Chất thải nhựa: Thực trạng, nguyên nhân và nỗ lực giải quyết của Việt Nam

Chất thải nhựa: Thực trạng, nguyên nhân và nỗ lực giải quyết của Việt Nam

Ngọc Anh –  Chủ nhật, 19/09/2021 06:48 (GMT+7)

Chất thải nhựa chiếm tỷ lệ trong các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) ước tính khoảng 6 – 8% (năm 2019) và gia tăng nhanh trong thời gian vừa qua. Dưới đây là thực trạng, nguyên nhân và nỗ lực giải quyết vấn đề chất thải nhựa của Việt Nam.

Thực trạng báo động về ô nhiễm chất thải nhựa

Báo động thực trạng rác thải nhựa tại Việt Nam
Ảnh minh hoạ

Việt Nam là một đất nước đang phát triển, có nhiều trung tâm kinh tế, thương mại, du lịch và công nghiệp lớn với tốc độ tăng trưởng kinh tế ngày càng cao. Theo Báo cáo hiện trạng Môi trường quốc gia năm 2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong giai đoạn 2010 – 2015, ngành nhựa là một trong những ngành công nghiệp có tăng trưởng cao nhất Việt Nam với mức tăng hàng năm từ 16 – 18%/năm. Trong năm 2018, sản lượng sản xuất ngành nhựa tăng 7%, đạt 8,3 triệu tấn (Hiệp hội Nhựa Việt Nam, 2019), trong đó sản xuất nhựa bao bì chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu giá trị của ngành, đạt 36%.

Tính đến cuối năm 2019, cả nước có khoảng 2.000 doanh nghiệp nhựa, trong đó 450 doanh nghiệp sản xuất bao bì và tạo ra lượng lớn chất thải nhựa hàng ngày, bao gồm cả túi ni lông khó phân hủy. Túi ni-lông chiếm khối lượng khá lớn trong chất thải nhựa do được cung cấp miễn phí từ các cửa hàng.

Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, chất thải nhựa có nguồn gốc chủ yếu từ các hoạt động sinh hoạt, tiêu dùng của người dân; từ hoạt động sản xuất của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên đất liền và các nguồn thải trên biển bao gồm các hoạt động vận tải, đánh bắt, sự cố thiên nhiên, chất thải trôi nổi trên biển và các hoạt động khác. Tại Việt Nam, cũng như trên thế giới, gần 50% sản phẩm nhựa được thiết kế, sản xuất phục vụ mục đích sử dụng một lần và sau đó thải bỏ. Trong tổng lượng chất thải nhựa thải bỏ, chỉ có một phần được thu hồi – tái chế, một phần được xử lý bằng biện pháp thiêu đốt hoặc chôn lấp.

Như vậy, một lượng lớn chất thải nhựa bị cuốn vào hệ thống sông ngòi, kênh rạch trôi ra biển, việc thải bỏ hoặc làm mất ngư cụ trong hoạt động khai thác thủy sản, thải bỏ chất thải nhựa trong các hoạt động kinh tế – xã hội khác diễn ra trên biển cũng chưa được quản lý, kiểm soát chặt chẽ.

Thực tế trong thời gian qua, việc quản lý chất thải nhựa tại các hải đảo, các khu du lịch biển, nhất là các bãi biển còn hạn chế. Việc xả chất thải nhựa bừa bãi cùng với một lượng lớn chất thải từ đại dương dạt vào các đảo, bãi tắm, đặc biệt trong mùa du lịch đang là vấn đề đáng báo động ở vùng ven biển và các hải đảo.

Với đặc điểm thời gian phân hủy lâu, tồn tại trong môi trường từ hàng trăm đến hàng nghìn năm, ô nhiễm môi trường nói chung, ô nhiễm môi trường biển do chất thải nhựa đã trở thành vấn đề môi trường toàn cầu, được chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học, các tổ chức phi chính phủ và người dân trên toàn thế giới hết sức quan tâm.

Từ năm 2019, Phú Quốc (Kiên Giang) đã phải đối mặt với tình trạng quá tải chất thải nhựa. Theo báo cáo tháng 7-2018 của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF Việt Nam), mỗi ngày, huyện đảo này phát sinh khoảng 155 tấn chất thải, nhưng chỉ thu gom được khoảng 91 tấn. Chất thải tại Phú Quốc sau khi thu gom được tập trung vào các bãi Ông Lang và An Thới, chưa qua xử lý nên gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tổng lượng chất thải nhựa được thu hồi bởi hệ thống thu gom của người dân là 10,8 tấn/ngày.đêm, chiếm 33,6% lượng phát sinh.

Báo động thực trạng chất thải nhựa tại Việt Nam
Chất thải nhựa bủa vậy con đường ven biển trên đảo Nam Du. Ảnh: Internet

Xã đảo Nam Du thuộc huyện Kiên Hải (Kiên Giang) cũng đang phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm do CTRSH. Xã đảo có 21 hòn đảo lớn nhỏ, thuộc 2 xã An Sơn và Nam Du, diện tích khoảng 1.054 ha. Hiện nay, Nam Du đang phải đối mặt với tình trạng quá tải chất thải nhựa, trong đó chủ yếu do khách du lịch và các tàu thuyền thải ra trôi dạt vào bờ.

Không chỉ tại các bãi biển trên, tại thành phố Phan Thiết, tình trạng rác thải từ ngoài khơi trôi dạt vào bờ biển diễn ra thường xuyên tại các khu vực du lịch ven vịnh Mũi Né, ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống và sức khỏe của người dân, gây mất mỹ quan, làm xấu đi hình ảnh của khu du lịch.

Thực tế hiện nay, Việt Nam chưa có số liệu thống kê cụ thể về tỷ lệ thu gom chất thải nhựa mà chỉ có thống kê về tỷ lệ thu gom CTRSH, trong đó có chất thải nhựa và túi ni-lông. Việc phân loại, thu gom chất thải nhựa có thể tái chế thường là mang tính chất tự phát ở quy mô hộ gia đình, người thu gom rác và nhặt phế liệu tự do. Chất thải nhựa phát sinh từ các hộ gia đình, chợ và các khu vực công cộng chủ yếu được xử lý cùng với CTRSH đã được thu gom. Túi ni-lông sử dụng thường là loại túi siêu mỏng, khó phân hủy và bị thải bỏ sau một lần sử dụng do giá trị thu hồi để tái chế thấp. Tỷ lệ chất thải bao bì, túi ni-lông trung bình tại bãi chôn lấp chiếm khoảng từ 6 – 8% số chất thải rắn sinh hoạt.

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ chất thải nhựa ngày một gia tăng

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2019 về quản lý chất thải rắn sinh hoạt chỉ ra những nguyên nhân cơ bản sau:

– Do nhận thức của đa số người dân trong việc thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý CTRSH, đặc biệt là chất thải nhựa và túi ni lông, vẫn còn nhiều hạn chế.

– Thói quen sử dụng túi ni-lông khó phân hủy của người dân vẫn còn phổ biến do chưa nhận thức được những tác hại của việc thải chất thải nhựa đối với môi trường và hệ sinh thái.

– Người dân chưa nhận thức được lợi ích kinh tế của việc phân loại, thu gom và tái chế chất thải nhựa nên tỷ lệ thu gom chất thải nhựa so với lượng phát sinh còn thấp.

– Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dịch vụ, sản phẩm có phát sinh chất thải nói chung và chất thải nhựa khó phân hủy vào môi trường chưa thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm trong giảm phát thải và thực hiện tái sử dụng cũng như đẩy mạnh hiệu quả của ngành công nghiệp tái chế.

– Công tác quản lý, xử lý CTRSH ở nước ta thời gian qua chưa được áp dụng theo phương thức quản lý tổng hợp, chưa chú trọng đến các giải pháp giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng từ chất thải.

Nỗ lực của Việt Nam trong giải quyết vấn đề chất thải nhựa

Nhận thức được tầm quan trọng của việc cần phải giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương, Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm và nỗ lực giải quyết thông qua việc đổi mới căn bản trong chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường.

Để giải quyết thực trạng về chất thải nhựa, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, khẳng định quyết tâm, nỗ lực của Việt Nam trong cuộc chiến giảm thiểu rác nhựa như: trình Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó luật hóa các nội dung liên quan đến nhựa như quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn về nhựa; ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất thải nhựa đại dương đến năm 2030.

Tháng 6 vừa qua, Việt Nam đã cùng 77 quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc và Liên minh châu Âu ủng hộ tuyên bố ngày đại đương về ô nhiễm nhựa, qua đó kêu gọi việc thành lập ủy ban đàm phán liên Chính phủ để nhanh chóng bắt đầu tiến trình đàm phán cho một thỏa thuận toàn cầu mang tính ràng buộc pháp lý về ô nhiễm nhựa. 

Với những nỗ lực của Việt Nam, sự vào cuộc của hệ thống chính trị và sự chung tay của toàn xã hội, hy vọng vấn đề xử lý chất thải nhựa sẽ đạt được những hiệu quả khả quan trong thời gian tới. Rác thải sau khi được phân loại sẽ trở thành nguồn nguyên liệu đầu vào của ngành tái chế, đây là một hướng đi tất yếu trong nền kinh tế tuần hoàn. 

Chương trình truyền thông về phân loại và tái chế chất thải nhựa

Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam và Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) đang phối hợp triển khai Chương trình truyền thông “Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng trong việc phân loại, tái sử dụng và tái chế rác thải nhằm thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn hướng đến phát triển bền vững”.

Chương trình sẽ phối hợp với các công ty môi trường đô thị tại 5 thành phố lớn là Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco), Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP Hồ Chí Minh (Citenco), Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Huế, Công ty Môi trường đô thị Đà Nẵng và Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Cần Thơ. Chương trình đã bước vào giai đoạn triển khai thực hiện, bắt đầu từ ngày 01/9/2021 và kéo dài dự kiến đến hết ngày 31/5/2022.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích