Nâng cao chất lượng sản phẩm, để hàng Việt đến gần hơn với người Việt
Khai thác thị trường nội địa
Theo nhận định của các chuyên gia, dịch bệnh Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa trên thị trường. Tuy nhiên, thị trường trong nước với quy mô gần 100 triệu dân được xem là đủ rộng cho doanh nghiệp khai thác, vượt qua khó khăn và thách thức.
Kết quả một cuộc điều tra dư luận xã hội của Viện Dư luận Xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương cho thấy, hàng Việt hiện vẫn chiếm tỷ lệ cao từ 60 – 80% trong các cơ sở phân phối không chỉ của doanh nghiệp vốn trong nước mà doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam. Hệ thống bán lẻ hàng Việt hiện đại đang mở rộng nhanh chóng; gần 70% người Việt Nam vẫn ưa chuộng, ưu tiên tiêu dùng hàng nội địa.
Cùng với đó, thời gian qua, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị về triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với cơ quan đầu mối là Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), Bộ Công Thương với vai trò là đơn vị nòng cốt đã có nhiều Chương trình, Đề án hưởng ứng Cuộc vận động, qua đó, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt Nam.
Đáng chú ý, hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là hàng hóa thiết yếu, hàng hóa chống dịch đã được sản xuất và phân phối phục vụ đầy đủ nhu cầu của người dân trước khi bùng phát dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam, hay ngay trong giai đoạn cách ly toàn xã hội và giai đoạn hiện nay.
Minh bạch thông tin về tiêu chuẩn, chất lượng
Mặc dù vậy, một số người dùng cũng cho rằng, chất lượng, mẫu mã và giá cả của nhiều hàng hoá Việt Nam chưa hấp dẫn so với hàng nhập khẩu. Vì vậy, để phát triển và tăng tính cạnh tranh cho hàng Việt, bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, doanh nghiệp cần chủ động đầu tư, thay đổi công nghệ tiên tiến, rút ngắn thời gian sản xuất, tăng năng suất lao động, hạ giá thành nhưng vẫn bảo đảm chất lượng sản phẩm, đa dạng mẫu mã. Đồng thời, doanh nghiệp phnâng cao trình độ và năng lực tổ chức quản lý cũng như tăng cường khả năng liên kết và hợp tác với doanh nghiệp khác.
Mặt khác, doanh nghiệp bán lẻ với các nhà sản xuất cần bắt tay chặt hơn trong việc tạo nguồn hàng sản xuất trong nước với giá cả cạnh tranh đảm bảo đủ tiêu chuẩn chất lượng có thể thỏa mãn nhu cầu mua sắm tiêu dùng đa dạng và ngày càng cao ở Việt Nam. Từ đó cung ứng cho các cơ sở bán lẻ nhằm giảm sự phụ thuộc vào hàng cùng loại nhập khẩu.
Bà Lê Việt Nga cho rằng, doanh nghiệp cần cung cấp thông tin trung thực, cụ thể về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa, dịch vụ để người tiêu dùng dễ dàng tìm hiểu; phối hợp với lực lượng chức năng để kiểm soát tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, buôn lậu, mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
Doanh nghiệp Việt cũng cần nâng cao khả năng quản lý trên các mô hình công nghệ số thông qua việc ứng dụng thương mại điện tử, các phần mềm nghiệp vụ. Đặc biệt, bên cạnh việc tham gia phong trào “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”, doanh nghiệp cần thực hiện đồng bộ các biện pháp về nghiên cứu thị trường, sản phẩm, giá cả, phân phối và xúc tiến thương mại. Điều này tác động tới khả năng tiêu thụ sản phẩm để thỏa mãn nhu cầu khách hàng, từ đó góp phần làm tăng doanh thu, tăng thị phần và vị thế của doanh nghiệp trên thị trường trong nước và quốc tế.
Thời gian tới, Bộ Công thương cho biết sẽ tiếp tục tăng cường triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2021 và các chương trình phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động trong giai đoạn mới hội nhập kinh tế quốc tế, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế – xã hội.
Trong đó, các nội dung sẽ tập trung vào việc đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền về Cuộc vận động và các nội dung “Tự hào hàng Việt Nam”,“Tinh hoa hàng Việt Nam” nhằm quảng bá cho hàng Việt Nam có chất lượng và doanh nghiệp uy tín, sản xuất xanh, áp dụng truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm, khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, mở rộng kênh phân phối hàng hóa.
Thanh Tùng