Đồng Nai: 5 tháng giải ngân vốn đầu tư công đạt 14%

(Xây dựng) – Tính chung, trong 5 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đạt khoảng 14% so với kế hoạch. Nếu trừ đi nguồn vốn thực hiện kéo dài của năm 2022, tỷ lệ giải ngân trong 5 tháng đầu năm của tỉnh chỉ đạt hơn 12% kế hoạch.

Đồng Nai: 5 tháng giải ngân vốn đầu tư công đạt 14%
Tỉnh Đồng Nai là một trong các tỉnh có mức giải ngân vốn đầu tư công thấp nhất cả nước.

Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai cho biết: Đến cuối tháng 5/2023, tính theo từng nguồn vốn, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đối với nguồn vốn ngân sách tỉnh là hơn 598 tỷ đồng, đạt hơn 16% so với kế hoạch; với nguồn vốn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, đã giải ngân gần 16 tỷ đồng, đạt hơn 1% kế hoạch; nguồn vốn ngân sách địa phương giải ngân gần 1,7 nghìn tỷ đồng, đạt gần 17% so với kế hoạch.

Tính chung, trong 5 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 14% so với kế hoạch. Tuy nhiên, nếu trừ đi nguồn vốn thực hiện kéo dài của năm 2022, tỷ lệ giải ngân trong 5 tháng đầu năm của tỉnh chỉ đạt hơn 12% kế hoạch, tức trung bình mỗi tháng, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt khoảng 2%. Tính đến ngày 31/5, trên địa bàn tỉnh có 7 đơn vị có tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công là 0%.

Nguyên nhân của sự chậm trễ này được Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Đồng Nai giải thích: Những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ lập hồ sơ dự án chậm là những nguyên nhân chính khiến cho tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh đến nay vẫn đạt thấp.

Ông Cao Tiến Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai lo lắng: Với tiến độ như hiện nay, Đồng Nai sẽ khó có thể đạt mục tiêu giải ngân 60% nguồn vốn đầu tư công vào cuối tháng 9 và trên 95% trong năm 2023.

Để tháo gỡ khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, ông Cao Tiến Dũng yêu cầu các chủ đầu tư phải hết sức nghiêm túc với các đơn vị tư vấn. Hồ sơ gửi thẩm định nếu bị trả lại thì phải trừ vào chi phí tư vấn đã ký.

Các đơn vị liên quan phải rà soát từng khâu, sớm tháo gỡ các vướng mắc trong quy trình xây dựng cơ bản. Thường xuyên đeo bám hoàn chỉnh hồ sơ nghiệm thu khối lượng thực hiện để nâng tỷ lệ giải ngân nguồn vốn.

Đặc biệt, thành phố Biên Hòa phải tập trung cho công tác xây dựng các khu tái định cư và giải phóng mặt bằng. Bởi thời gian qua, các công tác này triển khai rất chậm.

Tại Đồng Nai, tổng nguồn vốn đầu tư công năm 2023 là hơn 12.958 tỷ đồng, như vậy mức giải ngân này của Đồng Nai còn thấp hơn bình quân chung của cả nước.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích