Lào Cai: Tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 96%
Lào Cai: Tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 96%
Trong những năm qua, việc khai thác và cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tính đến hết năm 2022 số hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 96%.
Tính đến hết năm 2022, số hộ dân tỉnh Lào Cai được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 96%.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 839 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn, các công trình cấp nước đa số có quy mô nhỏ, gồm: 35 công trình có công suất thiết kế cấp nước cho trên 250 hộ; 112 công trình cấp cho từ 100-250 hộ, 692 công trình cấp nước dưới 100 hộ) đảm bảo cho 96% tỷ lệ số hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh.
Mức độ bền vững của công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn được đánh giá thông qua 05 tiêu chí sau: 33 công trình được đánh giá hoạt động bền vững, chiếm tỷ lệ 3,9%; 220 công trình được đánh giá hoạt động tương đối bền vững, chiếm tỷ lệ 26,2%; 467 công trình đang hoạt động kém bền vững, chiếm tỷ lệ 55,7%; 119 công trình không hoạt động, chiếm tỷ lệ 14,2%.
Thực tế hiện nay đang giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước tập trung nông thôn cho 03 đối tượng và áp dụng 04 mô hình quản lý, khai thác, vận hành công trình gồm 03 chủ thể quản lý là: UBND xã, phường, thị trấn; đơn vị sự nghiệp công lập và giao cho doanh nghiệp quản lý.
Đồng thời thực hiện việc giao khoán cho cá nhân hoặc cộng đồng tại địa phương thực hiện quản lý, vận hành 763 công trình, chiếm tỷ lệ 90,9%; với mô hình này hiện có 221 công trình thu được tiền sử dụng nước nhưng đa số thu ở mức thấp để duy trì hoạt động của công trình, chưa theo mức thu quy định của tỉnh, thu không đủ bù chi kinh phí trả công cho người trực tiếp quản lý vận hành và duy tu, bảo dưỡng công trình; 05 Hợp tác xã quản lý 16 công trình, chiếm tỷ lệ 1,9%; các công trình này cơ bản thu được tiền sử dụng nước đảm bảo đủ chi phí vận hành và thực hiện tốt công tác quản lý, sửa chữa, bảo dưỡng, cấp nước thường xuyên cho người dân và Doanh nghiệp quản lý, vận hành 24 công trình.09 đơn vị sự nghiệp công lập quản lý 36 công trình, chiếm 4,2%.
Trung tâm Nước sạch và VSMTNT tỉnh Lào Cai thực hiện quản lý, khai thác 28 công trình; Trung tâm dịch vụ các huyện, thị xã quản lý, khai thác 08 công trình. Có 29 công trình đang được quản lý, vận hành tốt và thực hiện thu tiền sử dụng nước đúng quy định; còn lại 07 công trình chưa thu được tiền sử dụng nước do công trình đang vận hành chạy thử hoặc đã xuống cấp, không đảm bảo phục vụ nhu cầu cấp nước của người dân.01 doanh nghiệp (Công ty cổ phần cấp nước Lào Cai) quản lý 01 công trình cấp nước (công trình CNSH trung tâm xã Bản Vược, huyện Bát Xát), chiếm 0,1%;. Hầu hết các công trình đều thu được tiền nước theo đúng quy định của tỉnh, công trình cấp nước thường xuyên, liên tục và đảm bảo chất lượng, được người dân sử dụng nước đánh giá cao công tác quản lý, vận hành.
Năm 2022 toàn tỉnh Lào Cai có 247/302 công trình thu được tiền sử dụng nước, đạt tỷ lệ 81,8% kế hoạch tỉnh giao, do một số công trình đang thu tiền ở mức rất thấp, khi bị hư hỏng, xuống cấp, không đủ kinh phí sửa chữa bảo dưỡng, dẫn đến công trình không cấp nước thường xuyên và không đáp ứng đủ nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân, do vậy nhiều hộ dân chuyển sang nguồn nước tự kéo và không đóng tiền sử dụng nước và một số công trình hiện đang thu với mức thu thấp, chưa đúng quy định (Quyết định 09/2020/QĐ-UBND ngày 20/3/2020 của UBND tỉnh): Mức thu bình quân là 500 – 2.500 đồng/m3 đối với công trình có đồng hồ và từ 5.000 – 10.000 đ/hộ/tháng đối với công trình không có đồng hồ và có một số công trình khoán thu theo quý hoặc 6 tháng 1 lần.
Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc như: Tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn còn thấp, hết năm 2022 ước đạt 41% (từ công trình cấp nước tập trung nông thôn mới chỉ đạt 12,8%). Trong khi đó, hầu hết việc đầu tư công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn đang được đầu tư còn đơn giản, chưa có thiết bị, công nghệ lọc khử khuẩn, chất lượng nước chỉ đạt ở mức hợp vệ sinh.
Một số công trình đã sử dụng lâu năm, xuống cấp, bị mưa lũ phá hỏng chưa khắc phục được, một số công trình bị mất nguồn cung cấp nước vào mùa khô dẫn đến khả năng cấp nước hạn chế, chất lượng nước không đảm bảo, không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng nước của người dân. Công trình cấp nước được giao cho cộng đồng quản lý, xong các tổ hoạt động chưa hiệu quả, không kiên quyết trong việc thu tiền nước, vì vậy không có kinh phí chi trả công cho người quản lý và duy tu, bảo dưỡng công trình.
Người dân khu vực nông thôn điều kiện kinh tế còn khó khăn, tập quán sử dụng nước không phải trả tiền đã trở thành thói quen, dịch vụ cấp nước nông thôn trong tỉnh còn mang tính công ích, nên đa số các công trình đang thu được tiền sử dụng nước hiện nay chỉ thu ở mức thấp hoặc rất thấp so với quy định. Mức giá đang áp dụng thu tiền sử dụng nước trong tỉnh hiện đang thấp hơn nhiều so với giá tính đúng, tính đủ các loại chi phí (chỉ bằng khoảng 0,3 – 0,5 lần); trong khi tỉnh Lào Cai chưa có chính sách cấp bù hỗ trợ giá tiền nước sinh hoạt nông thôn.
Để nhân dân được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh đúng quy chuẩn của Bộ Y tế trong thời gian tới cần tăng cường công tác khảo sát, giám sát của các Ban HĐND tỉnh, các Tổ đại biểu HĐND các huyện, thị xã, thành phố đối với các chủ thể được giao công tác quản lý, khai thác các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh Lào Cai chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, tổng hợp các danh mục công trình cấp nước tập trung hư hỏng xuống cấp đề xuất xem xét, bố trí nguồn lực sửa chữa, nâng cấp các công trình và chất lượng nước đạt quy chuẩn; đảm bảo cấp nước sạch thường xuyên liên tục, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu các loại bệnh liên quan đến nước; nghiên cứu đề xuất xây dựng chính sách cấp bù giá nước từ ngân sách tỉnh để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đơn vị cấp nước, quản lý công trình; đề xuất xây dựng chính sách “Hỗ trợ đầu tư, nâng cấp công trình nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2023 – 2030” trình HĐND tỉnh ban hành trong năm 2023.
Sở Tài chính, Sở Kế hoạch & Đầu tư tham mưu cho UBND tỉnh cân đối bố trí nguồn lực triển khai thực hiện các Chương trình, chính sách liên quan đến lĩnh vực cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn.Sở Y tếkhẩn trương trình UBND tỉnh ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt cho công trình cấp nước sinh hoạt tập trung và công trình cấp nước nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình để làm cơ sở căn cứ triển khai đánh giá, thẩm định đối với các xã về đích nông thôn mới nâng cao, hoàn thành trong năm 2023.UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai có hiệu quả việc giao kế hoạch thu chi tiền sử dụng nước từ công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn cùng với giao dự toán ngân sách nhà nước hàng năm của các đơn vị quản lý.
Định kỳ tổ chức hội nghị đánh giá công tác quản lý khai thác công trình cấp nước sạch trên địa bàn cấp huyện 6 tháng/1 lần để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhằm nâng cao tính bền vững các công trình cấp nước sinh hoạt ở địa phương; chỉ đạo các phòng ban chuyên môn đánh giá thực trạng công trình cấp nước sinh hoạt trên địa bàn, làm rõ những tồn tại hạn chế, khó khăn vướng mắc và đề xuất giải pháp khắc phục; rà soát và thực hiện công tác thanh lý các công trình cấp nước tập trung không hoạt động đủ điều kiện thanh lý; chỉ đạo UBND các xã/thị trấn ưu tiên lựa chọn giao khoán việc quản lý, khai thác công trình cho Doanh nghiệp hoặc Hợp tác xã thực hiện; chủ động bố trí ngân sách địa phương, vận động các nguồn xã hội hóa để sửa chữa, nâng cấp các công trình cấp nước tập trung đang bị xuống cấp; có lộ trình nâng cấp hệ thống, thiết bị xử lý lọc khử khuẩn đạt chất lượng nước sạch theo quy chuẩn, phấn đấu hoàn thành các tiêu chí về lĩnh vực cấp nước trong xây dựng nông thôn mới, đảm bảo nguồn nước hợp vệ sinh cho người dân.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị