Quảng Ninh phấn đấu thực hiện hiệu quả công tác “Nâng cao chất lượng đời sống nhân dân”
Quảng Ninh phấn đấu thực hiện hiệu quả công tác “Nâng cao chất lượng đời sống nhân dân”
Ngay từ đầu năm 2023, Quảng Ninh đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp không ngừng cải thiện, thay đổi, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, nhất là khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo,…
Thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách đối với người có công, bảo trợ xã hội
Theo báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2023 của tỉnh Quảng Ninh, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023, thực hiện Chủ đề công tác năm về “Nâng cao chất lượng đời sống nhân dân”, Quảng Ninh đã thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách đối với người có công, bảo trợ xã hội theo quy định.
Theo đó, tỉnh đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ rà soát, đánh giá nhu cầu tái định cư trên địa bàn địa phương đến năm 2030; quỹ đất tái định cư đảm bảo thực hiện nhiệm vụ “chuẩn bị ít nhất 50.000 suất tái định cư phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất đến năm 2030”. Đến nay, tổng số suất tái định cư dự kiến đến năm 2030 để bố trí tái định cư khoảng 45.956 suất, đạt khoảng 91% so với yêu cầu.
Tổng chi an sinh xã hội 6 tháng đầu năm ước đạt 1.037 tỷ đồng, tăng 81% cùng kỳ (cùng kỳ 573 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành trước 03 năm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 theo tiêu chí của Trung ương và triển khai áp dụng quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025 cao hơn mức chuẩn nghèo theo quy định của Trung ương (Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND ngày 30/3/2023).
Tổ chức phát động và triển khai Cuộc vận động huy động nguồn lực thực hiện mục tiêu xóa nhà ở tạm, nhà ở dột nát trên địa bàn tỉnh năm 2023.
Ngoài ra, tỉnh thực hiện kịp thời chính sách cấp thẻ bảo BHYT miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi đạt 99,8%; hỗ trợ chính sách đặc thù cho trẻ em theo Nghị quyết 21/2021/NQ-HĐND cho 6.218 lượt trẻ với tổng số tiền là 9,84 tỷ đồng. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 95,25% số người tham gia BHXH đạt 43,2% so với lực lượng lao động.
Trong 6 tháng đầu năm đã giải quyết việc làm mới cho 13.842 lao động, đạt 69,21% kế hoạch; tuyển sinh đào tạo nghề mới cho 17.066 người, đạt 43,5% kế hoạch.
Chỉ đạo tập trung hoàn thành Đề án cấp nước sạch nông thôn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025 đảm bảo mục tiêu tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch đáp ứng QCVN-02:2009/BYT đạt trên 70%.
Chú trọng công tác giáo dục, đào tạo, y tế
Công tác giáo dục, đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên toàn tỉnh được quan tâm; tổ chức thành công Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh năm học 2022 – 2023 (tỉnh Quảng Ninh đạt được 4 giải, trong đó có 02 giải Nhì, 02 giải Ba, tăng 03 giải so với năm học trước); thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2022 – 2023: Tổng số 59 thí sinh đạt giải (tăng 11 giải so với năm học trước), xếp thứ 13 cả nước tính theo số lượng học sinh đoạt giải, xếp thứ 17 tính theo tỷ lệ học sinh đoạt giải.
Thi giải Thể thao học sinh toàn quốc năm 2023 (môn Điền kinh), đoàn Quảng Ninh có 16/16 (100%) học sinh dự thi đều đạt giải, đứng thứ 3 toàn quốc về xếp hạng huy chương, tăng 4 bậc so với năm 2022.
Tổ chức Thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2023 – 2024 an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Tỷ lệ trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục và trường đạt chuẩn quốc gia, ước tính đến hết tháng 6/2023 đạt 89,19%.
Phong trào thể dục thể thao quần chúng phát triển mạnh mẽ, thể thao thành tích cao thu được những thành tích tốt, tại SEA Games 32, các VĐV, HLV của tỉnh Quảng Ninh đã giành được 4 HCV, 2 HCB và 2 HCĐ là thành tích cao nhất từ trước đến nay đóng góp tích cực vào thành tích chung của đoàn thể thao Việt Nam.
Đồng thời tỉnh tiếp tục thực hiện chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục để phấn đấu khởi công các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vào dịp kỷ niệm 60 năm thành lập tỉnh.
Trong 6 tháng cuối năm 2023, Quảng Ninh sẽ thực hiện gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển con người, xây dựng văn hóa giàu bản sắc của tỉnh; đảm bảo an sinh, phúc lợi, tiến bộ và công bằng xã hội, hài hòa giữa đời sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần theo các tiêu chí của “hạnh phúc”.
Để đạt được kết quả đó, tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị từ tỉnh tới cơ sở cần tích cực, chủ động, sáng tạo thực hiện hiệu quả chủ đề công tác năm về “Nâng cao chất lượng đời sống nhân dân”. Xây dựng môi trường sáng – xanh – sạch – đẹp, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, văn minh, văn hóa phát triển theo tiêu chỉ “hạnh phúc” đến năm 2025, năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bên cạnh đó, chú trọng đảo tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động. Tích cực hơn nữa trong công tác giải quyết việc làm, phấn đấu năm 2023, giải quyết được 20.000 việc làm mới tăng thêm và giảm số người bị mất việc làm trong các doanh nghiệp.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị