Một tháng chống Covid-19 với nhiều “bước ngoặt” của Hà Nội
Hà Nội từng ghi nhận đỉnh điểm 133 F0 trong ngày khi ổ dịch Thanh Xuân Trung bùng phát. Tuy nhiên, chiến dịch tổng lực tiêm vắc xin và xét nghiệm đã mang đến thay đổi bước ngoặt.
Hà Nội bước vào đợt giãn cách thứ 3 khi dịch bất ngờ nóng trở lại
Cách đây vừa tròn một tháng, Hà Nội đang trong những ngày cuối của đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 lần thứ 2 trong đợt dịch mới.
Đây cũng là thời điểm Hà Nội vừa trải qua một đợt cao điểm bùng phát dịch với những “điểm nóng” như: nhà thuốc 95 Láng Hạ, Văn Chương – Văn Miếu (Đống Đa); xã Liên Ninh (Thanh Trì)…
Xét nghiệm diện rộng có trọng điểm tại Hà Nội trong giai đoạn cuối tháng 8 (Ảnh: Minh Nhật). |
Nhờ thực hiện chiến lược xét nghiệm diện rộng có trọng điểm ở những vùng nguy cơ cao và các nhóm đối tượng nguy cơ cao, Hà Nội đã nhanh chóng bóc tách được các F0 đang lẩn khuất trong cộng đồng, dần khoanh vùng, kiểm soát được các điểm nóng. Số F0 giảm rõ rệt từ đỉnh ngày 13/8 với 101 ca dương tính SARS-CoV-2 xuống còn khoảng 50 – 60 F0 mỗi ngày.
Tuy nhiên, đến ngày 20/8, qua xét nghiệm sàng lọc khu vực nguy cơ, Hà Nội đã phát hiện ổ dịch tại chung cư HH4C Linh Đàm, quận Hoàng Mai. Cơ quan chức năng cũng đã tạm thời phong tỏa tòa chung cư này. Do đó, trong ngày này, số ca dương tính SARS-CoV-2 tại Hà Nội lại tăng vọt lên 81 ca, trong đó có đến 38 ca ghi nhận trong cộng đồng.
Ngày 18/8, quận Hoàng Mai đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm diện rộng cho khoảng 19.000 cư dân sinh sống trên địa bàn phường Hoàng Liệt tại sân chung tòa HH Linh Đàm. Điểm lấy mẫu xét nghiệm là khu vực sân bên trong cụm tổ hợp các tòa nhà chung cư HH (Ảnh: Đỗ Linh). |
Trong khoảng thời gian đó, thành phố cũng ghi nhận chuỗi lây liên quan đến các nhân viên công ty chuyển phát tại Bắc Từ Liêm.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, UBND thành phố Hà Nội quyết định tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố theo nguyên tắc Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian 14 ngày, kể từ 6h ngày 23/8 đến ngày 6/9.
Giai đoạn đỉnh điểm với “điểm nóng” Thanh Xuân Trung
Với nỗ lực truy vết, khoanh vùng, dập dịch của ngành y tế, ổ dịch tại HH4C Linh Đàm nhanh chóng được kiểm soát chỉ sau vài ngày.
Đến ngày 22/8, Hà Nội chỉ còn ghi nhận 20 ca dương tính SARS-CoV-2, trong đó chỉ có 4 F0 trong cộng đồng.
Trong lúc nhiều người dân thành phố đang lạc quan nghĩ đến kịch bản dịch đã được kiểm soát hoàn toàn trong nay mai, thì ổ dịch mới bùng phát tại phường Thanh Xuân Trung. Hà Nội bước vào giai đoạn dịch phức tạp nhất từ trước đến nay.
Ổ dịch tại phường Thanh Xuân Trung được phát hiện từ ngày 23/8, sau khi 2 mẹ con sống tại ngõ 330 Nguyễn Trãi đi xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc – Phúc Trường Minh có kết quả dương tính SARS-CoV-2.
Điểm nóng Thanh Xuân Trung nhìn từ trên cao (Ảnh: Đỗ Quân). |
Những ngày tiếp theo, tình hình dịch tại Thanh Xuân Trung liên tục leo thang. Ngày 24/8, ổ dịch này phát hiện thêm 18 F0, ngày 25/8, ghi nhận đỉnh điểm 53 F0. Đây cũng là ngày Hà Nội có số F0 trong cộng đồng cao nhất từ khi dịch bùng phát với 73 ca trong tổng số 93 F0 được ghi nhận.
Số F0 liên quan đến Thanh Xuân Trung nhanh chóng chạm mốc 400 ca chỉ sau hơn 10 ngày bùng phát, biến nơi đây trở thành ổ dịch nóng nhất Hà Nội. Các bệnh nhân ghi nhận tại ổ dịch này chủ yếu tập trung ở ngõ 328, 330 Nguyễn Trãi, một số khu tập thể cũ trong khu vực cũng ghi nhận F0.
Đặc thù của khu vực này là đông dân, nhiều ngõ ngách, bên trong là nhiều khu trọ chật hẹp, các khu tập thể cũ (Ảnh: Đỗ Linh). |
Trong cuộc trao đổi với Dân trí về tình hình dịch tại Hà Nội, TS.BS Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam nhận định, từ số liệu thu thập được, có thể thấy các F0 được phát hiện tại ổ dịch này chủ yếu gồm những người bán hàng tại chợ Ngã Tư Sở hoặc tại các cửa hàng nhỏ, nhân viên nhà thuốc, nhân viên bán hàng, bảo vệ siêu thị, người hay đi chợ/mua đồ/cắt tóc và cả những người thường xuyên ở nhà nên không rõ nguồn lây. Nhiều người đã có dấu hiệu ho sốt, chứng tỏ chùm ca bệnh này đã lây lan một thời gian. Phân bố tuổi, giới của các ca nhiễm cho thấy đây là một chùm lây lan cộng đồng.
“Đặc thù của khu vực này là đông dân, nhiều ngõ ngách, bên trong là nhiều khu trọ chật hẹp, các khu tập thể cũ. Mật độ dân đông kèm theo thói quen sinh hoạt cộng đồng khiến tần suất tiếp xúc của người dân ở đây khá cao. Do đó, nguy cơ dịch lây lan rộng và bùng phát mạnh ở khu vực này là luôn hiện hữu”, TS Thu Anh nhấn mạnh.
Chạy đua với diễn biến dịch, Thủ đô đã phối hợp nhiều biện pháp quyết liệt.
Từ ngày 26/8, lực lượng chức năng đã tiến hành phong tỏa toàn bộ ngõ 328 và từ số nhà 2B đến hết ngõ 330 đường Nguyễn Trãi. Khoảng 700 hộ dân với hơn 2.000 người được yêu cầu không ra khỏi khu vực.
Từ ngày 26/8, lực lượng chức năng đã tiến hành phong tỏa toàn bộ ngõ 328 và từ số nhà 2B đến hết ngõ 330 đường Nguyễn Trãi (Ảnh: Đỗ Quân). |
Từ 1-3/9, quận Thanh Xuân tổ chức di dời khoảng 1.000 người là các hộ dân thuộc diện tình nguyện và trong khu vực nguy hiểm ra khỏi ngõ 328, 330 Nguyễn Trãi đến khu cách ly tập trung
Quận đã thiết lập rào chắn tại tất cả các ngõ ngách, lập 13 chốt kiểm soát cứng có lực lượng công an, dân quân tự vệ canh giữ. Ngoài ra, quận đã lắp đặt 10 camera để theo dõi, giám sát khu vực phong tỏa 24/24h. Hệ thống camera này được kết nối về màn hình theo dõi được đặt tại trụ sở Công an phường.
Công dân được di dời khỏi “điểm nóng” Thanh Xuân Trung (Ảnh: Đỗ Quân). |
Cùng với đó, ngành y tế thực hiện nhiều đợt xét nghiệm sàng lọc cho người dân sống trong khu phong tỏa.
Bên cạnh ổ dịch Thanh Xuân Trung, giai đoạn cao điểm này, Thủ đô cũng ghi nhận một số ổ dịch khác với quy mô nhỏ hơn như:
– Ổ dịch tại ngõ 24 Kim Đồng (Hoàng Mai), bùng phát từ 24/8 liên quan đến lái xe chở hàng “luồng xanh” trở về từ TPHCM.
– Ổ dịch chợ Ngọc Hà (Ba Đình), bùng phát từ ngày 28/8. Ca bệnh chỉ điểm là người phụ nữ 53 tuổi, trú tại xã Trung Châu, huyện Đan Phượng, bán hàng tại chợ Ngọc Hà.
– Ổ dịch tại xã Tân Lập (Đan Phượng), bùng phát từ ngày 28/8. Ca bệnh chỉ điểm là ông N.V.T., 75 tuổi, ở đội 10, xã Tân Lập.
Ngày 29/8, số ca dương tính SARS-CoV-2 được ghi nhận tại Hà Nội đạt đỉnh với 133 ca. Tuy nhiên, dấu hiệu tích cực là số F0 trong cộng đồng chiếm tỷ lệ rất thấp, với chỉ 8/133 ca.
Vắc xin và xét nghiệm: Hai mũi giáp công giúp kiểm soát tình hình dịch
Chiều 8/9, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành Kế hoạch số 206/KH-UBND về việc xét nghiệm diện rộng, tiêm chủng vắc xin phòng, chống Covid-19 cho người dân trên địa bàn thành phố. Hà Nội đặt mục tiêu xét nghiệm toàn dân và tiêm vắc xin cho 100% người từ 18 tuổi trở lên.
Tiêm vắc xin cho người cao tuổi tại Hà Nội (Ảnh: Đỗ Quân). |
Việc khởi động chiến dịch tổng lực tiêm vắc xin và xét nghiệm đã mang đến thay đổi bước ngoặt trong cuộc chiến chống dịch tại Hà Nội.
Với sự hỗ trợ của gần 4.000 nhân viên y tế từ 11 tỉnh thành, Hà Nội đã nâng công suất xét nghiệm và tiêm chủng lên nhiều lần, ngày cao điểm tiêm được gần 600.000 liều và lấy hơn 700.000 mẫu xét nghiệm.
Tính đến hết ngày 16/9, thành phố Hà Nội đã tiêm hơn 5 triệu mũi vắc xin Covid-19 và xét nghiệm hơn 4,1 triệu mẫu.
Hà Nội đã mở chiến dịch xét nghiệm cho toàn dân (Ảnh minh họa: Đỗ Linh). |
Một tuần trở lại đây, dịch Covid-19 ở Hà Nội có dấu hiệu “hạ nhiệt”, khi số F0 ghi nhận mới hàng ngày giảm rõ rệt, chủ yếu dao động trong khoảng 20 – 30 F0, đặc biệt có nhiều ngày Thủ đô không có F0 trong cộng đồng.
Đáng chú ý, ngày 17/9, Hà Nội chỉ ghi nhận 12 F0 đều đã được cách ly từ trước. Đây là số ca mắc mới trong ngày thấp nhất trong 2 tháng qua tại Hà Nội.
“Qua việc triển khai công tác tiêm chủng, xét nghiệm, kiểm soát dịch bệnh thời gian qua, thành phố có thể tự tin khẳng định cơ bản đã kiểm soát được dịch”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng nhận định trong cuộc họp chiều 15/9.
Một cửa hàng bán mang về tại vùng xanh của Hà Nội (Ảnh: Đỗ Linh). |
Trước những diễn biến tích cực của tình hình dịch Covid-19, từ 12h ngày 16/9, Hà Nội cho phép 19 quận huyện không ghi nhận F0 cộng đồng từ 6/9, được mở lại một số hoạt động bao gồm cơ sở kinh doanh văn phòng phẩm; cơ sở kinh doanh dịch vụ sửa chữa phương tiện giao thông, điện tử, điện lạnh và đồ gia dụng; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (chỉ bán hàng mang về).
Chiều tối cùng ngày, Công an Hà Nội chỉ đạo các đơn vị tháo dỡ 39 chốt kiểm soát tại các tuyến đường ra, vào phân vùng một (vùng đỏ), tiếp tục duy trì 23 chốt cửa ngõ.
Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết đang tập trung xây dựng phương án để mở lại các loại hình vận tải hành khách công cộng và liên tỉnh theo từng giai đoạn.
Nguồn: Báo xây dựng