TP.HCM thông tin về tình hình xử lý dự án đầu tư có sử dụng đất

TP.HCM thông tin về tình hình xử lý dự án đầu tư có sử dụng đất

Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM vừa có báo cáo UBND TP.HCM về tình hình xử lý dự án đầu tư có sử dụng đất. Trong đó có 62 dự án không đáp ứng điều kiện làm chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại.

Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM vừa báo cáo UBND TP.HCM về tình hình xử lý dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn thành phố. Theo đó, qua xem xét, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đã chia ra 02 nhóm các dự án đang vướng mắc và đề xuất hướng xử lý trong thời gian tới.

Đối với nhóm thứ nhất, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM kiến nghị UBND TP.HCM không chấp thuận chủ trương đầu tư cho các dự án này bởi không đáp ứng điều kiện để được chấp thuận làm chủ đầu tư dự án nhà ở theo quy định của Luật Đầu tư và Luật Nhà ở. Bên cạnh đó, thông tin cho nhà đầu tư được biết về việc không tiếp tục xử lý hồ sơ theo đề nghị của nhà đầu tư.

Những dự án thuộc nhóm kiến nghị trên có thể kể đến gồm: Khu thương mại kết hợp căn hộ (1,58 ha) có chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư Xây dựng Thương mại Hậu Giang; Khu nhà ở thấp tầng Nam Khang (6,5 ha) do Công ty CP Bất động sản Nam Khang làm chủ đầu tư; Khu phức hợp Trường Phước Lộc (7,1 ha) có chủ đầu tư là Công ty CP Bất động sản Trường Phát Lộc; Văn phòng đại diện, nhà khách tỉnh Hậu Giang; dự án Khu nhà ở An Phú (6,1 ha) do Công ty CP Địa ốc Thủ Thiêm làm chủ đầu tư; khu nhà ở tại phường Bình Trị Đông B quận Bình Tân (2,5 ha) do Công ty CP Phát triển Hoa Lâm làm chủ đầu tư; dự án Khu căn hộ Điền Phúc Thành, Dự án Khu dân cư CityLand (6,6ha) do Công ty TNHH Đầu tư Địa ốc Thành phố làm chủ đầu tư…

tm-img-alt
62 dự án tại TP.HCM không đáp ứng điều kiện làm nhà ở thương mại. (Ảnh: Internet)

Đánh giá về các dự án nhà ở thương mại tại TP.HCM, ông Lê Hữu Nghĩa – Giám đốc Công ty Lê Thành chia sẻ, hiện này dự án nhà ở thương mại tại thành phố đã gặp vướng về pháp lý trong suốt 5 – 7 năm, thậm chí lên đến cả hàng trăm dự án. Hàng loạt dự án vì gặp vấn đề này mà chưa có biện pháp tháo gỡ đã gây ra việc tăng vốn lên hàng trăm tỷ đồng, đặc biệt là những dự án có vị trí đắc địa đội vốn lên đến cả nghìn tỷ đồng. Do đó, những vướng mắc về pháp lý sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến dòng vốn bị nghẽn.

Mặt khác, còn có 55 dự án đang được xem xét xử lý chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định. Trong đó có 3 dự án gặp vướng mắc pháp luật, 3 dự án được cơ quan có thẩm quyền thanh tra và 49 dự án gặp vướng thuộc thẩm quyền xem xét của thành phố..

Đối với nhóm thứ hai, 50 dự án được đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư và chia ra nhiều nhóm nhỏ, trong đó có 19 dự án gặp vướng về quy định pháp lý, 31 dự án gặp vướng mắc trong quá trình rà soát pháp lý, 19 dự án đang chờ giải quyết và 5 dự án đang lấy ý kiến cơ quan chức năng và chưa xác định được những khó khăn.

Theo ông Nguyễn Văn Sinh – Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, việc hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản hiện đang đối mặt với nhiều thách thức, hầu hết đều liên quan đến vấn đề pháp luật như xác định giá đất, giải phóng mặt bẳng, đấu giá quyền sử dụng đất… Đáng chú ý, việc xác định giá đất thị trường chiếm đến hơn 50% vướng mắc trong các dự án.

Tuệ Lâm (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích