Ninh Bình: Phê duyệt quy hoạch chung xây dựng khu vực từ đê Bình Minh II đến Cồn Nổi
(Xây dựng) – UBND tỉnh Ninh Bình vừa có quyết định phê duyệt quy hoạch chung xây dựng khu vực từ đê Bình Minh II đến Cồn Nổi (huyện Kim Sơn) đến năm 2040 với quy mô diện tích 9.000ha.
Từ đê Bình Minh II đến Cồn Nổi (huyện Kim Sơn) đến năm 2040 theo quy hoạch là khu vực trọng điểm phát triển kinh tế ven biển của tỉnh Ninh Bình. |
Phạm vi ranh giới: phía Bắc giáp đê Bình Minh II; phía Tây giáp biển, giáp sông Càn (Thanh Hóa); phía Nam giáp biển Đông; phía Đông giáp sông Đáy và huyện Nghĩa Hưng (Nam Định).
Khu vực được quy hoạch này có tính chất là trọng điểm phát triển kinh tế ven biển của tỉnh; có cơ cấu kinh tế tổng hợp, phát triển năng động. Kết hợp dịch vụ, du lịch, công nghiệp, xây dựng, chế biến và kinh tế biển của huyện Kim Sơn là trung tâm dịch vụ du lịch biển của tỉnh, phát triển các khu chức năng hỗn hợp gồm: Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, công nghiệp, cảng tổng hợp, du lịch sinh thái, đô thị Cồn Nổi.
Quy hoạch đất theo chức năng như sau: Đất phát triển dân cư đô thị (43,28ha); đất hỗn hợp nhóm nhà ở và dịch vụ (24,58%); đất dịch vụ công cộng (22,5ha); đất cơ quan, trụ sở (190,1ha); đất phát triển dịch vụ, du lịch (226,83ha); đất hỗn hợp dịch vụ, công cộng và thể thao (103,54ha); đất phát triển du lịch kết hợp nuôi trồng thủy sản (125ha); đất phát triển sản xuất công nghiệp, kho tàng (188,25ha); đất hạ tầng kỹ thuật (95,5ha); đất giao thông (178,45ha); đất quốc phòng (28,92ha); đất cây xanh sử dụng công cộng (101,46ha); đất khu vực nông nghiệp và chức năng khác (7.316,75ha) chiếm 81,3%.
Mô hình cấu trúc phát triển khu vực từ đê Bình Mình II đến Cồn Nổi có 2 trọng tâm, 3 phân vùng phát triển và 4 vành đai phát triển; 2 trọng tâm phát triển là: Khu vực đô thị dịch vụ từ đê Bình Minh II đến đê Bình Minh III và khu du lịch, dịch vụ Cồn Nổi; 3 phần vùng chức năng: vùng sản xuất công nghiệp và dịch vụ cảng, vùng dịch vụ du lịch và đô thị, vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và bảo vệ sinh thái vùng bán ngập; 4 vành đai phát triển là: Vành đai sản xuất dịch vụ, vành đai nông nghiệp sinh thái, vành đai vùng ngập nước, vành đai dịch vụ du lịch biển.
9.000ha sẽ được phân vùng phát triển và định hướng phát triển theo 8 khu vực. Khu 1 – Khu đô thị dịch vụ (449ha) là khu trung tâm dịch vụ công cộng; khu đô thị dịch vụ sinh thái; khu nhà ở công nhân và chuyên gia; khu dịch vụ hỗ trợ du lịch; khu đô thị nước; khu hỗn hợp dịch vụ, du lịch, thể thao. Khu 2 – Khu công nghiệp, dịch vụ cảng (536ha) để phát triển công nghiệp công nghệ cao; khu dịch vụ logistics; khu cảng sông Đáy; dịch vụ công cộng hỗ trợ. Khu 3 – Khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (456ha) để nuôi trồng sản xuất hải sản công nghệ cao; dịch vụ hỗ trợ sản xuất; thương mại và giới thiệu sản phẩm.
Đây sẽ là trung tâm dịch vụ du lịch biển của tỉnh, phát triển các khu chức năng hỗn hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, công nghiệp, cảng tổng hợp, du lịch sinh thái, đô thị Cồn Nổi. |
Khu 4 – Khu du lịch kết hợp nuôi trồng thủy hải sản (346ha) là khu nuôi trồng thủy hải sản công nghệ cao trong nhà và ngoài trời; khu dịch vụ du lịch; dịch vụ công cộng. Khu 5 – Khu du lịch, dịch vụ đảo Cồn Nổi (687ha) là trung tâm dịch vụ hỗn hợp; Khu du lịch sinh thái; khu du lịch biển; công viên vui chơi giải trí; khu bến du thuyền; bến cảng; quảng trường; tượng đài.
Khu 6 – Khu bãi triều (2.217ha) là trung tâm sản xuất thủy sản ngoài trời; khu dịch vụ du lịch biển; Khu 7 – Khu trồng rừng ngập mặn (1.303ha) có chức năng phòng hộ, chống sạt lở ven biển, tận dụng mặt nước dưới chân rừng thả nuôi các loài thuỷ sản, kết hợp khai thác phát triển các dịch vụ sinh thái. Khu 8 – Khu Cồn Mờ và mặt biển (3.006ha) để xây dựng đài quan sát, ngắm cảnh và dịch vụ hỗ trợ hoạt động tàu thuyền trên biển; khi có nhu cầu chuyển đổi khu vực Cồn Mờ thành cảng biển Ninh Bình để phát triển hoạt động vận tải hàng hóa, hành khách trên biển và phát triển du lịch.
Nguồn: Báo xây dựng