được thể hiện qua 3 khía cạnh:
+ Thứ nhất là các vấn đề về thương hiệu và nhãn hiệu của sản phẩm;
+ Thứ hai là chủng loại sản phẩm bị làm giả, làm nhái và xâm phạm quyền;
+ Thứ ba là phương thức kinh doanh sản phẩm hàng giả, hàng nhái.
“4.712 hành vi vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng vi phạm về sở hữu trí tuệ và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ” và “xử phạt vi phạm hành chính trên 43,3 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm trên 45,5 tỷ đồng” là những số liệu liên quan tới hành vi làm hàng giả, hàng nhái và vi phạm sở hữu trí tuệ trong 4 tháng đầu năm 2023 được Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh nhấn mạnh tại tọa đàm.
Từ cuối năm 2021, khi đường biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc được xây dựng hàng rào, các đối tượng vận chuyển buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có xu hướng chuyển dần sang đường chính ngạch; trong đó, các đối tượng lợi dụng chính sách xuất, nhập khẩu. Chẳng hạn như khai báo không hết, khai báo không đúng, lợi dụng kiểm tra ngẫu nhiên hàng hóa để đưa hàng nhập lậu, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vào thị trường Việt Nam.
Với lợi nhuận lớn, thay vì bỏ tiền đầu tư phát triển thương hiệu, xây dựng sản phẩm chất lượng, uy tín, các đối tượng sản xuất, làm nhái các sản phẩm, thương hiệu có sẵn trên thị trường đã được người tiêu dùng biết đến và ưa chuộng.
Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh khẳng định, xử lý những vụ việc liên quan đến hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ rất phức tạp, nhất là những vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, xâm phạm vấn đề liên quan đến bản quyền tác giả, sở hữu công nghiệp bởi vì gặp phải những vấn đề liên quan đến về mặt pháp luật.
Đặc biệt, bây giờ đối tượng làm hàng giả rất tinh vi, người ta cũng nghiên cứu pháp luật rất kỹ để luồn lách cơ quan nhà nước, cơ quan thực thi. Rất nhiều những sản phẩm hàng giả họ làm giống, gần giống hàng thật và cũng đăng ký bản quyền. Với những vụ việc đấy, để xử lý những tranh chấp rất mất nhiều thời gian, thậm chí nhiều khi lực lượng như chúng tôi còn bị các đối tượng đấy kiện ngược lại.
Việc doanh nghiệp, người tiêu dùng còn e ngại, không phối hợp với các lực lượng chức năng; chế tài tương đối đầy đủ nhưng ở một số nội dung cụ thể còn chưa đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm, nhất là về xử lý hình sự cũng là vấn đề khó khăn. Cụ thể:
Một là thời gian, quá trình phối hợp với các cơ quan chức năng để cho ý kiến cũng như có những phối hợp để xác minh tính chính xác của hàng hóa, chất lượng, tiêu chuẩn, đo lường hàng hóa tương đối lâu.
Thứ hai, bản thân về phía doanh nghiệp, người tiêu dùng nhiều khi còn tâm lý e ngại, không phối hợp với các lực lượng chức năng, ngay cả các chủ thể quyền của các nhãn hiệu khi mà lực lượng như chúng tôi đi kiểm tra, thu giữ sản phẩm thì e ngại, tránh né, không hợp tác. Bởi vì có thể nghĩ rằng tâm lý sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu của mình, cho nên đấy cũng là những ảnh hưởng.
Thứ ba, về chế tài xử phạt, mặc dù chế tài bây giờ cũng đã tương đối đầy đủ nhưng ở những nội dung cụ thể thì còn chưa đủ sức răn đe, đặc biệt là việc xử lý hình sự. Bởi vì hàng giả, nhất là hàng làm giả những mặt hàng ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân rất nguy hiểm cần phải xử lý. Những chế tài rất cao, thậm chí phải hình sự tuy nhiên tôi thấy rằng sức răn đe của pháp luật hiện nay, kết quả xử lý những đối tượng vi phạm dường như vẫn chưa đủ sức nặng để cho những đối tượng vẫn đang sản xuất, bán hàng giả chùn bước.
Doanh nghiệp muốn bảo vệ thương hiệu thì phải chủ động
Với tư cách là một luật sư, một chuyên gia về pháp luật, luật sư Nguyễn Tiến Lập cho biết: vấn đề thực thi ở Việt Nam chúng ta gặp rất nhiều khó khăn. Theo tôi, các cơ quan chức năng không thể phình bộ máy to mãi được, chưa nói tính chuyên nghiệp và các công cụ hỗ trợ. Như vậy, làm thế nào để giải quyết được vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ nếu mà chúng ta cứ chỉ trông cậy vào các văn bản pháp luật mà các văn bản pháp luật tôi nghĩ rằng khá hoàn chỉnh.
So với các nước, chúng ta không thiếu văn bản gì như: Luật Sở hữu công nghiệp, Luật Thương mại, Luật Chống cạnh tranh, cùng các luật chuyên ngành khác quản lý từ lĩnh vực từ dược phẩm, phân bón… tất cả chúng ta đều có. Nếu nhìn vào Luật Hình sự, tức là những hình thức chế tài xử phạt cao nhất tôi thấy rằng các hình phạt hình sự ở Việt Nam khá nặng so với các nước.
Chúng ta đã có những thiết chế rồi nhưng quan trọng nhất là thức tỉnh nhận thức, nâng cao nhận thức và trước hết là bắt đầu từ việc doanh nghiệp muốn bảo vệ thương hiệu bằng việc chính doanh nghiệp phải chủ động chứ không phải đợi cơ quan chức năng. Doanh nghiệp cần phải có những hành động kịp thời cảnh báo cho người tiêu dùng, đồng thời cũng có những biện pháp bảo vệ thương hiệu, ngăn chặn và xử lý hành vi làm hàng giả, hàng nhái để bảo vệ người tiêu dùng, cũng như bảo vệ thương hiệu của mình.
Từ góc độ doanh nghiệp, bà Bùi Thị Thu Hiền, Đại diện Bộ phận Pháp lý, Công ty TNHH URC Việt Nam cho biết, là một doanh nghiệp sản xuất trực tiếp những sản phẩm gắn với sức khỏe của người tiêu dùng, URC đã thực hiện nhiều hành động nhằm bảo vệ thương hiệu và phòng chống tình trạng hàng nhái, hàng giả. Đặc biệt, URC luôn chủ động khuyến khích người tiêu dùng kiểm tra các logo, các nhãn sản phẩm cũng như tem sản phẩm. Đối với thương hiệu, URC luôn có những đặc điểm phân biệt rõ ràng về đầy đủ các thông tin bảng thành phần cũng như các chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.
Kết luận tại diễn đàn, ông Trần Hữu Linh cho biết, hàng giả bày ở ngoài đường, ngoài phố, ngoài cửa hàng thì rất dễ, nhưng hiện nay thực sự Internet đang là một mặt trận mới trong công tác chống hàng giả, mặt trận rất nóng bỏng, có lẽ phải đến 80 – 90% hiện nay hàng giả xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là được tiêu thụ, được mua bán trên mạng. Đây là một mặt trận rất khó khăn, bởi vì bắt ở ngoài thực tế đã khó rồi, bắt trên mạng còn khó hơn rất nhiều, bởi vì đặc thù của internet. Tháng 5 vừa rồi Tổng cục đã trình Bộ và trình Thủ tướng Chính phủ và đã được phê duyệt Đề án chống hàng giả trên môi trường thương mại điện tử đến năm 2025, trực tiếp lực lượng Quản lý thị trường được giao chủ trì triển khai Đề án này. Trong thời gian tới, Tổng cục sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch trọng điểm về chống hàng giả tại các địa bàn trọng điểm, tại các ổ nhóm, tụ điểm cụ thể đồng thời khẳng định hàng giả và hàng giả trên mạng sẽ là ưu tiên số một của lực lượng Quản lý thị trường từ nay đến năm 2025.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu