Huawei và tham vọng dẫn đầu về công nghệ 6G
Theo Nikkei đưa tin, ông Nhậm Chính Phi cho biết, công ty sẽ tiếp tục phát triển kinh doanh 5G và trí tuệ nhân tạo, trong khi nỗ lực làm việc để giành vị trí dẫn đầu trong công nghệ mạng sắp tới.
Ông Nhậm giải thích thêm, việc nghiên cứu 6G của công ty là chuẩn bị trước cho “một ngày mưa”, công ty đặt mục tiêu giành được nền tảng bằng sáng chế 6G. Chính vì thế, không được chờ đợi cho đến khi 6G trở nên khả thi vì chờ đợi sẽ áp đặt những hạn chế lên công ty do thiếu bằng sáng chế.
Được biết, hiện Huawei nắm giữ số lượng bằng sáng chế thiết yếu tiêu chuẩn (SEP) công nghệ 5G lớn nhất thế giới. SEP bao trùm công nghệ được dùng trong các tiêu chuẩn của ngành và cần thiết để sản xuất các thiết bị tương thích với các tiêu chuẩn đó.
Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính gần đây của Huawei cho thấy công ty này vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Hãng công nghệ có trụ sở ở Thẩm Quyến chứng kiến doanh thu giảm 38% trong quý 2/2021, mức giảm mạnh nhất kể từ khi Mỹ cắt đứt sự tiếp cận của Huawei với nguồn cung con chip chủ chốt và công nghệ nghệ Mỹ, từ các công cụ thiết kế chip cho tới hệ điều hành Android của Google cho điện thoại thông minh (smartphone).
Ngay tại thời điểm đó, Huawei đã triển khai một loạt nỗ lực nhằm vực dậy kinh doanh.
Hồi tháng 7, Huawei giành một hợp đồng lớn về cung cấp thiết bị viễn thông 5G cho một nhà mạng viễn thông hàng đầu ở Trung Quốc. Hãng đã công bố một mẫu smartphone cao cấp mới nhưng mẫu điện thoại này không được trang bị 5G do không đủ nguồn cung chip cần thiết.
Huawei đang tìm kiếm những nguồn lợi nhuận mới để duy trì hoạt động và cố gắng tạo ra những mảng kinh doanh mới như công nghệ hỗ trợ ngành khai mỏ và ô tô điện. Ngoài ra, hãng cũng yêu cầu các nhà sản xuất smartphone khác trả tiền bản quyền bằng sáng chế, đồng thời bán thương hiệu smartphone bình dân Honor cho một nhóm nhà đầu tư Trung Quốc vào năm ngoái.
Ông Nhậm đang trông chờ vào đội ngũ nghiên cứu và phát triển (R&D) của Huawei để đưa công ty phục hồi từ lệnh trừng phạt mạnh mẽ nhất mà Mỹ từng áp lên một công ty. Trong cuộc nói chuyện, ông hứa sẽ tuyển dụng những người xuất sắc nhất trên thế giới, sẵn sàng trả họ mức lương cao hơn so với đề xuất của các công ty đối thủ.
Nhà sáng lập 76 tuổi chia sẻ, dựa trên hệ thống R&D này, công ty sẽ không chỉ dẫn đầu thế giới về 5G, mà quan trọng hơn, Huawei sẽ dẫn đầu thế giới trong những lĩnh vực rộng hơn.
Là một kỹ sư làm việc trong quân đội Trung Quốc trước khi sáng lập Huawei, ông Nhậm đang nhìn về thế hệ tiếp theo của công nghệ không dây sau 5G. Ông nói với nhân viên của mình rằng công nghệ 6G “có thể có khả năng phát hiện và cảm ứng”, vượt khỏi khả năng truyền dữ liệu như của các công nghệ hiện có”.
Công nghệ 6G tuy còn sơ khai nhưng hứa hẹn mở ra cánh cửa cho nhiều ứng dụng viễn tưởng hơn, bao gồm các lĩnh vực nghiên cứu không gian, khoa học trái đất. Cũng như 5G, 6G trở thành một điểm cạnh tranh giữa các nền kinh tế lớn trên thế giới. Trung Quốc ưu tiên công nghệ 6G như một trong những lĩnh vực nghiên cứu quan trọng, còn Mỹ và Nhật Bản đổ nhiều tiền vào phát triển 6G. Cả Mỹ và Nhật đều đi sau Trung Quốc trong phát triển và triển khai 5G.
Hiện Chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu nghiên cứu công nghệ 6G. Theo báo cáo của truyền thông nước này, các bộ chính phủ và viện nghiên cứu đã có các cuộc họp ban đầu với mục đích thành lập nhóm nghiên cứu và phát triển công nghệ 6G quốc gia. Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc cho biết sẽ thành lập 2 nhóm công tác để thực hiện các hoạt động nghiên cứu 6G.
Ngoài ra, chính phủ Đức cho biết, họ có kế hoạch chi đến tới 700 triệu EUR cho nghiên cứu về các công nghệ 6G vào năm 2025. Trong một thông cáo, Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Liên bang Đức (BMBF) cho biết bắt đầu sáng kiến nghiên cứu đầu tiên của Đức về công nghệ 6G trong tuần này. Bộ cho biết mục đích của biện pháp tài trợ đầu tiên là tạo cơ sở cho một hệ sinh thái đổi mới các công nghệ truyền thông trong tương lai xung quanh 6G.
Diệu Hương (T/h)