Chuyển đổi số gắn liền với hiện thực hóa khát vọng phát triển
(Xây dựng) – Sau hơn 10 năm chính thức đi vào hoạt động, Trung tâm Thông tin – Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên đã tạo được những nền tảng ban đầu. Trung tâm giờ đây được biết đến là cơ quan truyền thông cấp tỉnh, kênh thông tin chỉ đạo điều hành chính thống, tin cậy về tỉnh Thái Nguyên trên mạng Internet.
Sử dụng thiết bị ghi hình hiện đại phục vụ công tác tuyên truyền. |
Dẫu ra đời sau so với các cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh, phải trải qua thời kỳ khó khăn do thiếu về nhân lực, thiết bị, cơ chế… nhưng những người làm truyền thông tại Trung tâm Thông tin đã luôn nỗ lực, quyết tâm phát triển Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên thành kênh thông tin đa phương tiện, cập nhật thông tin liên tục, chính xác về hoạt động chỉ đạo điều hành của lãnh đạo tỉnh và tỉnh Thái Nguyên trên o Internet. Đó là giá trị cốt lõi là sứ mệnh, đồng thời là phương châm hành động của những người làm truyền thông tại Trung tâm Thông tin – Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên trong suốt quá trình hội nhập và phát triển.
Hiện nay, Trung tâm Thông tin – Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên đang đứng trước những thời cơ, vận hội mới để bứt tốc vươn lên. Đó là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Chương trình chuyển đổi số của Chính phủ, của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Nắm bắt thời cơ, thực hiện tốt nhiệm vụ chuyển đổi số được UBND tỉnh giao tại Kế hoạch số 80/KH- UBND ngày 20/4/2021 về xây dựng tòa soạn số là cơ hội để Trung tâm Thông tin – Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên thực hiện khát vọng phát triển trong giai đoạn mới.
Trên cơ sở đó, Trung tâm Thông tin – Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên đặt ra mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ chuyển đổi số trong năm 2022; phấn đấu 100% thông tin được số hóa, được lan tỏa trên nền tảng số. Ngay trong năm 2021, phấn đấu nâng lượt người truy cập Cổng thông tin điện tử hàng ngày từ 60.000 lượt hiện nay lên 85.000 lượt; nâng tổng số lượt truy cập Cổng Thông tin điện tử lên 50 triệu lượt truy cập vào cuối năm 2021.
Để hiện thực hóa những mục tiêu trên, Trung tâm Thông tin xác định các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm. Tập trung xây dựng và hoàn thiện kế hoạch chuyển đổi số trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cùng với đó, tổ chức xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp lý sát thực tiễn, gỡ những nút thắt, tạo ra sự thông thoáng về cơ chế khuyến khích người lao động và đội ngũ cộng tác viên. Nhiệm vụ chính đó là: Sửa đổi, bổ sung quy chế hoạt động của Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên; trình phê duyệt đề án sắp xếp, tổ chức lại Trung tâm Thông tin tỉnh Thái Nguyên; xây dựng quy trình biên tập, kiểm duyệt thông tin lên Cổng Thông tin điện tử bảo đảm tinh gọn, khoa học, hiệu quả, lấy chuyển đổi số là giải pháp thực hiện.
Thực hiện cơ cấu lại các trường thông tin trên Cổng Thông tin điện tử bảo đảm khoa học, thẩm mỹ, tiện ích, hướng đến công chúng. Nghiên cứu mở chuyên trang, chuyên mục mới phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Cụ thể: Cơ cấu chuyên mục Video trên Cổng Thông tin điện tử thành chuyên trang “Thông tin đa phương tiện có lớp lang thông tin”; mở chuyên mục “Thông tin báo chí về Thái Nguyên”; xây dựng và phát triển mới phiên bản Tiếng Anh của Cổng Thông tin điện tử để lan tỏa thông tin phục vụ công tác thông tin đối ngoại của tỉnh.
Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên đạt gần 50 triệu lượt truy cập sau 3 năm triển khai nền tảng công nghệ thông tin mới. |
Kịp thời cập nhật thông tin, hoạt động chỉ đạo điều hành của lãnh đạo tỉnh lên Cổng Thông tin điện tử; đặc biệt quan tâm thông tin phát ngôn của cơ quan hành chính Nhà nước, của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh. Bên cạnh đó quan tâm phản ánh những đề xuất, kiến nghị từ người dân, doanh nghiệp với cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Thông qua đây xây dựng bản sắc, thương hiệu về thông tin của Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên.
Tổ chức khai thác và sử dụng hiệu quả mạng xã hội, nền tảng số để tăng cường và hỗ trợ hoạt động tác nghiệp, lan tỏa thông tin của Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên. Cụ thể, khuyến khích đội ngũ cán bộ, viên chức sử dụng Facebook, Zalo để truyền tải thông tin, hình ảnh tác nghiệp hiện trường về Trung tâm tòa soạn để biên tập, đăng tải và cập nhật thông tin nhanh nhất lên Cổng Thông tin điện tử. Khai thác nền tảng Zalo, Youtube, Facebook để lan tỏa thông tin đến công chúng.
Tiếp tục duy trì và phát triển Công báo điện tử, ấn phẩm Đặc san Trà Việt. Bảo đảm Công báo điện tử ban hành đúng kỳ, đáp ứng nội dung thông tin, tra cứu thuận tiện. Phát triển ấn phẩm Đặc san Trà Việt trở thành kênh thông tin quảng bá cây chè, thương hiệu trà, văn hóa trà; kênh thông tin giới thiệu, quảng bá về kinh tế – xã hội của tỉnh Thái Nguyên; quảng bá hình ảnh, thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp Thái Nguyên.
Số hóa toàn bộ các số Trà Việt đăng tải lên Cổng Thông tin điện tử để lan tỏa thông tin đến đông đảo công chúng. Quan tâm đào tạo, phát triển đội ngũ làm truyền thông của Trung tâm Thông tin tỉnh Thái Nguyên theo hướng một người làm một việc nhưng biết nhiều việc, sử dụng, khai thác thành thạo và hiệu quả thiết bị tác nghiệp kỹ thuật số; hoạt động chuyên nghiệp, nhanh nhạy, trách nhiệm, nhân văn.
Tăng cường hợp tác, chia sẻ, lan tỏa thông tin với các cơ quan, đơn vị làm truyền thông trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt quan tâm chia sẻ thông tin với Cổng Thông tin Chính phủ, với Cổng thông tin các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh; tăng cường hợp tác chia sẻ kinh nghiệm làm truyền thông, chuyển đổi số với Trung tâm Thông tin các tỉnh, thành phố trong khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, các tỉnh trong Vùng Thủ đô Hà Nội và cả nước. Việc nắm thời cơ, hành động quyết liệt trong công tác chuyển đổi số sẽ giúp cho mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, trong đó có Trung tâm Thông tin tỉnh Thái Nguyên đạt được những mục tiêu đã đề ra.
Nguồn: Báo xây dựng