VICEM: Chủ động, linh hoạt, vượt qua khó khăn

(Xây dựng) – Ngành Xây dựng nói chung và ngành Xi măng nói riêng gặp khó khăn chồng chất, khi nguồn cung dư cao (công suất thiết kế gấp đôi tiêu thụ trong nước), cầu xi măng thấp, thị trường BĐS đóng băng, xuất khẩu xi măng gặp khó. Giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất xi măng tăng cao… Không nằm ngoài quy luật chung của thị trường; sản xuất và tiêu thụ xi măng toàn VICEM cũng bị ảnh hưởng.

VICEM: Chủ động, linh hoạt, vượt qua khó khăn

Triết lý điều hành chủ động, linh hoạt, tối ưu, hiệu quả

Điều hành một DN xi măng lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á, với 10 nhà máy, 16 dây chuyền, trải dài từ Bắc vào Nam, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, cũng đầy thách thức. Làm sao để hơn 12 nghìn cán bộ công nhân viên VICEM và các đơn vị thành viên có việc làm, đảm bảo đời sống người lao động? Làm sao để duy trì đồng vốn, xoay xở vượt qua khó khăn chung, hướng đến phát triển bền vững? Những câu hỏi ấy xoáy sâu và cũng là bài toán thách thức nhà quản lý, Ban lãnh đạo VICEM và các đơn vị thành viên.

Đối diện khó khăn ấy, Tổng giám đốc VICEM Lê Nam Khánh cho biết: Triết lý điều hành sản xuất kinh doanh của VICEM trong giai đoạn này là chủ động, linh hoạt, tối ưu, hiệu quả. Phân cấp hợp lý, điều hành phù hợp. Với tinh thần chủ động, nhận diện, phân tích rõ khó khăn để có giải pháp đồng bộ, linh hoạt. Đồng thời, tính toán chi tiết để tiết kiệm chi phí; chạy lò bao nhiêu sẽ hiệu quả tối ưu, đòi hỏi cách vận hành, điều hành quản lý hết sức tỉ mỉ, nhưng phải nhanh nhạy và quyết liệt.

Không đợi đến lúc thị trường xi măng khó khăn, trầm lắng mới xoay xở. Với tinh thần chủ động, đi trước một bước, một trong những giải pháp VICEM thực hiện hiệu quả trong những năm qua, đó là đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi sản xuất xanh và sử dụng năng lượng tiết kiệm. Hàng loạt “nút thắt” trong các dây chuyền sản xuất được cải tạo, sửa chữa tại VICEM Bút Sơn, VICEM Hoàng Thạch, VICEM Hải Phòng, VICEM Bỉm Sơn, VICEM Hoàng Mai, VICEM Hạ Long, VICEM Tam Điệp, VICEM Hà Tiên, nhằm nâng cao năng suất, giảm tiêu hao năng lượng, giảm tiêu hao điện, sử dụng được than có nhiệt trị thấp trong bối cảnh nguồn cung than khó khăn, khan hiếm nguồn than có nhiệt trị cao.Hệ thống calciner được mở rộng, tăng thời gian lưu nên có khả năng đốt nhiên liệu thay thế, góp phần tăng hiệu quả sản xuất và xử lý môi trường, tiết kiệm tài nguyên.

Tiết kiệm chi phí, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo

Trong bối cảnh giá điện tăng cao, VICEM và các đơn vị thành viên đang đẩy mạnh đầu tư công trình tận dụng nhiệt khí thải để phát điện. Hàng loạt các nhà máy đang triển khai các bước đầu tư, hoặc khởi công xây dựng. Theo kế hoạch, đến năm 2025, các dây chuyền của VICEM sẽ được đầu tư nhiệt khí thải phát điện, góp phần tiết kiệm 20 – 30% lượng điện sử dụng, giảm phát thải CO2.

Chia sẻ về lợi ích của dự án, Tổng giám đốc VICEM Bút Sơn Đỗ Tiến Trình nhấn mạnh: Với tổng công suất lắp đặt 12MW, tổng mức đầu tư 415,657 tỷ đồng, hệ thống tận dụng nhiệt thừa khí thải để phát điện là hệ thống phát điện sạch và xanh; có nhiều ưu điểm như không tốn nhiên liệu để phát điện, giảm khí nhà kính (1 KWh điện thải ra 0,86kg CO2, tương đương VICEM Bút Sơn giảm 86.000 tấn CO2), giảm bụi, tăng hiệu suất thiết bị. Mỗi năm nhà máy sản xuất được 90 -100 triệu KWh, tương đương 25 – 30% lượng điện sử dụng toàn nhà máy, giúp giảm chi phí vận hành và tăng lợi nhuận, giảm nhiệt độ đầu vào cho các công đoạn sau nồi hơi, làm quạt công. Công trình tận dụng nhiệt thừa phát điện của VICEM Bút Sơn được khởi công xây dựng tháng 02/2023.

Tổng giám đốc Lê Nam Khánh cho biết: VICEM đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sử dụng tro xỉ, rác thải, bùn thải trong sản xuất, nhằm tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường. VICEM Hà Tiên là đơn vị tiên phong đầu tư chuyển đổi công nghệ, sử dụng chất thải của ngành công nghiệp khác như tro bay, hạt nix, xỉ làm nguyên liệu sản xuất; đưa vào sử dụng thành công hệ thống đốt vỏ bã hạt điều và đốt rác thải công nghiệp thông thường tại lò nung nhà máy xi măng Bình Phước, Kiên Lương. Sử dụng 100% dầu điều thay thế cho dầu DO để sấy lò; đưa tro bay, xỉ lò cao vào sản xuất với tỷ lệ sử dụng từ 5 – 15%, giúp giảm hệ số clinker factor…

VICEM Bút Sơn đã sử dụng bùn thải, rác thải… nhằm giảm giá thành sản xuất; góp phần giải quyết các vấn đề về môi trường cho đất nước. Bộ TN&MT cấp Giấy phép cho sử dụng chất thải rắn thông thường, chất thải rắn nguy hại làm nguyên, nhiên liệu thay thế và đồng xử lý chất thải trong sản xuất xi măng; VICEM Bút Sơn thử nghiệm vận hành đồng xử lý chất thải nguy hại, khối lượng xử lý tăng thêm 1.400 tấn chất thải nguy hại/tháng…

Với hàng loạt các giải pháp chủ động, đồng bộ, tập thể Ban lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên toàn VICEM đoàn kết, đồng lòng vượt qua khó khăn. Kết quả sản xuất 5 tháng đầu năm, sản xuất clinker đạt 7,028 triệu tấn, sản xuất xi măng trực tiếp đạt 8,913 triệu tấn; tiêu thụ sản phẩm chính 9,683 triệu tấn; tiêu thụ xi măng đạt 8,94 triệu tấn, trong đó tiêu thụ nội địa đạt 7,637 triệu tấn, xuất khẩu 1,303 triệu tấn; tổng doanh thu 13.701 tỷ đồng, nộp ngân sách 639 tỷ đồng.

Duy trì ổn định sản xuất, linh hoạt phương án chạy lò

Để duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh trong 6 tháng cuối năm 2023, VICEM chú trọng công tác quản lý duy tu, bảo trì thiết bị, nhằm tiết giảm chi phí sửa chữa máy móc, thiết bị, tiêu hao nguyên nhiên vật liệu, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Bám sát tình hình thực tế, phối hợp chặt chẽ giữa khối sản xuất và khối tiêu thụ để rà soát, xây dựng các kịch bản; linh hoạt lựa chọn phương án chạy lò hiệu quả nhất, tương ứng với cơ cấu, chủng loại than sử dụng, tối ưu vận hành. Rà soát, nghiên cứu các giải pháp cải tiến, cải tạo thiết bị dây chuyền, để sử dụng hiệu quả than nhiệt trị thấp, đồng thời, nghiên cứu thử nghiệm chất trợ đốt, khi sử dụng than nhiệt trị thấp.

Trong lĩnh vực tiêu thụ, bám sát diễn biến thị trường, giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, để có giải pháp xây dựng giá bán, chính sách bán hàng theo từng chủng loại, trên từng địa bàn, phù hợp với thực tế thị trường, nhằm gia tăng sản lượng, giữ vững thị phần tiêu thụ xi măng trong nước. Tuyệt đối nghiêm cấm tiêu thụ sản phẩm với giá bán thấp hơn biến phí. Nghiên cứu xây dựng chiến lược kinh doanh xi măng rời để phù hợp xu hướng dịch chuyển của thị trường. Bám sát biến động về nhu cầu nhập khẩu, thông tin thị trường để đề xuất giải pháp cho đơn vị thành viên; tìm kiếm các giải pháp mở rộng thị trường xuất khẩu.

Thời gian tới, VICEM sẽ tiếp tục nghiên cứu sửa chữa cải tạo các thiết bị liên quan để sử dụng than phẩm cấp thấp, đẩy mạnh sử dụng tro, xỉ, thạch cao nhân tạo, đốt rác thải, triệt để tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. Trong quá trình thực hiện, Tổng giám đốc VICEM Lê Nam Khánh yêu cầu các đơn vị thành viên triệt để tuân thủ quy định và xây dựng quy chế, quy định cụ thể để chủ động công việc.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích