Gặp gỡ chuyên gia Lê Ngọc Sơn, Chủ tịch hãng Xử lý Khủng hoảng BCS – Berlin Crisis Solutions
Sinh ra tại vùng quê nghèo Hà Tĩnh, mảnh đất khô căn đầy nắng, gió cùng ý thức về sự vất vả của quê hương, chuyên gia Lê Ngọc Sơn đã nỗ lực gây dựng cho minh một bản lĩnh vững vàng và thành công nơi đất khách khi trở thành Chủ tịch sáng lập và điều hành hãng Xử lý Khủng hoảng BCS – Berlin Crisis Solutions ở độ tuổi rất trẻ. Nhưng ít ai biết rằng, trước khi thành danh ở trời Tây, vị chuyên gia này từng đảm nhiệm vị trí Phó Tổng Biên tập của một tờ tạp chí có tiếng ở Việt Nam.
Chia sẻ về ngã rẽ từ một nhà báo trở thành chuyên gia danh tiếng trong vấn đề xử lý truyền thông về khủng hoảng anh cho biết, anh tự nhận thấy mình là một người có thể nhìn được trước bức tranh về cuộc đời, biết nhìn xu hướng vận động nghề nghiệp và môi trường công việc để thay đổi, thích ứng. Tự dự đoán được những chiều hướng thay đổi, rồi thay đổi chính mình trong cái dòng chảy đó để phát triển bản thân. “Thú thật, lúc bước vào nghề báo, tôi thấy đây là một nghề rất là vinh dự, tự hào, được kính trọng lắm và cũng không dễ dàng gì để trở thành nhà báo. Báo chí vừa là nghề có thu nhập tốt vừa là nghề được xã hội tôn trọng. Nhưng từ khi mạng xã hội nhen nhóm ra đời, tôi nhận thấy, một ngày nào đó báo chí có thể sẽ bị thất sủng. Nhận thức được tương lai, nên tôi đã quyết tâm trau dồi thêm kiến thức, học thêm vốn ngoại ngữ để nâng cao bản thân và tìm kiếm cơ hội” – chuyên gia Lê Ngọc Sơn chia sẻ.
Nhận được học bổng toàn phần để theo đuổi nghiên cứu bậc Tiến sĩ, chuyên ngành Truyền thông và Quản trị Khủng hoảng tại khoa Khoa học Kinh tế và Truyền thông của Đại học Tổng hợp Kỹ thuật Ilmenau, Cộng hoà liên bang Đức và cũng là người Việt Nam đầu tiên nghiên cứu về chuyên ngành này. Thế nhưng, khi được hỏi về những khó khăn nơi đất khách anh lại rất khiêm nhường: dù vất vả, nhưng bản thân anh luôn tìm thấy niềm vui và hạnh phúc với công việc mình làm. “Tôi cũng gặp một vài khó khăn nhất định, việc nghiên cứu đòi hỏi phải vừa học vừa làm. Nhưng với thói quen thích đọc sách nghiên cứu về học thuật nên tôi không có nhiều bờ ngỡ mà luôn cảm thấy vui thích với nó. Cũng chính bởi vì yêu thích, nên việc đến giảng đường tìm hiểu các loại sách về học thuật đã giúp tôi học hỏi được khá nhiều. Sau này, tôi vẫn giữ thói quen đó, đi nhiều, đọc nhiều giúp ích rất nhiều cho tôi trong công việc và khả năng phán đoán, xử lý tình huống” – anh chia sẻ.
Không chỉ là chuyên gia nổi tiếng xử lý truyền thông về khủng hoảng tại Đức, anh còn được biết đến là chuyên gia giúp đỡ rất nhiều doanh nghiệp, doanh nhân nổi tiếng tại Việt Nam xử lý các vấn đề khủng hoảng mà họ gặp phải như: góp phần giải quyết ổn thỏa khủng hoảng Condotel ở dự án Cocobay Đà Nẵng năm 2019; vụ kiện tụng đình đám giữa hai vợ chồng hãng cà phê Trung Nguyên… và mới đây là vụ ồn ào của 2 nghệ sĩ Việt bị cáo buộc hiếp dâm ở Majorca (Tây Ban Nha)…
Theo vị chuyên gia này, nhiều người đang lầm tưởng về khái niệm “khủng hoảng truyền thông” vì không có khái niệm nào là “khủng hoảng truyền thông” cả, bởi lẽ bản thân truyền thông là một phương tiện được các doanh nghiệp sử dụng để quảng bá cho thương hiệu hay sản phẩm của mình. Nên khi khủng hoảng xảy ra, vấn đề không phải do truyền thông mà nằm ở chính doanh nghiệp hay chủ thể truyền thông. Do đó, khủng hoảng truyền thông – Crisis Communication cần được hiểu rõ là truyền thông về khủng hoảng, cần hiểu rõ bản chất của vấn đề để tìm ra đúng nguyên nhân và giải pháp phù hợp.
Cũng như, để xây dựng một thương hiệu hay một doanh nghiệp thành công thì yếu tố quan trọng phải là chất lượng thực sự của doanh nghiệp đó là gì? Chất lượng thương hiệu của doanh nghiệp đó trong cung cấp dịch vụ?
“Có bột mới gột nên hồ”. Nguyên lý cơ bản của việc này rất đơn giản, mọi thứ phải đi lên từ những cái có thật. Mọi thứ phải có thật, làm thật, rồi từ đó mới phát triển và kể một câu chuyện về một thương hiệu hay doanh nghiệp đó.
Hay như thế nào?
Đẹp ra sao?
Tốt cỡ nào?
Và “trong khủng hoảng luôn có cơ hội” – vị chuyên gia này nhận định.
Chuyên gia Lê Ngọc Sơn cho rằng, quan niệm của người Việt về khủng hoảng dưới ảnh hưởng của đạo Phật thì vòng đời của mỗi người được chia thành 4 giai đoạn: sinh – lão – bệnh – tử. Con người sinh ra, già đi theo năm tháng, có bệnh và chết đi… trong 4 giai đoạn đó, thì sinh là một giai đoạn tích cực duy nhất trong cuộc đời so với 3 giai đoạn còn lại phản ánh sự tiêu cực. Sinh ra là tín hiệu duy nhất của sự tích cực nhưng ngay cả giai đoạn sinh vẫn bắt đầu bằng những tiếng khóc chào đời, ra chỉ dấu cho một chuỗi tiêu cực trong cuộc đời phía trước. Trong Tứ Diệu Đế, Đức Phật chỉ ra chân lý nền tảng: “đời là bể khổ” – có nghĩa là cuộc đời này vốn bị ám ảnh bởi sự khổ, sự tiêu cực. Nhưng, “trong sinh có diệt, trong diệt có sinh”, chúng hoà quyện vào nhau, người ta cần làm quen và sống chung với khủng hoảng, không bi quan. Diễn nôm ý của Đức Phật, thì đời là những chuỗi khủng hoảng. Khủng hoảng như là một thực tế song tồn với đời sống mỗi cá nhân. Hiểu được điều đó, con người dễ tìm được cách để ứng biến và giảm thiểu được các thiệt hại.
Nên khi gặp một vấn đề khủng hoảng nào đó, chúng ta phải ngồi lại phân tích vấn đề và nhìn lại bản chất của nó. Nhận diện khủng hoảng mình đang gặp phải là gì và có một cái nhìn thẳng thắn. Trong các lời khuyên của các chuyên gia chiến lược cổ đại Trung Quốc đã chỉ ra rằng, trong một trận chiến “năng thẩm cục, giả đã thắng”. Có nghĩa là thường thì mình biết phân tích tình hình sáng suốt chăm chỉ thì phần thắng sẽ thuộc về mình và tìm ra đâu là tác nhân gây khủng hoảng.
Với lối tư duy kiến tạo cơ hội từ những bất lợi, Mạng lưới chuyên gia từ Đức về Xử lý Khủng hoảng (German Guru Group) của anh được nhiều doanh nghiệp Đức và Việt Nam tin cậy. Và mới đây anh cùng cộng sự của mình đã trở về Việt Nam phát triển mạng lưới kết nối việc làm Việt – Đức rộng khắp. Chia sẻ về lý do trở về anh cho biết: dù đi bất cứ nơi đâu, bất cứ chân trời nào thì mình vẫn là người Việt. “Tôi xuất phát là một cậu bé đồng ruộng từ một gia đình làm nông ở làng quê nghèo Hà Tĩnh. Dù có đi đâu, là chốn thị thành hay ra ngoài thế giới rộng lớn, thì tôi vẫn có một cốt cách như thế. Ngoài vai trò công việc phải làm, khi trở về với bản chất cốt lõi của mình, trong từng giấc ngủ hàng đêm, tâm hồn của mình, cái thao thức của mình vẫn là thao thức của người đi ra từ chốn đồng quê”.
Chính vì thế mà khi trở về, giúp đỡ được cho quê hương điều gì là anh sẵn sàng. Đây cũng chính là lý do anh cùng cộng sự của mình thành lập nên EUES Group (EU’s Employment and Settlement), một lĩnh vực về tư vấn đầu tư, định cư và tìm kiếm việc làm tại Cộng hoà liên bang Đức và châu Âu.
“Tôi sẽ làm bất cứ điều gì để phụng sự cho tổ quốc mình, quốc gia dân tộc mình. Tôi ra đi cũng chỉ mong một ngày được trở về đóng góp cho quê hương” – là những lời chia sẻ nặng lòng của vị chuyên gia này.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu