10 khuyến nghị của IPU để xanh hóa nghị viện

10 khuyến nghị của IPU để xanh hóa nghị viện

Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) đã phát động Chiến dịch Nghị viện vì Hành tinh khuyến khích các nghị viện cùng tất cả các cơ quan của nghị viện và đi tiên phong trong nỗ lực giảm lượng khí thải carbon trong chính hoạt động của mình

10 khuyến nghị của IPU để
Nghị viện Israel lắp đặt các tấm pin mặt trời để hạn chế tiêu thụ năng lượng hóa thạch. Ảnh: Knesset

Để kỷ niệm Ngày Quốc tế Nghị viện 30.6.2023, Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) đã phát động Chiến dịch Nghị viện vì Hành tinh (Parliaments For Planet) khuyến khích các nghị viện cùng tất cả các cơ quan của nghị viện và đi tiên phong trong nỗ lực giảm lượng khí thải carbon trong chính hoạt động của mình; thực hiện các biện pháp cụ thể để thực hiện Thỏa thuận Paris về khí hậu nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Với phương châm “hành động chống biến đổi khí hậu có thể bắt đầu từ chính nghị viện”, IPU cho rằng, các cơ quan lập pháp cùng cá nhân các nghị sĩ có thể thực hiện các bước cụ thể để giảm lượng khí thải carbon của họ, cả với tư cách là các tổ chức và cá nhân. Bằng cách áp dụng các chính sách xanh hơn và chấp nhận văn hóa bền vững, nghị viện và các nghị sĩ có thể giúp giải quyết khủng hoảng khí hậu và mở đường cho hành động khí hậu mạnh mẽ hơn.

Ban Thư ký IPU đã xác định 10 hành động chính mà các nghị viện và nghị sĩ có thể xem xét khi họ bắt tay vào quá trình xanh hóa hoặc để bổ sung cho các sáng kiến ​​xanh hóa hiện có. Những hành động này được đưa vào 3 nhóm khuyến nghị: thể chế hóa việc “xanh hóa nghị viện”; xanh hóa việc vận hành tòa nhà nghị viện và hoạt động của các nghị sĩ; và đi đầu và thúc đẩy văn hóa thay đổi vì sự bền vững cho môi trường.

Thể chế hóa việc “xanh hóa nghị viện”

Thứ nhất, IPU khuyến nghị các cơ quan nghị viện trên khắp thế giới thiết lập một hệ thống theo dõi lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ chính hoạt động hàng ngày của tòa nhà Quốc hội; đồng thời đặt ra các mục tiêu giảm phát thải trong một thời hạn cụ thể, ví dụ như giảm lượng khí thải từ nghị viện bằng cách giảm 50% lượng tiêu thụ điện trong một khung thời gian nhất định. Nghị viện Ấn Độ đã áp dụng khuyến nghị này bằng cách đặt ra giờ tiết kiệm điện vào thứ hai hàng tuần. Còn Quốc hội Litva thì cho lắp đặt hệ thống thông gió làm mát trong các tòa nhà được điều khiển tự động dựa trên nhiệt độ. Tương tự, các khu vực chung đã được trang bị đèn chiếu sáng sử dụng ít năng lượng hơn và được kích hoạt bằng cảm biến chuyển động.

Thứ hai, các nghị viện được khuyến khích lộ trình cụ thể và tích cực tuyên truyền về mục tiêu xanh hóa nghị viện, chẳng hạn như thể hiện qua một tuyên bố chính trị. Khuyến khích các nghị viện áp dụng các chiến lược bền vững với các mục tiêu rõ ràng, chẳng hạn như đạt 75% điện năng sử dụng trong các tòa nhà nghị viện từ các nguồn tái tạo trong một khung thời gian nhất định; thành lập lực lượng đặc nhiệm nội bộ hoặc nhóm công tác để theo dõi quá trình đạt được các mục tiêu xanh hóa nghị viện; tiến hành kiểm toán hàng năm và công bố kết quả.

Thứ ba, nỗ lực để các hoạt động của nghị viện thích ứng với biến đổi khí hậu, chẳng hạn như thường xuyên đánh giá khả năng dễ bị tổn thương do khí hậu và các khu vực mục tiêu cần xây dựng khả năng phục hồi để các hoạt động của nghị viện có thể tiếp tục hoạt động khi đối mặt với các mối đe dọa khí hậu; bảo đảm để nguyện vọng, nhu cầu của cử tri tiếp tục được xử lý tốt trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Xanh hóa việc vận hành tòa nhà nghị viện

Thứ tư, đảm bảo hoạt động của nghị viện được tiến hành trong các cơ sở bền vững, sử dụng nước và năng lượng hiệu quả. Ví dụ các nghị viện có thể thay thế các thiết bị tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch bằng các công nghệ sử dụng năng lượng tái tạo; yêu cầu các công trình xây dựng mới phục vụ hoạt động của nghị viện phải bảo đảm mức phát thải bằng 0; lắp đặt các tấm pin mặt trời tại chỗ để đáp ứng nhu cầu năng lượng; đo lường lượng chất thải gây hiệu ứng nhà kính hàng năm và đặt mục tiêu giảm thiểu; đảm bảo áp dụng các hệ thống tái chế hiệu quả và cấm sử dụng nhựa một lần; tiến hành kiểm tra nguồn nước và lắp đặt các hệ thống tiết kiệm nước; túc đẩy bảo tồn trong khu vực xung quanh trụ sở nghị viện để bảo vệ các loài động thực vật địa phương

Khuyến nghị này đã được nhiều quốc gia áp dụng tích cực. Chẳng hạn như Nghị viện Ấn Độ và Indonesia đã cho lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời để sử dụng thay thế năng lượng hóa thạch.

10 khuyến nghị của IPU để
560 tấm pin mặt trời được lắp trên mái Tòa nhà Nghị viện New Zealand: Ảnh: parliament.nz

Quốc hội New Zealand đã cho lắp đặt hơn 560 tấm pin mặt trời theo từng giai đoạn trên mái của Tòa nhà Nghị viện trong 6 tháng cuối năm 2022. Chúng sản xuất hơn 200 kilowatt điện để cung cấp năng lượng cho Nghị viện và dự kiến ​​sẽ có tác động đáng kể và tích cực đến mức tiêu thụ năng lượng và lượng khí thải carbon của Nghị viện.

Thứ năm, khuyến khích các nghị viện thực hiện các chính sách mua sắm xanh. Chẳng hạn Quốc hội Lítva yêu cầu, các nhà cung cấp dịch vụ thực phẩm và đồ uống cho các sự kiện diễn ra trong Nhà Quốc hội phải sử dụng dao nĩa và đĩa có thể tái sử dụng (không phải loại dùng một lần). Rác thải cũng phải được phân loại để tái chế hoặc làm phân hữu cơ qua quá trình phân hủy sinh học… Các loại hàng hóa cung cấp cho Quốc hội phải được đóng gói trong những thùng/hộp có thể tái sử dụng/tái chế theo quy định của luật về thuế chống ô nhiễm môi trường… Ngoài ra, Quốc hội cũng sẽ chỉ mua hàng hóa từ các nhà cung cấp mà quá trình sản xuất không có yếu tố vi phạm về môi trường.

10 khuyến nghị của IPU để
Indonesia sử dụng xe điện phục vụ Hội nghị Cấp cao ASEAN và AIPA năm 2023. Nguồn: ANTARA

Thứ sáu, từng bước thúc đẩy nghị viện và các nghị sĩ di chuyển bằng phương tiện xanh. Chẳng hạn có thể thay thế hệ thống xe phục vụ nghị viện từ phương tiện gây ô nhiễm carbon bằng phương tiện điện; giảm thiểu việc đi lại không cần thiết, đặc biệt là đi lại bằng đường hàng không và lựa chọn đi lại bằng xe lửa hoặc xe buýt chạy bằng năng lượng tái tạo khi có thể.

Về khuyến nghị này, Indonesia đã có áp dụng tích cực khi trong đợt tổ chức Hội nghị Cấp cao Hội đồng Liên minh viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA) vừa qua, nước này hoàn toàn sử dụng xe điện để phục vụ hội nghị. Quốc hội Lítva cũng tích cực sử dụng xe điện làm xe công và lắp đặt một trạm sạc xe điện. Cơ quan này đang có kế hoạch nâng cấp đội xe phục vụ Quốc hội thành xe điện hoàn toàn trong vòng ba năm tới tùy thuộc vào kinh phí.

Thứ bảy, thúc đẩy số hóa chẳng hạn xây dựng chiến lược chuyển đổi kỹ thuật số tránh xa chế độ làm việc trên giấy tờ.

Thúc đẩy văn hóa thay đổi vì sự bền vững

Thứ tám, thúc đẩy văn hóa thay đổi bền vững và nhận thức về khí hậu: chẳng hạn tổ chức các buổi tập huấn nhằm nâng cao nhận thức thường xuyên cho các nghị sĩ và nhân viên của Văn phòng về các vấn đề và xu hướng khí hậu toàn cầu và quốc gia; tổ chức các cuộc họp báo về các kế hoạch và thực tiễn bền vững của nghị viện; áp dụng kiến thức thu được thông qua quá trình xanh hóa để thúc đẩy các sáng kiến về pháp luật, lập ngân sách và giám sát; xem xét nhiều lựa chọn thực phẩm chay, thuần chay và có nguồn gốc địa phương hơn.

Thứ chín, khuyến khích mỗi cá nhân nghị sĩ và nhân viên văn phòng nghị viện trở thành những người tiên phong đấu tranh chống biến đổi khí hậu: chẳng hạn mỗi cá nhân tự theo dõi lượng khí thải của mình và chia sẻ với công chúng các bước bạn đang thực hiện với tư cách cá nhân để giảm lượng khí thải; thu hút các cử tri của bạn tham gia đối thoại về biến đổi khí hậu; tạo cơ hội trao đổi với các đại diện xã hội dân sự, chuyên gia khí hậu và các nhà lãnh đạo môi trường, bao gồm cả các nhà lãnh đạo thanh niên và phụ nữ, để tìm hiểu về kinh nghiệm và nhu cầu của họ trước hiện tượng biến đổi khí hậu.

Thứ mười, thúc đẩy hợp tác và chia sẻ kiến thức bằng cách tăng cường làm việc giữa các đảng phái để thúc đẩy các sáng kiến nghị viện xanh và thúc đẩy các đạo luật mạnh mẽ về bảo vệ môi trường; xây dựng quan hệ đối tác với các bên liên quan ở địa phương, quốc gia, khu vực và quốc tế để thúc đẩy hành động vì khí hậu; chia sẻ kinh nghiệm với IPU và các nghị viện khác; sử dụng các sự kiện và đối thoại quốc tế để giới thiệu những nỗ lực phát triển bền vững của nghị viện quốc gia của bạn và các bài học kinh nghiệm.

10 khuyến nghị trên của IPU có thể được coi là những hành động cụ thể chính yếu nhất mà các nghị viện và cá nhân các nghị sĩ có thể thực hiện để góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, làm cho nghị viện ngày càng trở thành một thể chế “xanh”.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích