Doanh nghiệp Gia Lai kiến nghị về chính sách điện gió, điện mặt trời

Ngày 23/6, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Gia Lai cho biết, đã có công văn gửi lên Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch VCCI về những khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án điện gió, điện mặt trời trên địa bàn.

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Gia Lai kiến nghị cần tiếp tục chủ trương và cơ chế, chính sách nhất quán về thúc đẩy phát triển điện gió, điện mặt trời để đóng góp phát triển địa phương và bảo đảm an ninh năng lượng của đất nước. 

Với chủ trương khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng, trong những năm qua Gia Lai đã thu hút được nguồn lực to lớn từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước để phát triển năng lượng điện tái tạo. 

Hiện Gia Lai có 17 dự án điện gió, 11 dự án đã vận hành thương mại (trong đó có 4 dự án vận hành một phần), còn 6 dự án đang hoàn thiện thủ tục. Ngày 7/1/2023, Bộ Công Thương có Quyết định số 21/QĐ-BCT ban hành khung giá phát điện nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp nhưng về giá bán điện còn thấp và còn thiếu các văn bản hướng dẫn cụ thể.

z4455607767961_7e9342e6aa95e5f9cc5bb88ab4623383
Nhà máy Điện gió Phát triển Miền núi của Công ty cổ phần Điện gió Chư Prông Gia Lai đang hoàn thành thủ tục đi vào hoạt động. Ảnh: Thanh Tuấn. 

Tỉnh Gia Lai có 17 dự án điện gió với vốn đầu tư trên 43.197 tỉ đồng, theo tính toán 1 MW điện gió đóng góp ngân sách 550 triệu đồng/năm. Nếu 1.242 MW điện gió vận hành thương mại đầy đủ sẽ đóng góp khoảng 680 tỉ đồng, chiếm trên 13% tổng thu ngân sách của tỉnh Gia Lai.  

DSC_9308
Nhà máy Điện gió Chế biến Tây Nguyên của Công ty cổ phần Năng lượng gió Chư Prông Gia Lai chuẩn bị đi vào hoạt động. Ảnh: Minh Vỹ.

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Gia Lai kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần ghi nhận đóng góp của các Dự án điện năng lượng mặt trời, điện gió trong việc phát triển địa phương, an ninh năng lượng quốc gia. Đề nghị phải tạo sự ổn định, liên tục trong cơ chế, chính sách, tránh sự thay đổi đột ngột làm ảnh hưởng tới quyền lợi của doanh nghiệp đã và đang đầu tư, ảnh hưởng tới môi trường đầu tư chung của nền kinh tế. 

Cơ chế, chính sách thay đổi đột ngột, không có tính kế thừa, tiếp nối sẽ có thể dẫn đến doanh nghiệp mất tiền, mất niềm tin, thậm chí phá sản, người lao động mất việc làm, gây bất ổn xã hội. 

Các dự án điện nói chung và điện gió, điện mặt trời nói riêng có tổng vốn đầu tư rất lớn và trong đó phần lớn là vốn vay phải gánh lãi suất. Hiện nay, có không ít dự án gặp khó khăn đối với các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực này nhất là về cơ chế giá điện chuyển tiếp. Doanh nghiệp Gia Lai kiến nghị Quốc hội và Chính phủ tiếp tục có chỉ đạo để sớm giải quyết được dứt điểm các khó khăn vướng mắc này cho doanh nghiệp.

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích