Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động: Kinh nghiệm từ tỉnh Ninh Thuận
Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và CMCN 4.0 tác động ngày càng sâu sắc và nhiều chiều đến các quốc gia. Công nghệ số sẽ thúc đẩy phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; làm thay đổi phương thức quản lý nhà nước, mô hình sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng và đời sống văn hóa, xã hội; làm thay đổi hoàn toàn cách con người tương tác lẫn nhau và tương tác với thế giới. Tuy nhiên, toàn cầu hóa 4.0 cũng song hành với cuộc cạnh tranh khốc liệt trên toàn cầu về khoa học và công nghệ. Toàn cầu hóa, khu vực hóa đã làm cho vấn đề cạnh tranh toàn cầu trở nên ngày càng quyết liệt.
Nền kinh tế của các nước đang phát triển dễ bị thua thiệt nhiều hơn trong cuộc cạnh tranh không ngang sức này. Mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư mở rộng, khai thác tài nguyên, nới lỏng tín dụng, lao động giá rẻ và sự lỏng lẻo trong quản lý môi trường có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, nhưng thiếu tính bền vững, ô nhiễm môi trường,… Những yếu kém về kỹ thuật, công nghệ, vốn, kỹ năng tổ chức nền kinh tế của các nước đang phát triển sẽ làm cho chênh lệch về trình độ phát triển giữa các nước đang phát triển với các nước phát triển ngày càng cách xa hơn. Nền kinh tế Việt Nam nói chung và Ninh Thuận nói triêng cũng không thể tránh khỏi những tác động của quá trình này.
Trong bối cảnh đó, tham gia tiến trình toàn cầu hóa, khu vực hóa một cách tích cực, chủ động cũng là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh, tăng cường kết nối, thúc đẩy hợp tác và phát triển trong khu vực, phát triển kinh tế đất nước, nâng cao vị thế quốc gia. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của nước ta. Đặc biệt là các đường lối, chính sách nhằm tăng năng suất lao động dựa trên hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, được thể hiện cụ thể ở Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030.
Cùng với sự chủ động thực hiện mục tiêu, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế của cả nước, tỉnh Ninh Thuận là một trong các tỉnh đang từng bước thực hiện xây dựng và triển khai kế hoạch nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong những đột phá chiến lược, là cơ sở quan trọng để phát triển kinh tế năng động, nhanh và bền vững, độc lập, tự chủ. Phát triển mạnh mẽ khoa học- công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh.
Ninh Thuận thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động.
Ninh Thuận là tỉnh ven biển thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, có địa giới chung với các tỉnh Khánh Hòa ở phía Bắc, Bình Thuận ở phía Nam, Lâm Đồng ở phía Tây, Phía Đông là Biển Đông. Từ khi tái lập tỉnh Ninh Thuận (Ninh Thuận được tách ra từ tỉnh Thuận Hải (cũ) và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-4-1992), khi đó, Ninh Thuận là tỉnh nghèo của cả nước và còn gặp nhiều khó khăn, do tỉnh nằm ở vị trí địa lý và địa hình khắc nghiệt, trong vùng khô hạn nhất nước, diện tích (cả biển và đất liền) tuy rộng, nhưng dân thưa, đất đai nghèo…
Đối mặt với những khó khăn về điều kiện tự nhiên cũng như điều kiện xã hội, tuy nhiên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh đã phát huy truyền thống đoàn kết, quyết tâm, đồng lòng, vượt qua mọi thử thách, cùng nỗ lực phấn đấu để chuyển mình bứt phá và phát triển.
Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, trong ba năm gần đây, mặc dù đối diện với nhiều khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19 nhưng tỉnh Ninh Thuận vẫn đạt tốc độ tăng trưởng GRDP thuộc nhóm đứng đầu cả nước. Là một tỉnh có xuất phát điểm nền kinh tế – xã hội thấp, sau 31 năm tái lập, kinh tế của tỉnh đã có sự thay đổi mạnh mẽ, phát triển vượt bậc. Từ một tỉnh thuộc nhóm các tỉnh nghèo nhất, vươn lên thành tỉnh phát triển trung bình, tăng trưởng giai đoạn sau cao hơn giai đoạn trước; nhất là giai đoạn 2011-2020 khẳng định, nâng tầm vị thế, phát triển toàn diện theo hướng nhanh và bền vững; với quan điểm biến cái bất lợi của tỉnh trở thành lợi thế cạnh tranh, biến thách thức thành cơ hội phát triển, lấy chủ trương phát triển năng lượng tái tạo là đột phá, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn đạt mức cao.
Đến cuối năm 2022, thu nhập bình quân đầu người (GRDP) đạt 76,8 triệu đồng/người gấp 56 lần so với năm 1992, rút ngắn nhanh khoảng cách chênh lệch so với cả nước. So với năm 1992, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn duy trì mức tăng cao, tăng từ 33,3 tỷ đồng lên 3.394 tỷ đồng; tổng mức đầu tư toàn xã hội tăng nhanh, từ 67,8 tỷ đồng lên 23.486 tỷ đồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, từ nền kinh tế thuần nông, đến nay tỷ trọng công nghiệp, xây dựng tăng 15,8% lên 35,6%; dịch vụ duy trì từ 29,4% lên 30,7% năm 2022; ngành nông, lâm, thủy sản giảm từ 54,8% năm 1992 xuống còn 28,4% năm 2022.
Trải qua chặng đường phát triển, diện mạo của tỉnh Ninh Thuận đã thay đổi nhanh chóng. Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật cũng được tập trung đầu tư, nâng cấp theo hướng hiện đại, đồng bộ; hình thành nhiều khu đô thị, tạo không gian, diện mạo mới. Đến nay, Ninh Thuận có 7 huyện, thành phố, trong đó thành phố Phan Rang-Tháp Chàm đã được công nhận đô thị loại 2. Từ một tỉnh có cơ sở hạ tầng yếu kém, đến nay Ninh Thuận đã có cảng biển, đường sắt, đường bộ, sắp tới đưa vào khai thác đường cao tốc, đường hàng không, hệ thống thuỷ lợi đáp ứng yêu cầu phát triển; đặc biệt, Ninh Thuận đang từng bước hình thành và trở thành Trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo lớn của cả nước; các khu, cụm công nghiệp đã và đang phát huy hiệu quả, thu hút nhiều dự án đầu tư. Môi trường thu hút đầu tư ngày càng thông thoáng, hấp dẫn, đã khơi dậy và phát huy mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; các vùng kinh tế động lực được hình thành ngày càng rõ nét. Để đạt được những thành tựu trên, đã có sự góp phần quan trọng của khoa học công nghệ, cụ thể:
Hoạt động triển khai các nhiệm vụ KH&CN giai đoạn 2016-2020
Có 40 đề tài/dự án được phê duyệt triển khai mới trong giai đoạn 2016-2020 (Bảng 1), với tổng số kinh phí thực hiện đạt 55,9 tỉ đồng. Các lĩnh vực nghiên cứu chủ yếu là Khoa học nông nghiệp và KHXH&NV với số lượng đề tài lần lượt là 18 nhiệm vụ (chiếm 45,0%) và 07 đề tài (chiếm 17,5%), còn lại (37,5%) là các nhiệm vụ KH&CN trong lĩnh vực KHTN, KHKT-CN và KH Y Dược. Bên cạnh đó, hàng năm có nhiều nhiệm vụ KH&CN được chuyển tiếp triển khai ở những năm tiếp theo. Như vậy có thể thấy, đây là bước đi đúng và phù hợp với định hướng của tỉnh về việc vừa tăng cường nghiên cứu và phát triển công nghệ trong các lĩnh vực có thế mạnh như Nông nghiệp, Khoa học kỹ thuật và công nghệ, ứng phó với biến đổi khí hậu lại vừa hướng tới bảo tồn và phát triển các vấn đề văn hóa – xã hội cấp bách cần giải quyết trên địa bàn tỉnh.
Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh Ninh Thuận chú trọng tăng cường năng lực cho các tổ chức KH&CN thông qua việc tạo điều kiện để các tổ chức KH&CN tham gia đề xuất và triển khai nhiệm vụ KH&CN. Theo đó, các tổ chức KH&CN trên địa bàn tỉnh đã triển khai 15 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh (chiếm 37,5%), các tổ chức KH&CN ngoài tỉnh triển khai 23 nhiệm vụ (chiếm 57,5%), còn lại 2 nhiệm vụ do cơ quan quản lý nhà nước trong tỉnh triển khai (chiếm 2%).
Nhiều kết quả nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2016-2020.
Trong đó:
– Lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn: 18 nhiệm vụ KH&CN được triển khai, nhiều đề tài có tính ứng dụng cao, thúc đẩy nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả tích cực trong chuyển giao và nhân rộng các mô hình.
– Lĩnh vực khoa học kỹ thuật – công nghệ: Các kết quả nghiên cứu từ 06 nhiệm vụ khoa học kỹ thuật và công nghệ đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
– Lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn: Tỉnh Ninh Thuận triển khai 07 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh trong lĩnh vực KHXH&NV. Các nhiệm vụ KH&CN tập trung vào cung cấp luận cứ khoa học phục vụ công tác chỉ đạo, hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế – xã hội – văn hóa của tỉnh.
– Lĩnh vực khoa học tự nhiên: Giai đoạn 2016-2020 đã triển khai được 04 nhiệm vụ KHKT-CN, nhiều kết quả nghiên cứu đã đóng vai trò quan trọng trong quản lý và quy hoạch phát triển địa phương.
– Trong lĩnh vực khoa học y – dược: Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Ninh Thuận triển khai 05 nhiệm vụ KH&CN trong lĩnh vực y dược. Các đề tài có nhiều phát hiện mới ứng dụng vào công tác khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trong tỉnh.
Kết quả hoạt động ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo
– Trong giai đoạn 2016-2020, Tỉnh đã xây dựng và chuyển giao, nhân rộng nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN trong các lĩnh vực sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp tại 07 huyện, thành phố; các mô hình xuất phát từ nhiều chương trình KH&CN khác nhau được triển khai.
– Tăng cường hoạt động xúc tiến chuyển giao công nghệ, tạo được chuyển biến rõ nét so với giai đoạn trước đó, đã tổ chức khảo sát hiện trạng và nhu cầu đổi mới công nghệ tại 150 doanh nghiệp trọng điểm trên địa bàn Tỉnh đang hoạt động ở các nhóm ngành: Khai khoáng, công nghiệp chế biến, chế tạo; điện khí đốt, nước nóng hơi nước; xây dựng.
– Ngành du lịch tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin của du khách trong và ngoài nước khi tới Ninh Thuận.
– Ngành giáo dục – đào tạo: Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong dạy, học và quản lý giáo dục tiếp tục có những chuyển biến. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, hệ thống thư viện trường học ở các cơ sở giáo dục được tăng cường theo hướng kiên cố hoá, hiện đại hóa, theo các chuẩn quốc gia đã ban hành.
– Đối với ngành y tế: Hiện nay tỉnh đã triển khai ứng dụng CNTT nhằm nâng cấp các phần mềm quản lý khám chữa bệnh, quản lý hồ sơ bệnh án nhằm đem tới cho người bệnh những dịch vụ tốt nhất, giảm thiểu thời gian làm thủ tục khám, chữa bệnh và thành toán.
– Ngành bưu chính viễn thông: VNPT Ninh Thuận có có 116 trạm viễn thông được lắp đặt thiết bị mạng truyền dẫn trung kế nội tỉnh, 1.304 km cáp quang trung kế và BTS các loại… Ngoài ra, đơn vị còn lắp đặt mới 6 Booster phát sóng ra biển để phục vụ cho ngư dân đi biển.
Kết quả thực hiện hoạt động nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm
Tỉnh Ninh Thuận đã xây dựng và ban hành các văn bản nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng, cụ thể: Quyết định số 56/QĐ-UBND ngày 23/3/2012 phê duyệt Dự án“Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020”. Quyết định số 67/2015/QĐ-UBND ngày 18/9/2015 Ban hành quy định về chế độ hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2016-2020, Quyết định số 519/QĐ-BCĐ ngày 03/4/2018 của Trưởng ban chỉ đạo dự án nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 ban hành Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo dự án nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020.
Thực hiện dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp vừa và nhỏ đến năm 2020, tỉnh Ninh Thuận đã xác định sản phẩm, hàng hoá sản xuất chủ lực của địa phương gồm 13 nhóm chính là: Nhân hạt điều; hải sản các loại; đường cát trắng; muối công nghiệp; chế biến muối tinh; xi măng; may công nghiệp; chế biến tinh bột sắn; gạch tuy nen; đá ốp lát Granite; chế biến nước yến các loại; sản xuất thuốc lá điếu; sản xuất thủy điện. Định hướng chiến lược phát triển thị trường đối với sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh bằng cách mở rộng và đa dạng hóa thị trường đối với sản phẩm, hàng hóa chủ lực, củng cố và phát triển các thị trường đã có và tìm kiếm thêm các thị trường mới, bạn hàng mới, giảm xuất khẩu qua các thị trường trung gian.
Giai đoạn 2016-2020, đã hỗ trợ 264 doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm, hàng hoá chủ lực xây dựng và thực hiện các dự án năng suất chất lượng với các hoạt động: nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ; xác lập quyền sở hữu công nghiệp; đăng ký sử dụng mã số mã vạch, mã truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm; tham gia Chợ công nghệ Techmart và tham gia hoạt động kết nối cung cầu; áp dụng công nghệ quản trị doanh nghiệp thông qua áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến; đạt giải thưởng chất lượng quốc gia.
Kế hoạch nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo
Trong giai đoạn 2021-2030, Ninh Thuận đặt mục tiêu đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 10,84%/năm. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt 200 triệu đồng; kinh tế biển chiếm từ 45-46% GRDP; kinh tế đô thị chiếm 70% GRDP. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp và thủy sản chiếm 18-19% vào năm 2025 và 12-13% vào năm 2030. Công nghiệp-xây dựng chiếm 42-43% vào năm 2025 và chiếm 47-48% vào năm 2030. Các ngành dịch vụ chiếm 39-40% vào năm 2025 và chiếm 40-41% vào năm 2030 trên tổng GRDP của tỉnh.
Để góp phần đạt được mục tiêu trên, Nghị quyết số 36 /NQ-HĐND ngày 22 tháng 7 năm 2022 “Đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đưa ra mục tiêu cụ thể như sau:
(i) Giai đoạn 2021-2025
– Đẩy mạnh ứng dụng, làm chủ và cải tiến công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ sạch, thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần; nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu của khoa học xã hội và nhân văn phục vụ cho công tác quản lý, phát triển kinh tế, xã hội phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam.
– Phát triển doanh nghiệp trở thành trung tâm của đổi mới sáng tạo, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa.
– Đến năm 2025, nâng cao đóng góp của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng thông qua năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP), đóng góp 44 – 45% vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân hàng năm 10 – 11%.
(ii) Giai đoạn 2026-2030
– Tiếp tục phát triển năng lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, hình thành được năng lực và tạo ra những công nghệ mới, nâng cao được năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa có giá trị cao tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; khoa học xã hội và nhân văn góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của tỉnh.
– Chỉ tiêu đóng góp của năng suất tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế đạt mức trên trung bình của cả nước; hệ thống khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự làm nền tảng và động lực cho chuyển đổi mô hình tăng trưởng của tỉnh.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, gắn đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; thực hiện các giải pháp, biện pháp duy trì, cải thiện các chỉ số PCI, SIPAS, PAPI, PAR-INDEX của tỉnh. Ninh Thuận hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân; hoàn thiện các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Tỉnh tập trung phát triển một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng và còn dư địa lớn để làm động lực cho tăng trưởng, nhất là năng lượng, năng lượng tái tạo, du lịch đẳng cấp cao, nông nghiệp đặc thù ứng dụng công nghệ cao, kinh tế biển, kinh tế đô thị, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh.
Các giải pháp chủ yếu nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo
Giải pháp về nâng cao nhận thức về vai trò của KHCN&ĐMST
– Nhận thức đầy đủ về vai trò của KHCN&ĐMST và tác động của nó đối với phát triển kinh tế – xã hội trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển theo chiều sâu; KHCN&ĐMST trở thành yếu tố nòng cốt của phát triển KT-XH.
– Nâng cao quyết tâm chính trị; huy động sức mạnh của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị, của doanh nghiệp và ngươi dân tham gia vào công cuộc đẩy mạnh phát triển ứng dụng khoa học & công nghệ và đổi mới sáng tạo
– Các nhiệm vụ phát triển KHCN&ĐMST của ngành, lĩnh vực phải gắn chặt với các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phát triển KHCN&ĐMST là nhiệm vụ sống còn của hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Giải pháp về huy động các nguồn lực thực hiện nhiệm vụ KHCN&ĐMST
– Về tổ chức KHCN&ĐMST: Tạo cơ chế, chính sách hợp tác, liên kết để huy động tối đa nguồn lực các tổ chức KHCN&ĐMST của tỉnh, tổ chức KH&CN của TW đóng trên địa bàn tỉnh và các tổ chức KHCN&ĐMST trong vùng thực hiện nhiệm vụ phát triển KHCN&ĐMST của tỉnh.
Khuyến khích phát triển các tổ chức và nâng cao năng lực KHCN&ĐMST của doanh nghiệp nhằm chủ động thực hiện nhiệm vụ KHCN&ĐMST của doanh nghiệp và tích cực tham gia thực hiện các nhiệm vụ KHCN&ĐMST của tỉnh.
Xây dựng và phát triển các tổ chức và hoạt động trung gian của thị trường KH&CN; đẩy mạnh hoạt động kết nối cung – cầu về KHCN&ĐMST; cung cấp thông tin, tổ chức giới thiệu trình diễn về công nghệ; tư vấn về mua bán, chuyển giao công nghệ.
– Về nhân lực KHCN&ĐMST: Phát triển nguồn nhân lực KH&CN chất lượng cao, trang bị cho lực lượng lao động có kỹ năng, kiến thức về công nghệ tiên tiến, công nghệ mới của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đáp ứng yêu cầu công nghệ hiện đại của sản xuất, kinh doanh.
Đẩy mạnh việc thu hút các chuyên gia, nhân lực KH&CN trình độ cao làm việc tại các cơ sở KH&CN, doanh nghiệp của tỉnh; tập trung phát triển, nâng cao trình độ của nhân lực làm KH&CN, quản trị công nghệ, sở hữu trí tuệ; chuyên gia năng suất.
– Về tài chính KHCN&ĐMST: Đẩy mạnh hợp tác/đối tác công – tư trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH,CN&ĐMST, đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở KHCN&ĐMST của tỉnh; huy động nguồn lực ngoài ngân sách và thu hút mọi nguồn lực trong xã hội đầu tư cho NC&PT, ứng dụng các thành tựu KH&CN vào sản xuất, kinh doanh của tỉnh.
Triển khai cơ chế liên kết, hợp tác Viện, Trường và doanh nghiệp để thúc đẩy đầu tư vốn cho hoạt động KHCN&ĐMST; tạo cơ chế khuyến khích doanh nghiệp thành lập quỹ phát triển KH&CN hoặc gia tăng đầu tư cho KHCN&ĐMST từ doanh nghiệp.
Lồng ghép, kết hợp, thu hút nguồn lực của các chương trình KHCN&ĐMST, chương trình KT-XH quốc gia, các quỹ quốc gia về phát triển KHCN&ĐMST; vốn khuyến công, khuyên nông đầu tư, tài trợ cho hoạt động KHCN&ĐMST của tỉnh.
Tăng cường vận động, thu hút FDI, nguồn vốn viện trợ phi Chính phủ (NGO), các tổ chức quốc tế, nước ngoài đầu tư cho phát triển KHCN&ĐMST của tỉnh, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, biến đổi khí hậu.
Về hợp tác quốc tế, hợp tác trong nước về KHCN&ĐMST
Đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế, các nước trong khu vực để hợp tác nghiên cứu, tiếp nhận chuyển giao công nghệ các công nghệ mới mà tỉnh và trong nước chưa có thông qua con đường viện trợ hoặc thương mại.
Đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước để tiếp thu công nghệ, sản xuất các phụ kiện phục vụ các hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp FDI, qua đó nâng cao năng lực công nghệ của doanh nghiệp trong tỉnh.
Tiếp tục thúc đẩy hoạt động hợp tác về nghiên cứu, ứng dụng KHCN&ĐMST giữa Ninh Thuận với các Tổ chức KH&CN; các cơ quan quản lý về KH&CN thông qua ký kết các biên bản ghi nhớ, hợp tác.
Nguyễn Mạnh Dần – Viện Năng suất Việt Nam