ĐBQH: Cơ sở xác định giá đất tiệm cận với thị trường vẫn còn mơ hồ

Theo các đại biểu, Luật Đất đai (sửa đổi) cần được tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung, làm rõ nguyên tắc thị trường để đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư.

ĐBQH: Cơ sở xác định giá đất tiệm cận với thị trường vẫn còn mơ hồ
Quang cảnh phiên họp Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào sáng 21/6. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Hàng loạt các vấn đề về phương pháp xác định giá đất để điều tiết chênh lệch địa tô; việc bồi thường, hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi; thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất… trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được các đại biểu Quốc hội tham gia góp ý, thảo luận tại hội trường Quốc hội khóa XV vào sáng 21/6.

Chênh lệch địa tô còn tiềm ẩn nhiều bất công

Tham gia phát biểu ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Trần Văn Khải, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam cho biết một trong những nhiệm vụ đặt ra tại Nghị quyết số 18-NQ/TW là hoàn thiện cơ chế chính sách về tài chính đất đai, nghiên cứu, có chính sách điều tiết chênh lệch địa tô, bảo đảm công khai, minh bạch.

Tuy nhiên, đại biểu này cũng nhìn nhận chênh lệch địa tô được hình thành từ quá trình chuyển đổi mục đích từ loại đất có giá trị thấp sang đất có giá trị cao. Đất nông nghiêp được mua gom, đền bùn với giá rẻ sau đó được chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp, dịch vụ, thương mại.

“Vấn đề xử lý chênh lệch địa tô đối với đất đai của người dân đang tiềm ẩn nhiều bất công trong toàn xã hội,” ông Khải đánh giá.

Khẳng định đất đai của người dân đã giao quyền sử dụng đất cho Nhà nước, chủ đầu tư để xây dựng đô thị, phát triển hạ tầng dự án nên cần được hưởng các chính sách hỗ trợ, do đó, theo đại biểu, Luật Đất đai (sửa đổi) lần này phải xóa bỏ bất công từ lợi ích do chênh lệch địa tô, tránh nguồn lực đất đai bị thất thoát, xây dựng chính sách tài chính đất đai, phương thức xác định giá đất nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích trong khai thác chênh lệch địa tô 3 bên giữa người dân, Nhà nước và nhà đầu tư.

Để phát huy tiềm lực đất đai, khắc phục tình trạng tiêu cực, tham nhũng, khiếu kiện trong đất đai, đầu cơ và sử dụng đất đai lãng phí, ông Khải góp ý cần giải quyết xử lý được 2 vấn đề lớn là chênh lệch địa tô và giá đất.

“Cơ sở xác định giá đất tiệm cận giá thị trường vẫn là điều mơ hồ, xác định như thế nào để không thất thoát là điều rất khó, trong khi phải đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước và người dân. Nếu cứ theo phương án an toàn thì tiền bồi thường và tái định cư sẽ rất lớn, khó thu hút nhà đầu tư thực hiện dự án,” đại biểu Trần Văn Khải nói.

Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục hoàn thiện nghiên cứu xác định theo cơ chế giá thị trường, quy định thông tin đầu vào nhằm xác định phương pháp, nguyên tắc giá đảm bảo để tường minh hơn vấn đề này.

ĐBQH: Cơ sở xác định giá đất tiệm cận với thị trường vẫn còn mơ hồ
Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam Trần Văn Khải phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Đồng tình quan điểm này, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung, làm rõ và minh bạch nguyên tắc thị trường để đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư.

Lý giải rõ hơn, đại biểu này chỉ ra thực tiễn trong thời gian qua, việc bồi thường, hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi không chỉ ở vấn đề tính tiền bồi thường khi thu hồi đất mà còn ở phương pháp, phương án hỗ trợ tái định cư theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW để sau khi thu hồi đất thì người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở đảm bảo cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

“Việc duy trì một mặt bằng hợp lý các chi phí liên quan đến đất sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phát triển bền vững,” bà Dung nhấn mạnh.

Cất nhà trước, làm giấy tờ sau diễn ra phổ biến

Góp ý kiến về thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đại biểu Trần Thị Thanh Lam, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre cho biết thời gian qua, ngành tài nguyên sớm ứng dụng công nghệ 4.0 vào quản lý cho thấy sự tập trung cao của ngành, nổi bật nhất là hệ thống cơ sở dữ liệu về đất đai bước đầu tạo được niềm tin trong nhân dân về ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật dần được hoàn thiện.

Tuy nhiên, theo đại biểu này, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất vẫn còn rất rườm rà, mất nhiều thời gian trong khi nhu cầu của người dân về chuyển đổi mục đích sử dụng đất là rất lớn và cần được thực hiện trong thời gian ngắn.

Dẫn chứng, bà Lam cho hay khi người dân xây, chỉnh sửa nhà cửa nơi sinh sống phải xin phép chính quyền nhưng thủ tục nhanh nhất cũng tới 1 năm, lâu hơn có thể tới 18 tháng.

“Thực tế, người dân không thể chờ thời gian hơn 1 năm, nên tình trạng cất nhà trước, làm giấy tờ sau diễn ra phổ biến. Vì vậy, cơ quan soạn thảo cần có cách tiếp cận khác về quy trình, có giải pháp rút ngắn về thời gian trong tổ chức thực hiện,” bà Lam kiến nghị.

Mặt khác, cũng theo bà Lam, khu vực đã quy hoạch là đất ở thì khi người dân có nhu cầu các cơ quan chức năng cần giải quyết ngay, không nên yêu cầu người dân đăng ký và chờ đợi thời gian dài đến khi có kế hoạch phân bổ mới giải quyết, trong khi thời gian là cơ hội của người dân.

ĐBQH: Cơ sở xác định giá đất tiệm cận với thị trường vẫn còn mơ hồ
Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh Thạch Phước Bình phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Đề cập tới một khía cạnh khác, đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh, cho biết dự thảo Luật đất đai chưa có quy định khái niệm xác định thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất; khái niệm bồi thường chưa chuẩn xác, không có quy định bồi thường thiệt hại về tài sản khác khi Nhà nước thu hồi đất…

Đại biểu này đề nghị dự thảo luật cần tiếp tục bổ sung việc bồi thường thiệt hại tài sản gắn liền với đất phải theo nguyên tắc bồi thường thiệt hại theo pháp luật dân sự để vừa đảm bảo quyền lợi cho người dân và vừa đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa Luật Đất đai và Bộ luật Dân sự 2015.

“Cơ chế và chính sách tài chính đất đai khi thực hiện sẽ gắn kết chặt chẽ với các chính sách khác về đất đai như quy hoạch giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất gắn với hỗ trợ và bồi thường tái định cư,” ông nhấn mạnh.

Đại biểu cho rằng chính sách tài chính về đất đai cần phải đi đầu, cụ thể là làm sâu sắc và toàn diện hơn những chính sách tài chính có tính chất ưu đãi về đất đai thông qua công cụ thuế để khuyến khích các chủ thể huy động các nguồn lực và đầu tư chỗ ở và tạo việc làm cho người dân bị thu hồi đất./.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích