Ngôi chùa hơn 200 năm tuổi ở Long An
Chùa Tôn Thạnh tọa lạc tại xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An) hình thành từ năm 1808. Sau nhiều đợt trùng tu, nơi này vẫn giữ nguyên vẹn nét kiến trúc cổ truyền.
Chùa Tôn Thạnh là công trình được xây dựng tại vùng đất Long An vào khoảng đầu thế kỷ 19, trong khoảng từ năm 1808. Ban đầu chùa có tên Lan Nhã hay còn được người dân địa phương gọi là Ông Ngộ do được thiền sư Viên Ngộ xây dựng. Đây là nơi nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã viết “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” và truyện thơ “Lục Vân Tiên”.
Chùa có diện tích 940 m2 nằm trong khuôn viên rộng khoảng 33.400 m2. Chùa được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia ngày 27/11/1997.
Cổng chùa được xây dựng theo lối tam quan truyền thống với hai tầng mái, mỗi hàng cột đều có câu đối, các đầu đao hình rồng.
Mái nhà lợp ngói theo kiểu vảy cá xếp đan xen với nhau, các đầu đao trên đỉnh mái trang trí rồng phượng, cảnh “Lưỡng long tranh châu”, mang đậm kiến trúc đặc trưng của truyền thống Nam Bộ.
Kiến trúc chùa Tôn Thạnh hiện nay là kết quả của nhiều lần trùng tu, gần đây nhất là vào tháng 6/1998. Tuy được kết hợp hoà quyện giữa cái cũ và cái mới, nhìn chung hệ thống liên kết của chùa Tôn Thạnh vẫn giữ được kiến trúc truyền thống Nam Bộ.
Chánh điện có diện tích khá khiêm tốn nhưng tại đây đang lưu giữ hiện vật có giá trị mang ý nghĩa về lịch sử văn hoá, nghệ thuật. Giá trị nhất là pho tượng Địa Tạng Vương Bồ Tát cao 110 cm được đúc bằng đồng. Tương truyền pho tượng này được đúc đến hai lần. Lần đầu là do có một khe nứt nên khi đúc lần sau, thiền sư Viên Ngộ đã chặt một ngón tay cho vào nồi nấu đồng và lần đúc này thành công viên mãn.
Hiện trong khuôn viên chùa có tấm bia kỷ niệm nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, được dựng lên vào năm 1973.
Chánh điện thờ Thích Ca Mâu Ni, Di Đà Tam Tôn, Dược Sư Lưu Ly,… bên trái thờ Địa Tạng Vương Bồ Tát, bên phải thờ A Di Đà Phật. khoảng 80 tượng Phật bài trí trong chùa, hầu hết làm bằng gốm và đất nung, có tuổi đời hơn nửa thế kỷ.
Theo nhà chùa, gian nhà được xây dựng vào năm 1926 theo lối kiến trúc cổ kính trang nghiêm với chất liệu gỗ là chủ đạo. Gỗ được dùng để xây chùa là những loại tốt như căm xe, mun, cẩm lai,…
Nối theo trai đường là sân thiên tỉnh, có hòn non bộ mục đích là lấy ánh sáng và giải nhiệt. Hai bên sân là dãy hành lang nối xuống gian phòng nghỉ ngơi của các sư.
Một hồ nước lớn bên trong khuôn viên chùa Tôn Thạnh.
Với không gian rộng rãi, thoáng mát, rợp bóng cây xanh và cũng là nơi gắn liền với sự nghiệp văn chương của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, chùa Tôn Thạnh thu hút nhiều khách tham quan và du lịch trên cả nước.
Nguồn: Báo xây dựng