Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 21/6/2023
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 21/6/2023
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 21/6/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 21/6/2023 trên Môi trường và Đô thị.
Các hồ thủy điện đã vượt mực nước chết
Cụ thể, trên cả nước, lưu lượng nước về các hồ đã vượt mực nước chết. Lưu lượng nước về hồ thủy điện khu vực Bắc Bộ ổn định, tăng so với hôm qua; Khu vực Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ lưu lượng về hồ thấp, dao động nhẹ; Duyên hải Nam Trung Bộ giảm nhẹ so với ngày hôm qua.
Mực nước hồ chứa thủy điện khu vực Bắc Bộ tăng nhẹ; Khu vực Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ mực nước dao động nhẹ; Khu vực duyên hải Nam Trung Bộ giảm nhẹ so với ngày hôm qua. Mực nước các hồ khu vực duyên hải Nam Trung Bộ nằm trong phạm vi mực nước tối thiểu theo quy định của Quy trình vận hành.
Lưu lượng, mực nước tại các hồ thủy điện thấp, dự báo lượng nước về các hồ trong thời gian tới chưa cao, các nhà máy thủy điện khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ chủ yếu điều tiết nước đảm bảo dòng chảy tối thiểu, phát điện cầm chừng để đảm bảo an toàn tổ máy khi vận hành, nâng cao mực nước phát điện.
– Một số hồ xấp xỉ mực nước chết: Thác Bà, Bản Vẽ, Đồng Nai 3; Một số hồ mực nước thấp: Thác Mơ.
– Một số thủy điện phát điện cầm chừng với lưu lượng, mực nước, công suất thấp: Sơn La, Huội Quảng, Bản Chát, Thác Bà, Bản Vẽ, Thác Mơ, Đồng Nai 3.
Khu vực Bắc Bộ đã bước vào mùa lũ, tuy nhiên lưu lượng về các hồ chứa thấp. mực nước hồ tăng chậm, phát điện cầm chừng.
Dự báo tình hình thủy văn, lưu lượng nước về hồ 24h tới các hồ khu vực Bắc Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ tăng nhẹ; Khu vực Bắc Trung Bộ, duyện hải Nam Trung Bộ dao động nhẹ, ở mức thấp.
Hưởng ứng tháng hành động vì môi trường hướng tới chuyển đổi xanh
Trong những năm qua, Việt Nam đã và đang thực thi nhiều cơ chế, chiến lược, chính sách, đề án để giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường. Nhận thấy rõ yêu cầu bức thiết bảo vệ môi trường thông qua phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã dành 6 điều quy định rõ ràng về việc phân loại, lưu giữ, chuyển giao; Chi phí thu gom vận chuyển; Xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) và đã quy định chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân thành 3 loại: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; Chất thải thực phẩm; CTRSH khác.
Việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt ngay tại nguồn phát sinh có vai trò vô cùng quan trọng trong việc giảm thiểu chi phí xử lý chất thải. Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã quy định việc phân loại và chế tài xử lý hành vi không phân loại chất thải rắn sinh hoạt nhằm mục tiêu xây dựng và phát triển một nếp sống xanh, sống văn minh và bền vững trong chuỗi kinh tế tuần hoàn không thể tách rời việc phân loại rác.
Với mong muốn chung tay gìn giữ và bảo vệ môi trường, Trung tâm Truyền thông TN&MT – Bộ TN&MT cùng Công ty ô tô Toyota Việt Nam đã tổ chức Lễ phát động Chương trình “Toyota Việt Nam hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường – Hướng tới chuyển đổi xanh năm 2023” để triển khai thực hiện nhiều hoạt động đóng góp xã hội có quy mô lớn và giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho cộng đồng, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, phân loại rác thải tại nguồn, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên, người dân chủ động tham gia, đóng góp tích cực vào sự nghiệp bảo vệ môi trường.
Trong Lễ phát động Chương trình “Toyota hưởng ứng tháng hành động vì môi trường hướng tới chuyển đổi xanh năm 2023”, ông Nakano Keita hy vọng chương trình sẽ góp phần nâng cao nhận thức về phân loại và xử lý rác thải cũng như khuyến khích người dân tại Xuân Hòa – Vĩnh Phúc tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, qua đó cùng chung tay giữ gìn môi trường sống xanh – sạch – đẹp cho cả thế hệ hôm nay và mai sau.
Tại buổi Lễ phát động, nhằm góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao nhận thức về thu gom, phân loại rác thải tại nguồn cho cộng đồng, Bộ TN&MT và Công ty ô tô Toyota Việt Nam đã trao tặng các thùng phân loại thu gom rác thải cho đại diện TP. Phúc Yên, UBND phường Xuân Hòa tới các hộ gia đình, thôn, xã nơi tập kết rác thải.
Ông Đinh Quang Trung – Phó Chủ tịch UBND phường Xuân Hòa cảm ơn hoạt động rất thiết thực và ý nghĩa của Trung tâm Truyền thông TN&MT- Bộ TN&MT cùng Công ty Toyota Việt Nam qua Chương trình “Toyota hưởng ứng tháng hành động vì môi trường hướng tới chuyển đổi xanh năm 2023”. Nhận thức được tầm quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, những năm qua, UBND phường Xuân Hòa đã quan tâm chỉ đạo các tổ dân phố (TDP), các cơ quan đoàn thể đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường.
Đồng thời thực hiện tốt nếp sống văn minh đô thị, tham gia có hiệu quả các phong trào “Chủ nhật xanh” cùng các hoạt động cụ thể thiết thực như vẽ tranh tường, trồng các đường hoa,… Các Tổ dân phố trên địa bàn đã triển khai xây dựng 12 tuyến đường sáng, xanh, sạch đẹp, xây dựng các tuyến phố tự quản về môi trường, giữ gìn công tác vệ sinh môi trường, phân loại rác tại nguồn, sử dụng hợp lý tài nguyên và môi trường… góp phần giảm thiểu tổng lượng rác thải trong cộng đồng thải ra môi trường, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải. Thông qua Lễ phát động, ông Quang Trung mong muốn Bộ TN&MT, các cơ quan, đơn vị tiếp tục hỗ trợ quan tâm nhiều hơn trong công tác bảo vệ môi trường đến với địa bàn phường Xuân Hoà nói riêng và trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc nói chung.
Qua đó, UBND phường Xuân Hòa thực hiện hoạt động ra quân thu gom, phân loại rác thải tại đường Phạm Văn Đồng, phường Xuân Hòa cho người dân trên địa bàn phường thu gom và phân loại rác thải tại nguồn.
Quản lý và phát triển bền vững nguồn tài nguyên nước quốc gia
Tham dự Tọa đàm có các Đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên nước.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Lê Thanh Kim chia sẻ: Trong vài thập kỷ gần đây, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển về kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp quan trọng trong sự tăng trưởng kinh tế, xã hội, công cuộc xóa đói, giảm nghèo, tài nguyên nước của Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có những thách thức như: biến đổi khí hậu dẫn đến tình trạng ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước vẫn tiếp tục gia tăng.
Đặc biệt, cách đây khoảng nửa tháng, chúng ta chứng kiến thấy các hồ thủy điện đã cạn, là minh chứng cho những tác động của biến đổi khí hậu và cạn kiệt nguồn nước.
Mặt khác, tăng trưởng kinh tế không ngừng dẫn đến nhu cầu nước của các ngành kinh tế-xã hội tăng lên, cũng như nhu cầu sinh hoạt dân sinh đòi hỏi phải có nguồn nước để bảo đảm cho cuộc sống và cần nhiều hơn nữa trong quá trình phát triển đời sống của con người. Việc quản lý và phát triển hiệu quả nguồn tài nguyên nước là vấn đề vô cùng quan trọng với tất cả các quốc gia trên thế giới. Vấn đề an ninh nguồn nước đã và đang được đặt ra tại nhiều quốc gia.
Vì vậy, để tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng và bảo tồn tài nguyên nước, hướng tới bảo đảm an ninh nguồn nước, Bộ TN&MT đã xây dựng Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) trình Chính phủ trình Quốc hội. Hiện nay, dự thảo Luật đang được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV. Dự án luật không chỉ được cộng đồng các doanh nghiệp mong đợi mà còn được cơ quan Nhà nước các cấp quan tâm bởi sự kỳ vọng vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý tài nguyên nước trong bối cảnh cần tăng cường bảo đảm an ninh nguồn nước, khắc phục những bất cập, tồn tại trong công tác quản lý tài nguyên nước và yêu cầu hội nhập quốc tế.
Với tầm quan trọng của tài nguyên nước trong đời sống xã hội, ông Lê Thanh Kim cho biết, Tọa đàm “Quản lý và phát triển bền vững nguồn tài nguyên nước” được tổ chức nhằm trao đổi, thảo luận các ý kiến vào vấn đề quản lý và phát triển bền vững nguồn tài nguyên nước, qua đó đóng góp vào các quy định của Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đang được Quốc hội cho ý kiến để hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch, khai thác tối đa nguồn lực tài nguyên nước, bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia.
“Báo Đại biểu Nhân dân mong muốn nhận được góp ý của các chuyên gia, các đại biểu về việc quản lý nhà nước về tài nguyên nước- những khó khăn, thách thức đặt ra hiện nay; phân định chức năng quản lý nhà nước về tài nguyên nước từ quy hoạch, điều tra cơ bản, thăm dò, khai thác, sử dụng, bảo vệ phát triển thủy lợi… Đặc biệt, đưa ra những giải pháp nhằm quản lý và phát triển bền vững nguồn tài nguyên nước, đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).”- ông Lê Thanh Kim nhấn mạnh.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Ngô Mạnh Hà chia sẻ, thực trạng quản lý tài nguyên nước ở Việt Nam còn rất nhiều bất cập.
Thứ nhất, có sự giao thoa chồng chéo. Trên một dòng sông có rất nhiều bộ, ngành quản lý, nhiều đạo luật có phạm vi điều chỉnh liên quan đến dòng sông. Vì vậy, công tác triển khai sẽ giảm hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý.
Bên cạnh đó, Luật Tài nguyên nước năm 1998 và năm 2012 thiếu hẳn khung pháp lý về an ninh nguồn nước. Với bối cảnh tài nguyên nước chịu nhiều áp lực nền, cộng thêm việc chưa có cơ chế rõ ràng để tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào công tác bảo vệ, phát triển tài nguyên nước trong bối cảnh điều kiện – nguồn lực đầu tư cho ngành nước cực kỳ hạn chế.
Thứ hai, việc sử dụng nước không hiệu quả và việc chưa tính toán đầy đủ giá trị của tài nguyên nước trong các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội. Khâu thực thi pháp luật ở địa phương còn chưa nghiêm và nhiều tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước chưa hợp lý và chưa đúng các quy định về pháp luật. Vì vậy, vấn đề sửa đổi hệ thống pháp luật về tài nguyên nước là rất cấp bách.
Theo thống kê, cả nước hiện có hơn 900 hệ thống công trình thủy lợi với khoảng 70.000 công trình gồm 6.750 hồ chứa nước, gần 20.000 trạm bơm, gần 300.000 km kênh mương và hàng chục nghìn km đê sông, đê biển.
Việc quản lý nhà nước từ quy hoạch, điều tra cơ bản, thăm dò, khai thác, sử dụng, bảo vệ phát triển thủy lợi chiếm một tỷ lệ rất lớn trong quản lý nguồn nước. Do vậy, nếu không làm rõ và phân định chức năng quản lý nhà nước về tài nguyên nước sẽ làm giảm hiệu quả hoạt động do sự chồng chéo về nhiệm vụ.
Với 2 chủ đề “Nhiều thách thức về chính sách quản lý tài nguyên nước” và “Kỳ vọng vào quyết sách lớn cho nguồn nước quốc gia, tại tọa đàm, các chuyên gia, nhà quản lý đã góp ý kiến về việc quản lý nhà nước về tài nguyên nước – những khó khăn, thách thức đặt ra hiện nay. Cùng với đó, phân định chức năng quản lý nhà nước về tài nguyên nước từ quy hoạch, điều tra cơ bản, thăm dò, khai thác, sử dụng, bảo vệ phát triển thủy lợi…
Các đại biểu cũng đề xuất những giải pháp nhằm quản lý và phát triển bền vững nguồn tài nguyên nước, góp ý vào dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Bảo vệ môi trường nông thôn Bắc Kạn
Những năm qua công tác bảo vệ môi trường ở khu vực nông thôn đã được cấp ủy, chính quyền và Nhân dân quan tâm thực hiện, tạo cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp góp phần quan trọng trong tiêu chí xây dựng nông thôn mới tỉnh Bắc Kạn.
Công tác bảo vệ môi trường ở các khu vực thành thị, nông thôn luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Bắc Kạn quan tâm chỉ đạo thực hiện. Đối với UBND thành phố đã xây dựng Đề án thu gom rác thải sinh hoạt theo hình thức xã hội hóa tại 04 phường nội thị và một số thôn, tổ lân cận, ký hợp đồng với 02 đơn vị thực hiện xử lý môi trường đồng thời đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải, việc xử lý rác thải sinh hoạt đã được thu gom, xử lý bằng công nghệ lò đốt…
Bên cạnh đó việc di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được tỉnh chú trọng thực hiện. Cụ thể như việc xử lý 01 điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật tại Bản Vén, xã Đôn Phong (Bạch Thông). Thực hiện rà soát, điều chỉnh dự án của 04 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh…
Đối với các huyện, phong trào bảo vệ môi trường như dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm, trồng cây xanh; đẩy mạnh thực hiện phong trào “3 sạch” của Hội Phụ nữ các cấp đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân trong giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường trong khu dân cư. Nhiều gia trại chăn nuôi đã đầu tư xây dựng hệ thống biogas để xử lý chất thải phát sinh trong quá trình chăn nuôi.
Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đang triển khai thực hiện trên 70 mô hình ở khu dân cư như mô hình “Vệ sinh môi trường khu dân cư”; mô hình “Khu dân cư tự quản đảm bảo môi trường; mô hình “Con đường tự quản”; mô hình “Làng sức khỏe”; mô hình “Bảo vệ môi trường, chỉnh trang khuôn viên nhà ở, vệ sinh đường làng ngõ xóm sáng – xanh – sạch – đẹp”; mô hình “Khu dân cư thực hiện hài hòa giảm nghèo bền vững và bảo vệ môi trường, gắn với biến đổi khí hậu”…
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, tình hình phát sinh và xử lý chất thải, tổng lượng chất rắn phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 197.908,3 tấn/năm. Trong đó, có 59,5 tấn chất thải nguy hại; 74.628,2 tấn chất thải rắn sinh hoạt thông thường; 109,3 tấn chất thải rắn y tế; 123.111,3 tấn chất thải rắn công nghiệp. Toàn tỉnh hiện có 08/08 huyện, thành phố được đầu tư công trình kết cấu hạ tầng và lò đốt rác thải sinh hoạt.
Việc thực hiện tiêu chí môi trường không đòi hỏi phải đầu tư lớn về cơ sở vật chất nhưng phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức và ý thức trách nhiệm của chính quyền và người dân. Trong giai đoạn 2021 – 2025 tỉnh Bắc Kạn phấn đấu có 77 xã thực hiện hoàn thành tiêu chí số 17 (Môi trường và an toàn thực phẩm), đến hết năm 2022 có 31 xã đạt tiêu chí này, mục tiêu đến hết năm 2023 phấn đấu có thêm 46 xã đạt tiêu chí số 17. Do đó, cùng với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, đoàn thể, mỗi người dân cần nâng cao ý thức hơn nữa trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường, góp phần chung tay bảo vệ môi trường ngày càng xanh – sạch – đẹp để hoàn thành lộ trình xây dựng nông thôn mới và giữ vững các tiêu chí đã đạt được.
Khu vực Trung Bộ có nguy cơ xảy ra hạn hán và thiếu nước
Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết trên cả nước hiện chỉ còn khu vực Trung Bộ đang trong mùa khô, có nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước.
Trên cơ sở tình hình nguồn nước, dự báo mưa, trong vụ Hè Thu 2023 dự kiến từ 10.600-18.000ha có nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước.
Khu vực Bắc Trung Bộ dự báo sẽ có khoảng 7.000-10.500ha thiếu nước, cụ thể Thanh Hóa từ 2.000-3.000ha, Nghệ An từ 3.500-4.500 ha, Hà Tĩnh 300ha, Quảng Bình 100-600ha, Quảng Trị từ 1.000-2.000ha, Thừa Thiên-Huế 100ha; khu vực Nam Trung Bộ có khoảng 3.600-7.500ha, cụ thể Quảng Nam từ 2.000-3.000 ha, Quảng Ngãi từ 500-2.000 ha, Bình Định từ 500-1.000ha, Phú Yên từ 500-1.000ha, Ninh Thuận từ 100-500ha.
Hiện lượng nước trữ lại các hồ chứa thủy lợi tại khu vực Bắc Bộ có dung tích bình quân đạt 50,5% dung tích thiết kế, tăng 4% so với tuần trước.
Tại khu vực Bắc Trung Bộ, dung tích hồ chứa thủy lợi trung bình toàn vùng đạt 48,5% dung tích thiết kế, giảm 1,5% so với tuần trước. Tại khu vực Nam Trung Bộ, dung tích bình quân các hồ chứa thủy lợi đạt 65% dung tích thiết kế, giảm 3% so với tuần trước.
Tại khu vực Tây Nguyên, dung tích bình quân các hồ chứa thủy lợi đạt 49% dung tích thiết kế, tăng 6% so với tuần trước.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, El Nino có khả năng sẽ tiếp tục phát triển từ tháng 6 cho tới hết năm 2023 và duy trì đến năm 2024 với xác suất khoảng 80-90%. Dự báo thời gian đỉnh điểm của El Nino có thể xảy ra từ tháng 11/2023 đến tháng 1/2024. Trong điều kiện ảnh hưởng của El Nino thường gây thiếu hụt lượng mưa ở hầu hết các vùng trên cả nước, phổ biến từ 25-50%.
Với các nhận định tác động đến khí tượng, thủy văn của hiện tượng El Nino nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ở cấp độ cao (cấp độ 3-4), trên phạm vi rộng, kéo dài ở một số vùng trên cả nước, đặc biệt tại các khu vực Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, Trung Bộ và Đông Nam Bộ từ mùa khô năm 2024 đến năm 2025.
Tại Đồng bằng sông Cửu Long hiện xâm nhập mặn có xu thế giảm. Ranh mặn 4 g/l lớn nhất trong tuần từ 25-35km tại trên các cửa sông Cửu Long, từ 25-30km trên sông Vàm Cỏ. Xâm nhập mặn không ảnh hưởng đến nguồn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Để bảo đảm nguồn nước phục vụ sinh hoạt, công nghiệp và sản xuất nông nghiệp, chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn do tác động của hiện tượng El Nino, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị các tỉnh, thành phố thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin dự báo nguồn nước và xây dựng kế hoạch sử dụng nước trên các lưu vực sông.
Sạt lở bờ sông làm 3 căn nhà ở Sóc Trăng chìm xuống sông
Tin trên VOV, theo báo cáo nhanh của văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sóc Trăng, vào khoảng 23h45 ngày 20/6, vụ sạt lở diễn ra đến 4h sáng 21/6, tại đoạn bờ sông Rạch Mọp khu vực Vàm ấp Phụng Tường, với chiều dài khoảng 40 m, độ sâu khoảng 8 m, làm thiệt hại một trụ điện, đoạn ống nước, đoạn lộ, 3 căn nhà và tài sản chìm xuống sông, một căn có nguy cơ bị sụp, ước tính thiệt hại trên 1,6 tỷ đồng.
Ông Phạm Tấn Đạo, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng, cho biết ngay sau sự việc xảy ra, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn địa phương đã chỉ đạo các bộ phận chức năng tiến hành khắc phục về hệ thống điện, nước, huy động lực lượng hỗ trợ người dân di dời tài sản, đồng thời đảm bảo công tác cứu hộ khẩn cấp cần thiết.
Trước đó, vào đầu tháng 6, ngay trên sông Rạch Mọp thuộc địa bàn xã Song Phụng cũng đã xảy ra một đoạn sạt lở bờ sông với chiều dài 70 m, lấn sâu vào bờ khoảng 23 m, gây thiệt hại tại tuyến ống dẫn nước sinh hoạt, đường dây điện, ảnh hưởng đến lưu thông đi lại và sản xuất của bà con trong khu vực.
Ông Phan Hoài Điệu, hộ dân sinh sống gần sông Rạch Mọp thuộc ấp Phụng An, xã Song Phụng, cho biết: “Mình cũng hoang mang, phập phồng lắm, lo sợ ban đêm không biết là nó có sạt lở thêm nữa không, mình cũng sợ. Bây giờ phải dời chỗ nghỉ sâu sâu một chút để đảm bảo an toàn”.
Dù chỉ mới bước vào đầu mùa mưa, tình hình sạt lở bờ sông ở Sóc Trăng xảy ra rất phức tạp với tần suất ngày càng nhiều, gây thiệt hại đến tuyến lộ giao thông nông thôn, đe dọa tính mạng, tài sản của người dân.
T.Anh (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị