Dự báo đến năm 2030, Việt Nam sẽ giảm 6% khí phát thải CO2
Dự báo đến năm 2030, Việt Nam sẽ giảm 6% khí phát thải CO2
Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) dự báo đến năm 2030 Việt Nam sẽ giảm được 6% khí phát thải các-bon (CO2) nhờ chuyển đổi CO2 sang các sản phẩm khác như urea, methanol, ethanol…
Ngày 28/06/2023, Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) và Smart Geophysics Solutions JSC (SGS) phối hợp tổ chức hội thảo khoa học quốc tế về thử nghiệm và mô phỏng quá trình thu giữ, sử dụng và lưu trữ CO2.
Phát biểu tại hội thảo, tiến sĩ Nguyễn Minh Quý – Phó Viện trưởng VPI cho biết, Việt Nam có tiềm năng phát triển chuỗi giá trị thu giữ, sử dụng và lưu trữ các bon (Carbon Capture, Utilisation, and Storage – CCUS) hoàn chỉnh như thu hồi, vận chuyển, sử dụng và lưu trữ CO2. Các nghiên cứu trước đây về CCUS đã cung cấp, đánh giá sơ bộ về tính khả thi của việc triển khai CCUS, đặc biệt là trong việc tăng cường thu hồi dầu (EOR). Năm 2011, Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á thực hiện thành công dự án gia tăng thu hồi dầu sử dụng CO2 tại mỏ Rạng Đông, Lô 15-2, bể Cửu Long.
Với cam kết đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam xác định tầm quan trọng của CCUS trong việc giảm phát thải khí nhà kính như đã nêu trong Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050. Kết quả nghiên cứu gần đây của VPI về các nguồn CO2 và vị trí lưu trữ CO2 tiềm năng cho thấy cơ hội phát triển chuỗi CCUS hoàn thiện bao gồm các khâu thu giữ, vận chuyển, sử dụng và lưu trữ CO2. Cụ thể, VPI dự báo đến năm 2030 sẽ giảm được 6% khí phát thải CO2 nhờ chuyển đổi CO2 sang các sản phẩm khác như urea, methanol, ethanol…
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị