Sóc Trăng hỗ trợ DN xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa

Thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng đã và đang đẩy mạnh triển khai, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong việc xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc và thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc ban đầu vận hành trên các website, thiết lập cơ sở dữ liệu và cập nhật thông tin vận hành trên Cổng thông tin Truy xuất nguồn gốc tỉnh Sóc Trăng. Cập nhật những dữ liệu thông tin cơ bản các sản phẩm của doanh nghiệp lên hệ thống, bao gồm các sản phẩm: gạo, bánh pía, nấm, lạp xưởng, vú sữa, bưởi…

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện về truy xuất nguồn gốc doanh nghiệp đã gặp không ít khó khăn. Nắm bắt được định hướng của Chính phủ, trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hoá; áp dụng mô hình và tiếp cận các tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc mới ban hành, mới đây Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng đã phối hợp với Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia tổ chức Lớp tập huấn “Phổ biến Tiêu chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa”.

Sóc Trăng phổ biến Tiêu chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa cho các doanh nghiệp. Ảnh: Phú Nguyên/Chi cục TĐC 

Tại buổi tập huấn, các đại biểu được chuyên gia của Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia trình bày, giới thiệu các nội dung về khái niệm, tổng quan về truy xuất nguồn gốc và thực trạng truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hoá ở Việt Nam; Giới thiệu cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa Quốc gia; Định hướng của Chính phủ, trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hoá; Triển khai áp dụng mô hình truy xuất nguồn gốc; Tổng quan Tiêu chuẩn quốc gia về Mã số mã vạch và Truy xuất nguồn gốc; Phổ biến Tiêu chuẩn quốc gia 12850:2019 Truy xuất nguồn gốc – Yêu cầu chung đối với hệ thống truy xuất nguồn gốc; Tiêu chuẩn quốc gia 12827:2019 Truy xuất nguồn gốc – Yêu cầu đối với chuỗi cung ứng rau quả tươi.

Trước đó, Sở Khoa học và Công nghệ Sóc Trăng đã có thông báo về hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa, đo lường cho doanh nghiệp năm 2023.

Sóc Trăng đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có khoảng 5.900 doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn, số doanh nghiệp có lãi chiếm tỉ lệ 62%. Thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng đã tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư đến địa phương hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Sở Khoa học và Công nghệ Sóc Trăng cho biết, trong năm 2023, Sở sẽ hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã, tổ hợp tác của tỉnh Sóc Trăng (gọi chung là doanh nghiệp) thuộc các thành phần kinh tế, được thành lập theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, hàng hóa chủ lực, truyền thống của tỉnh, các sản phẩm của chương trình OCOP, sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước (đặc biệt là sử dụng nguyên liệu trong tỉnh để tạo sản phẩm có giá trị kinh tế cao); kim ngạch xuất khẩu cao; có tiềm năng xuất khẩu lớn sẽ được ưu tiên.

Theo đó, đối tượng tham gia là các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh thuộc các thành phần kinh tế. Chương trình cũng ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, hàng hóa chủ lực, truyền thống của tỉnh, các sản phẩm chương trình OCOP, sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước, kim ngạch xuất khẩu cao…

Theo kế hoạch, chương trình sẽ hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, kết nối vào cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp. Dự kiến, chương trình hỗ trợ cho 10 doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, thực hiện công bố, áp dụng tiêu chuẩn cơ sở, tư vấn chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn quốc tế, tư vấn, chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Tư vấn xây dựng, áp dụng, chứng nhận hệ thống quản lý tiên tiến, công cụ cải tiến năng suất cơ bản; áp dụng thực hành nông nghiêp tốt; áp dụng tiêu chuẩn, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh… Chương trình cũng sẽ tư vấn, đào tạo hướng dẫn doanh nghiệp triển khai áp dụng chương trình đảm bảo đo lường…

Cũng liên quan tới vấn đề truy xuất nguồn gốc, Sở khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng đã ban hành quy chế về Quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng Hệ thống quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa tỉnh Sóc Trăng.

Theo đó các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cập nhật đầy đủ, kịp thời, chính xác thông tin phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của mình và chịu trách nhiệm đối với các thông tin được kê khai từ tài khoản của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

Dữ liệu truy xuất nguồn gốc phải được tham chiếu, tổ chức thống nhất, lưu trữ theo các tiêu chuẩn hiện hành đối với hệ thống truy xuất nguồn gốc và tạo thuận lợi cho việc chia sẻ cho các hệ thống khác bên ngoài.

Các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu khác trao đổi dữ liệu với Hệ thống truy xuất nguồn gốc thông qua nền tảng trao đổi dữ liệu LGSP của tỉnh Sóc Trăng theo Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh 2.0 tỉnh Sóc Trăng đã được ban hành. Trong trường hợp LGSP không sẵn sàng, các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu có thể kết nối trực tiếp với Hệ thống truy xuất nguồn gốc nhưng phải đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn, bảo mật thông tin theo quy định.

An Dương 

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích